Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeCẩm nangTrách Nhiệm Của Một Quản Lý Nhà Hàng Bao Gồm Những Gì?

Trách Nhiệm Của Một Quản Lý Nhà Hàng Bao Gồm Những Gì?

Quản lý đóng vai trò vô cùng quan trọng trong dây chuyền vận hành của một nhà hàng. Vị trí này sẽ chịu trách nhiệm giám sát mọi khía cạnh trong nhà hàng từ những chi tiết nhỏ nhất cho đến bức tranh lớn tổng thể sao cho đảm bảo hoạt động kinh doanh diễn ra một cách thật trơn tru. Nếu bạn cũng đang đặt mục tiêu trở thành một quản lý nhà hàng thì bài viết này sẽ cho bạn cái nhìn rõ ràng hơn về công việc mơ ước của mình. 

Trách Nhiệm Của Một Quản Lý Nhà Hàng Bao Gồm Những Gì?
Quản lý đóng vai trò vô cùng quan trọng trong dây chuyền vận hành của một nhà hàng (Nguồn: Internet)

1. Quản lý nhân viên

Quản lý nhân viên là một trong những trách nhiệm chính của quản lý nhà hàng. Cách bạn quản lý nhân viên của mình sẽ tác động rất lớn đến bầu không khí và hoạt động chung của nhà hàng. Thông thường, các công việc quản lý nhân viên sẽ bao gồm:

Tuyển dụng và đào tạo nhân sự mới: Đội ngũ nhân viên là những mắt xích quan trọng trong dây chuyền hoạt động của nhà hàng, vì vậy phải đảm bảo bạn thuê đúng người và đào tạo họ đúng cách trong từng vị trí để mỗi người đều hiểu rõ công việc của mình. Ngoài ra, bạn cũng cần chắc chắn tuyển đủ số lượng nhân viên cần thiết cho mỗi bộ phận để không làm xáo trộn hệ thống vận hành của nhà hàng. Đồng thời truyền đạt rõ ràng nội dung công việc, quy định và các chính sách cho những nhân sự mới trong quá trình đào tạo.

Sắp xếp lịch trình và trả lương: Quản lý nhà hàng cũng sẽ chịu trách nhiệm sắp xếp lịch trình và phân công công việc cho nhân viên theo ngày, theo tuần, hoặc theo hàng tháng. Bên cạnh đó, cũng phải đảm bảo tất cả nhân viên đều được trả lương công bằng, minh bạch và đúng thời hạn. Nhờ có sự phát triển của công nghệ hiện đại nên bạn có thể tận dụng sự hỗ trợ của các phần mềm quản lý nhân viên để thực hiện những quy trình này một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn. 

Duy trì nội bộ gắn kết: Môi trường nội bộ tích cực là một trong những lý do hàng đầu quyết định sự gắn bó của đội ngũ nhân viên với nơi làm việc. Bằng cách thể hiện sự quan tâm đến đội ngũ nhân viên của mình, nghiêm túc lắng nghe và ghi nhận những đóng góp hay nhu cầu của họ sẽ giúp bạn xây dựng văn hóa nội bộ lành mạnh, qua đó tạo tinh thần đoàn kết giữa mọi người và thúc đẩy tinh thần làm việc hiệu quả. Nhân viên sẽ đạt năng suất tốt nhất khi họ hài lòng với công việc và môi trường làm việc của mình.

Trách Nhiệm Của Một Quản Lý Nhà Hàng Bao Gồm Những Gì?
Quản lý nhà hàng sẽ chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ hoạt động kinh doanh (Nguồn: Internet)

2. Quản lý dịch vụ

Là một quản lý nhà hàng, bạn cần phải biết cách quản lý dịch vụ thế nào để mang đến cho khách hàng chất lượng trải nghiệm tốt nhất. Quản lý dịch vụ chuyên nghiệp là một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến sự thành công của một hoạt động kinh doanh nhà hàng. Tuy rằng chất lượng thực phẩm rất quan trọng đối với dịch vụ ăn uống, nhưng cùng với đó, chất lượng trải nghiệm của khách hàng cũng quan trọng không kém. Dịch vụ nhà hàng tốt sẽ để lại ấn tượng tích cực trong trải nghiệm tổng thể của khách hàng và giữ chân họ quay lại trong những lần tiếp theo. 

Trải nghiệm dịch vụ toàn diện cần được thể hiện ngay khi thực khách vừa bước chân vào nhà hàng. Bắt đầu từ tác phong đón tiếp, bầu không khí dễ chịu, chỗ ngồi thoải mái, thái độ phục vụ cho đến các vấn đề cá nhân cần giải quyết như khiếu nại hay góp ý của khách hàng cũng đều phải được quản lý một cách bài bản và chuyên nghiệp. Thêm vào đó, quản lý dịch vụ không chỉ có những trải nghiệm dùng bữa tại chỗ, mà bạn còn phải chăm sóc thật tốt cho cả những khách hàng trực tuyến, đảm bảo thực phẩm vẫn giữ nguyên chất lượng khi giao đến tay khách hàng và không có vấn đề gì trong quá trình vận chuyển. Tất cả những điều này đều thuộc trách nhiệm quản lý dịch vụ của người quản lý nhà hàng. 

Xem thêm: Cách Kiểm Soát Chi Phí Nhân Sự Hiệu Quả Trong Kinh Doanh Nhà Hàng

3. Quản lý nhà bếp

Quản lý nhà hàng không chỉ có những công việc tiền sảnh, mà các bộ phận hậu sảnh như khu vực nhà bếp cũng thuộc trách nhiệm của bạn. Hoạt động kinh doanh của một nhà hàng phụ thuộc rất nhiều vào bộ phận bếp. Do vậy, bạn phải biết mình nên làm gì để có thể quản lý nhà bếp hiệu quả, đảm bảo mang đến cho khách hàng chất lượng món ăn đạt tiêu chuẩn cả về hương vị lẫn an toàn thực phẩm. 

Thiết kế thực đơn: Menu là trung tâm cho sự thành công của bất kỳ hoạt động kinh doanh nhà hàng nào. Thực tế, nhiệm vụ thiết kế thực đơn thường sẽ do đội ngũ đầu bếp đảm trách bởi họ là những người am hiểu nhất về thực phẩm và có kinh nghiệm trong sáng tạo món ăn. Vai trò của người quản lý nhà hàng trong quy trình thiết kế thực đơn chủ yếu sẽ cùng đầu bếp thảo luận làm thế nào để thể hiện rõ nét bản sắc riêng của nhà hàng trên thực đơn, quyết định những món ăn nên có và tính toán chi phí thực phẩm phù hợp.

Cung cấp thiết bị máy móc hỗ trợ: Quản lý nhà hàng đảm bảo nhà bếp được bố trí đúng cách để các đầu bếp có thể thuận tiện thực hiện công việc của mình. Bạn có thể tham khảo ý kiến của các đầu bếp trước khi trang bị và thiết kế nhà bếp để có sự đầu tư chính xác. Ngoài ra, bạn cũng phải theo dõi các chức năng của thiết bị và có kế hoạch bảo trì thường xuyên để hạn chế các tình trạng hư hỏng đột ngột làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. 

Tìm nguồn cung ứng và quản lý hàng tồn kho: Quản lý nhà hàng và đội ngũ đầu bếp sẽ cùng nhau giám sát quy trình đặt hàng với các nhà cung ứng. Sau đó kiểm kê số lượng và chất lượng của đơn hàng rồi tiến hành ghi nhận vào dữ liệu quản lý hàng tồn kho. Quy trình này trước đây sẽ có phần phức tạp do được thực hiện thủ công, thế nhưng hiện nay, phần mềm quản lý kho có thể giúp bạn theo dõi tình hình kho hàng dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn. 

Trách Nhiệm Của Một Quản Lý Nhà Hàng Bao Gồm Những Gì?
Quản lý nhà hàng cần có năng lực đa nhiệm để đảm nhận tốt nhiều công việc khác nhau (Nguồn: Internet)

4. Quản lý tiếp thị nhà hàng

Quản lý tiếp thị nhà hàng là yếu tố không thể thiếu nếu bạn muốn phát triển nhà hàng thành công. Cho dù món ăn của nhà hàng có ngon đến mấy, hay chất lượng dịch vụ tốt như thế nào đi nữa nhưng không được mọi người biết đến thì vẫn rất khó để có thể duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả. Tất cả nhà hàng đều cần được quảng bá để tiếp cận gần hơn đến khách hàng mục tiêu của mình, đồng thời tăng độ nhận diện thương hiệu trên thị trường và thu hút khách hàng tiềm năng đến trải nghiệm. 

Một số nội dung quan trọng nên có trong chiếc lược quảng bá cho nhà hàng như nghiên cứu thị trường mục tiêu, phân tích khả năng cạnh tranh, ưu nhược điểm của nhà hàng, đề xuất ý tưởng tiếp thị, lựa chọn kênh truyền thông, thời gian triển khai thích hợp và dự trù ngân sách tương ứng. Hiển nhiên rằng quản lý nhà hàng sẽ không phải tự mình thực hiện tất cả những công việc này. Bạn có thể cùng với bộ phận tiếp thị, các chuyên viên marketing của nhà hàng hoặc dịch vụ truyền thông thuê ngoài để xây dựng một chiến lược tiếp thị hiệu quả nhất. 

Xem thêm: Nâng Cao Chất Lượng Quản Lý Để Giảm Tỷ Lệ Nhân Viên Nghỉ Việc

5. Quản lý tình hình tài chính 

Quản lý tình hình tài chính có nghĩa bạn phải bao quát mọi hoạt động thu chi của nhà hàng. Từ ghi nhận đơn hàng, các giao dịch thanh toán, kiểm tra doanh thu mỗi ngày, cho đến theo dõi các khoản chi phí phát sinh trong quá trình vận hành, sau đó duy trì chi phí hoạt động và ngân sách trong mức hợp lý để đảm bảo nhà hàng kinh doanh có lợi nhuận. 

Xây dựng chiến lược phát triển: Chiến lược phát triển là nền tảng hoạt động cho tất cả nhà hàng. Ngay cả khi bạn là một thương hiệu đã thành công trên thị trường thì vẫn cần chiến lược kinh doanh để có định hướng phát triển đúng đắn lâu dài. Các chiến lược phát triển có thể được chia làm ngắn hạn và dài hạn. Với các kế hoạch ngắn hạn có thể được thay đổi linh hoạt để bắt kịp xu hướng khách hàng trong từng thời điểm, nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng mục tiêu của kế hoạch dài hạn đã đặt ra. 

Theo dõi ngân sách và doanh thu: Quản lý nhà hàng sẽ phải thường xuyên theo dõi tình hình doanh thu để cân đối hợp lý với ngân sách, đồng thời kiểm soát chi phí chặt chẽ để hạn chế các loại chi tiêu phát sinh và lãng phí không cần thiết. Các công việc liên quan đến ngân sách và doanh thu có thể sẽ khá phức tạp, vì vậy quản lý nhà hàng cần phải có những kiến thức và kinh nghiệm liên quan để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ này. 

Thuế và hồ sơ kinh doanh khác: Khai thuế, đóng các loại phí quy định và cập nhật đầy đủ mọi thủ tục giấy tờ khác mà nhà hàng phải thực hiện để đảm bảo kinh doanh tuân theo quy định pháp luật cũng là một phần trong các nhiệm vụ của quản lý nhà hàng. Tuy nhiên, may mắn là bạn có thể cùng bộ phận kế toán đảm nhận và giảm khối lượng công việc cho nhau. 

Quản lý có thể được xem như cánh tay phải đắc lực của chủ nhà hàng, bởi vị trí này sẽ chịu trách nhiệm theo dõi và điều hành hoạt động kinh doanh của nhà hàng khi người chủ vắng mặt. Quản lý nhà hàng là một công việc đầy thử thách, đòi hỏi bạn phải đầu tư thời gian và công sức để trang bị cho mình những kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng nghiệp vụ cần thiết. Thế nhưng đồng thời, đây cũng là một vị trí đầy thú vị, có nhiều cơ hội để bạn phát triển bản thân và xây dựng sự nghiệp lâu dài.

Xem thêm: Những Lỗi Thường Gặp Trong Các Chiến Lược Marketing Kỹ Thuật Số Nhà Hàng

 

Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img