Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeCẩm nangHướng Dẫn Chi Tiết Thủ Tục Đăng Ký Giấy Phép Kinh Doanh...

Hướng Dẫn Chi Tiết Thủ Tục Đăng Ký Giấy Phép Kinh Doanh Cho Quán Cà Phê Nhỏ

Đăng ký giấy phép kinh doanh là một trong những vấn đề quan trọng mà các chủ quán cần quan tâm để đảm bảo hoạt động kinh doanh của mình diễn ra hợp pháp, dưới sự bảo hộ của pháp luật, nhằm tránh các rắc rối phát sinh sau này. Ngoài đăng ký giấy phép kinh doanh, các quán cà phê còn phải đăng ký thêm nhiều thủ tục khác như giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy phép sử dụng vỉa hè, kê khai thuế,… Bài viết này bao gồm tất tần tật thông tin cần thiết về các thắc mắc xoay quanh các thủ tục pháp lý cần thiết cho các chủ quán khi kinh doanh cà phê. 

1. Đăng ký giấy phép kinh doanh cho quán cà phê

1.1. Mở quán cà phê nhỏ có cần đăng ký giấy phép kinh doanh không? 

Căn cứ theo Nghị định 39/2007/NĐ-CP tại Điều 3, các trường hợp sau đây không cần thực hiện đăng ký kinh doanh:

– Các trường hợp buôn bán hàng rong bao gồm các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định. 

– Các trường hợp buôn bán vặt bao gồm các hoạt động mua, bán những sản phẩm hay vật dụng nhỏ lẻ, có hoặc không có địa điểm cố định.

– Các trường hợp bán quà vặt gồm những hoạt động mua, bán đồ ăn, n­ước uống (hàng nước), quà bánh, có hoặc không có địa điểm cố định.

Như vậy, theo quy định trên, việc mở quán cà phê có địa điểm kinh doanh cố định đều không thuộc những trường hợp được miễn trừ đăng ký giấy phép kinh doanh cà phê. Do đó, dù mở quán cà phê theo quy mô lớn hay nhỏ thì chủ quán cũng đều phải đăng ký giấy phép kinh doanh theo quy định nhà nước. 

1.2. Thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh cho quán cà phê

Các hình thức đăng ký giấy phép kinh doanh: Tuỳ vào mô hình và phạm vi hoạt động của quán cà phê mà chủ quán có thể cân nhắc đăng ký giấy phép kinh doanh theo một trong hai hình thức sau:

– Hộ kinh doanh cá thể: Hình thức kinh doanh này phù hợp với hoạt động kinh doanh quán cà phê nhỏ và với hộ gia đình. Với hình thức này, quán cà phê chỉ đăng ký một địa điểm kinh doanh duy nhất. 

– Doanh nghiệp: Hình thức kinh doanh bằng cách đăng ký doanh nghiệp phù hợp với hoạt động kinh doanh quán cà phê trung bình hoặc lớn. Đặc biệt, khi thương nhân có mục tiêu kinh doanh quán cà phê theo dạng chuỗi hoặc có quy mô tương đối lớn.

Trình tự thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh quán cà phê: Đối với kinh doanh quán cà phê nhỏ sẽ đăng ký giấy phép kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh cá thể. Quy trình thủ tục được thực hiện theo từng bước sau:

– Bước 1: Soạn thảo một bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đầy đủ và hợp lệ. 

– Bước 2: Gửi bộ hồ sơ đã chuẩn bị để đăng ký hộ kinh doanh đến Phòng Kinh tế, thuộc UBND quận, huyện – nơi bạn đặt địa điểm kinh doanh quán cafe và nộp lệ phí.

– Bước 3: Chờ đợi kết quả thẩm định và cấp giấy chứng nhận từ cơ quan chức năng. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, hộ kinh doanh sẽ nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ nếu hồ sơ chưa hợp lệ. Nếu hồ sơ đầy đủ và đúng quy định, hộ kinh doanh sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. 

Hướng Dẫn Chi Tiết Thủ Tục Đăng Ký Giấy Phép Kinh Doanh Cho Quán Cà Phê Nhỏ
Mở quán cà phê nhỏ vẫn cần đăng ký giấy phép kinh doanh

2. Đăng ký giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm

Đây là loại giấy phép quan trọng thứ hai trong các thủ tục cần thiết khi kinh doanh F&B. Tương tự với giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm được xem như sự kiểm duyệt của nhà nước đối với quán cà phê của bạn, đảm bảo quán cà phê có đủ điều kiện về an toàn vệ sinh để kinh doanh. Từ đó, có thể tránh được những trường hợp bị xử phạt do thiếu giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm mà gây thiệt hại về danh tiếng, sự uy tín và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của quán cà phê.

Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quán cà phê đủ điều kiện an toàn thực phẩm:

– Đơn đề nghị của chủ quán cà phê cấp giấy phép đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm.

– Bản sao hợp lệ đối với Giấy phép đăng ký kinh doanh hộ cá thể hoặc doanh nghiệp. Trong đó, đã có đăng ký ngành nghề kinh doanh về thực phẩm.

– Bản vẽ trình bày sơ đồ thiết kế đối với mặt bằng quán cà phê.

– Bản vẽ trình bày sơ đồ thiết kế đối với mặt bằng xung quanh.

– Sơ đồ thể hiện quy trình sản xuất thực phẩm hoặc quy trình phân phối và bảo quản thực phẩm.

– Bản thuyết minh về những trang thiết bị, dụng cụ và cơ sở vật chất của quán cà phê. 

– Giấy xác nhận chủ cơ sở và người quản lý đã hoàn thành tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định.

– Giấy xác nhận chủ cơ sở và người quản lý trực tiếp đủ sức khỏe kinh doanh.

Trình tự thủ tục xin giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho quán cà phê: 

– Bước 1: Soạn thảo một bộ hồ sơ xin cấp phép đủ điều kiện an toàn thực phẩm gồm đầy đủ các thành phần nêu trên.

– Bước 2: Nộp hồ sơ tại cục an toàn thực phẩm, chi cục an toàn thực phẩm hoặc Bộ phận một cửa của UBND cấp quận, huyện tuỳ vào quy mô và phạm vi hoạt động của quán cà phê.

– Bước 3: Chờ đợi xem xét hồ sơ, Cơ quan chức năng thẩm định trực tiếp tại quán cafe và ra biên bản kết quả thẩm định. Nếu quán cà phê đạt yêu cầu sẽ được cấp giấy chứng nhận trong vòng 10 đến 15 ngày. Nếu không đạt thì quán cà phê sẽ phải điều chỉnh và nộp lại hồ sơ thẩm định.

Hướng Dẫn Chi Tiết Thủ Tục Đăng Ký Giấy Phép Kinh Doanh Cho Quán Cà Phê Nhỏ
Đăng ký giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm rất quan trọng trong kinh doanh F&B
Xem thêm: Kinh Doanh F&B Có Còn Là Mô Hình Khởi Nghiệp Tiềm Năng Trong Năm 2024 Không?

3. Các loại thuế cần phải đóng khi mở quán cà phê

Chủ quán cần kê khai thuế tại cơ quan thuế được phân cấp quản lý ở địa bàn để họ áp thuế. Theo đó, cơ quan thuế sẽ dựa vào giấy phép kinh doanh để áp dụng thuế (quy mô càng lớn thuế càng cao) và kiểm tra doanh thu thực tế để đối chứng. 

Đối với các quán cà phê nhỏ đăng ký giấy phép theo hình thức hộ kinh doanh, các loại thuế cần đóng sẽ bao gồm thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân và thuế môn bài. Trường hợp chủ quán mở rộng quy mô kinh doanh, mở thêm cơ sở mới tạo thành chuỗi cần đăng ký giấy phép kinh doanh theo doanh nghiệp sẽ đóng các loại thuế bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân (nếu có) và thuế môn bài.

Thông tin cụ thể về từng loại thuế cần đóng cho quán cà phê nhỏ:

Thuế môn bài: Hiện nay, có 3 mức lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình căn cứ vào mức thu nhập hằng năm của hộ gia đình theo nghị định 139/2016/NĐ-CP:

– Những hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu/năm trở xuống: Được miễn thuế môn bài

– Doanh thu từ 100 triệu đến 300 triệu/năm: Nộp thuế môn bài 300.000 đồng/năm

– Doanh thu từ 300 triệu đến 500 triệu/năm: Nộp thuế môn bài 500.000 đồng/năm

– Doanh thu từ 500 triệu/năm trở lên: Nộp thuế môn bài 1.000.000 đồng/năm

Thuế giá trị gia tăng (GTGT): Căn cứ theo thông tư 92/2015/TT-BTC, thuế giá trị gia tăng phải nộp = doanh thu thuế GTGT x tỷ lệ thuế GTGT. Trong đó:

– Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng được tính theo hướng dẫn tại điểm a và điểm b.3 khoản 2 điều 2, thông tư 92/2015/TT-BTC.

– Tỷ lệ thuế giá trị gia tăng mặt hàng ăn uống nói chung và kinh doanh cà phê nói riêng là 2% doanh thu.

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN): Tương tự đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân phải nộp = doanh thu thuế TNCN x tỷ lệ thuế TNCN. Trong đó: 

– Đối với mặt hàng kinh doanh quán cà phê, tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1%.

– Đối với những quán kinh doanh có mức doanh thu dưới 100.000.000 đồng/năm không phải nộp thuế giá trị gia tăng cũng như không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Hướng Dẫn Chi Tiết Thủ Tục Đăng Ký Giấy Phép Kinh Doanh Cho Quán Cà Phê Nhỏ
Mức thuế phải đóng sẽ được áp dụng dựa trên quy mô kinh doanh của quán cà phê

4. Giấy phép đăng ký độc quyền thương hiệu

Đây là loại thủ tục mà khá nhiều người bỏ qua hoặc không mấy quan tâm, nhất là với những quán cà phê nhỏ lại càng dễ chủ quan. Vậy nhưng giấy phép đăng ký độc quyền thương hiệu lại có giá trị và đóng vai trò rất quan trọng nếu chủ quán có ý định mở rộng quy mô kinh doanh, xây dựng theo chuỗi thương hiệu, hay thậm chí là phát triển thành thương hiệu nhượng quyền. 

Không có giấy phép đăng ký độc quyền thương hiệu, chủ quán sẽ không có quyền sở hữu độc quyền tên tuổi cũng như bảo vệ danh tiếng và ý tưởng nhà hàng của mình. Các trường hợp không đăng ký độc quyền thương hiệu thường xảy ra các vấn đề pháp lý như tranh chấp quyền sở hữu, bị xâm phạm thương hiệu, ăn cắp ý tưởng,…

Xem thêm: “Ồ Ạt” Bắt Trend Ăn Uống Từ Trung Quốc Có Phải Dấu Hiệu Tốt Cho Ngành F&B Việt Nam?

5. Giấy phép sử dụng vỉa hè

Đừng nghĩ rằng phần vỉa hè phía trước mặt bằng quán cà phê nghiễm nhiên cũng thuộc sở hữu của mình và được toàn quyền sử dụng. Khi chủ quán cà phê muốn sử dụng vỉa hè vì các mục đích kinh doanh khác nhau như đặt thêm bàn ghế, tạo khu để xe cho khách, thì chủ quán bắt buộc phải liên hệ với phường, xã xin giấy phép. Nếu không được cho phép mà tự ý sử dụng sẽ bị phạt tùy mức độ, nhẹ thì tịch thu vật dụng, nặng thì có thể sẽ bị đình chỉ kinh doanh.

6. Một số lưu ý về những thủ tục khi mở quán cà phê

Bên cạnh đăng ký giấy phép kinh doanh và giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm cho quán cà phê của mình, các chủ quán cũng nên sở hữu những loại giấy tờ sau để quán có thể hoạt động và phát triển ổn định, đặc biệt là trong thời gian đầu:

Bằng cấp/chứng chỉ pha chế: Trong kinh doanh cà phê, hương vị thơm ngon, hấp dẫn chính là yếu tố lớn nhất quyết định liệu khách hàng có quay lại với quán cà phê lần nữa hay không. Để quán cà phê có thể tồn tại và phát triển lâu dài, việc tham gia các khóa học pha chế tại các trung tâm đào tạo uy tín, chuyên nghiệp để giúp chủ quán có thể tự kiểm định nhằm nâng cao chất lượng đồ uống trong quán của mình.

Hợp đồng lao động: Để tránh việc mất thời gian, công sức trong quá trình tuyển dụng và đào tạo nhân viên, chủ quán cần có những quy định rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm, cũng như thời gian làm việc tối thiểu để có thể “ràng buộc” với đội ngũ nhân viên, đồng thời tạo động lực, giúp họ có thể phát huy tối đa năng lực của mình, đóng góp vào hiệu suất hoạt động cho quán. 

Một số cơ quan quản lý: Các chủ quán có thể sẽ phải làm việc với các cơ quan như quản lý thị trường, chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm, đội kiểm tra liên ngành, đội trật tự đô thị, cũng như công an phường/xã,… trong quá trình hoạt động của mình. Việc xây dựng mối quan hệ tốt với các cơ quan quản lý này cũng sẽ tạo lợi thế cho quán kinh doanh thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn, tránh được các rắc rối về thủ tục pháp lý hoặc các vấn đề tương tự. 

Hướng Dẫn Chi Tiết Thủ Tục Đăng Ký Giấy Phép Kinh Doanh Cho Quán Cà Phê Nhỏ
Chủ quán nên hoàn tất các thủ tục giấy chứng nhận cần thiết để vận hành quán thuận lợi

Trên đây là một số thông tin về các loại đăng ký giấy phép kinh doanh cho quán cà phê. Hy vọng những thông tin đã được F&B Việt Nam tổng hợp và chia sẻ này sẽ giúp các chủ quán biết được các giấy tờ cần thiết cũng như thủ tục, quy trình hoàn thiện để trang bị đầy đủ cho quán cà phê của mình. Chúc các chủ quán kinh doanh thành công. 

Xem thêm: Những Địa Điểm Mua Nguyên Liệu Pha Chế Tốt Nhất Hiện Nay
Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img