Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeChuyển độngKinh Doanh F&B Có Còn Là Mô Hình Khởi Nghiệp Tiềm Năng...

Kinh Doanh F&B Có Còn Là Mô Hình Khởi Nghiệp Tiềm Năng Trong Năm 2024 Không?

Kinh doanh F&B vốn là cơ hội hấp dẫn cho những ai muốn khởi nghiệp với nhiều lợi thế về đa dạng mô hình, khả năng sinh lời cao, và có thể tồn tại đường dài. Tuy nhiên, trong những năm gần đây ngành F&B không còn khả quan đến thế, nhất là từ cuối năm 2022 đến nay tình hình ngành khá ảm đạm do chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, và dự đoán vẫn sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới, ít nhất đến cuối năm 2024. Như vậy, liệu kinh doanh F&B có còn là sự lựa chọn lý tưởng để khởi nghiệp trong năm 2024 không?

1. Kinh doanh F&B có còn lý tưởng để khởi nghiệp trong năm 2024?

1.1. Tổng quan tình hình thực tế của ngành kinh doanh F&B năm 2024

Trong Hội nghị chuyên ngành ẩm thực và đồ uống “Sóng ngầm F&B” vừa qua, ông Vũ Thanh Hùng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần iPOS.vn nhận định, nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đã trải qua muôn vàn khó khăn, và thị trường ngành kinh doanh F&B cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” này với loạt thách thức chồng chất. 

Chính tình hình suy thoái kinh tế đã khiến nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc thu hẹp, làn sóng sa thải tăng cao, thu nhập của người lao động giảm kéo theo sức mua giảm, hình thành tâm lý “thắt lưng buộc bụng”, thiên hướng tích lũy nhiều hơn, cùng với vật giá nguyên vật liệu tăng cao,… Cùng lúc đối diện với nhiều khó khăn khiến ngành F&B trong năm qua đã phải rất “trầy trật”’ để duy trì ổn định hoạt động kinh doanh. 

Theo báo cáo của iPOS.vn về doanh thu, ngành F&B Việt Nam đang chứng kiến sự suy giảm đáng đáng kể khi chỉ có 29,9% doanh nghiệp được khảo sát ghi nhận doanh thu tăng trưởng, 29,9% doanh nghiệp gần như giữ nguyên doanh thu với cùng kỳ năm ngoái, và có đến 40,1% doanh nghiệp đối mặt với lượng doanh thu giảm, tập trung hầu hết ở các mô hình kinh doanh lớn (chiếm tới 63,6%).

Về quy mô hoạt động, có 63,5% doanh nghiệp vẫn duy trì ổn định số lượng cửa hàng trong hệ thống, 26,3% doanh nghiệp mở thêm chi nhánh mới, và 5,8% doanh nghiệp thừa nhận phải đóng cửa ít nhất một chi nhánh trong 6 tháng vừa qua. Hầu hết các doanh nghiệp hiện tại đều đang gồng mình trước sức ép của nền kinh tế để vượt qua giai đoạn khó khăn.

“Mức chi tiêu gần như giữ nguyên, nhưng doanh thu các cửa hàng F&B giảm, đặc biệt là doanh nghiệp lớn. Chỉ 38% doanh nghiệp nhỏ có doanh thu giảm, nhưng tới 62% doanh nghiệp lớn có doanh thu giảm. Điều này có nghĩa rằng, khách hàng hạn chế sử dụng dịch vụ cao cấp, hướng tới trải nghiệm dịch vụ bình dân”, chuyên gia iPOS.vn nhận định.

Kinh Doanh F&B Có Còn Là Mô Hình Khởi Nghiệp Tiềm Năng Trong Năm 2024 Không
Kinh doanh F&B là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ suy thoái kinh tế
Xem thêm: Đặt Mục Tiêu Kiếm 1000 Tỷ Đô, Phát Triển Trung Nguyên Legend Thành Chuỗi Trên Toàn Thế Giới Liệu Có Quá Tham Vọng?

1.2. Dự đoán tình hình kinh doanh F&B trong thời gian tới

Đứng trước các thách thức từ biến động thị trường, ngành kinh doanh F&B hứa hẹn sẽ có nhiều sự chuyển mình trong thời gian tới. Đặc biệt, sự gia nhập của một số “ông lớn” từ nước ngoài mạnh tài chính, cũng như sở hữu hệ thống đầu tư bài bản sẽ là một thách thức lớn cho hàng quán nhỏ lẻ, lẫn các chuỗi lớn tại Việt Nam. Trong đó, hai thị trường bị tác động nhiều nhất là TP. HCM và Hà Nội. 

Đối với mảng kinh doanh đồ ăn, vì chịu sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và doanh thu sụt giảm mà dẫn đến cuộc chiến về giá kéo dài. Theo đó, các nhà hàng phân khúc bình dân “casual dining” có thể duy trì sự ổn định tốt hơn so với phân khúc nhà hàng cao cấp fine-dining do sự khác biệt về giá thành. Không chỉ vậy, các nhà hàng fine dining cũng phụ thuộc nhiều vào lượng khách quốc tế và khách hàng nội địa chịu chi, nhưng trong thời buổi khó khăn, suy thoái kinh tế này sẽ không hiệu quả. Vì vậy, nhiều nhà hàng sang trọng đã bỏ từ fine dining và chuyển sang từ gastronomy – một mô hình thuộc phân khúc up-scale, có tính sang trọng nhưng phù hợp với khả năng chi trả của thực khách hiện nay hơn.

Đối với mảng kinh doanh đồ uống lại có phần khốc liệt hơn cả, không chỉ có quán nội địa liên tục mọc lên mà ngay cả các thương hiệu nước ngoài cũng muốn gia nhập cùng xâu xé “miếng bánh” thị phần. Ngoài ra, với mảng kinh doanh đồ uống còn là cuộc chạy đua về công nghệ và dây chuyền sản xuất, cũng như tối ưu hóa quy trình ra món chuẩn. Vì thế các thương hiệu đồ uống hiện nay kỳ vọng sẽ sáng tạo ra nhiều món mới hơn, trendy hơn nhưng giá vốn phải thấp hơn. Đồng thời cũng đầu tư công nghệ hiện đại như thanh toán không tiền mặt, đặt món qua ứng dụng,… nhằm nâng cao trải nghiệm dịch vụ của khách hàng. 

Về mảng ứng dụng giao hàng, vốn là thị trường đầy tiềm năng cho những ai muốn kinh doanh F&B nhưng không có nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng mặt bằng, nhưng giờ đây thị trường Food App lại ngày càng khó khăn cho các hàng quán nhỏ do chi tiêu khách hàng giảm kéo theo doanh thu giảm, nhưng mức chiết khấu cho ứng dụng vẫn giữ nguyên khiến hoạt động kinh doanh đôi khi không có lại. Do vậy, các hàng quán sẽ cần có tính toán cẩn thận hơn, nắm rõ nguyên lý vận hành của Food App để đảm bảo nguồn thu này. 

Về cơ bản, thị trường kinh doanh F&B trong giai đoạn 2023 – 2024 đang là thời điểm sàng lọc mạnh mẽ. Chỉ những thương hiệu có sẵn tệp khách hàng trung thành vững chắc, hoặc những thương hiệu có chiến lược thâm nhập thị trường hiệu quả, thích nghi tốt với các biến động bất ngờ mới có thể tồn tại được. 

Tuy nhiên, đến giai đoạn 2024 – 2025, các thương hiệu muốn duy trì ổn định không chỉ cần có nền tảng vững, mà còn phải không ngừng gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tạo dựng sức bền cho hoạt động kinh doanh của mình. Đây sẽ là giai đoạn thị trường F&B bắt đầu xuất hiện nhiều hàng quán, thương hiệu được đầu tư bài bản hơn về chất lượng sản phẩm, trải nghiệm dịch vụ, thiết kế không gian, cũng như giá thành,… Tất cả đều sẽ được nâng cấp lên một tầm mới từ sau năm 2025, dần bắt nhịp với làn sóng thứ 5 của thời đại mới. 

Kinh Doanh F&B Có Còn Là Mô Hình Khởi Nghiệp Tiềm Năng Trong Năm 2024 Không
Kinh doanh F&B không ngừng đổi mới và nâng cao theo sự phát triển của thị trường
Xem thêm: Hiểu Thế Nào Về Làn Sóng Cà Phê Thứ 5? Cách Bắt Nhịp Với Làn Sóng Cà Phê Thứ 5

2. Năm 2024: Kinh doanh F&B vốn đã khó nay còn khó hơn

2.1. Đối với kinh doanh F&B quy mô nhỏ

Các hàng quán kinh doanh F&B theo quy mô nhỏ lẻ có lẽ vẫn “sống tốt” và không chịu quá nhiều ảnh hưởng từ các biến động của thị trường. Bởi lẽ các hàng quán nhỏ lẻ không đòi hỏi vốn đầu tư cao nhưng có thể sở hữu tệp khách hàng đông do giá thành phải chăng, phù hợp với khả năng chi tiêu trong tình trạng “thắt lưng buộc bụng” hiện nay. 

Bên cạnh đó, thị trường F&B Việt Nam trong thời gian qua cũng chứng kiến sự xuất hiện và ra đi của hàng loạt trend ăn uống mới như trà mãng cầu, gỏi gà măng cụt, bánh đồng xu, trà chanh giã tay, trà sữa đất nung, hay gần đây nhất có xúc xích nướng đá, hay milo nấm dừa dầm. Các hàng quán chạy theo những trend này chủ yếu là hàng quán nhỏ lẻ, kinh doanh theo hộ gia đình. Mặc dù các trend ăn uống này đều có vòng đời ngắn, “chóng nở chóng tàn”, và dễ dàng bị thay thế ngay khi có trend ăn uống khác nổi lên, nhưng nhanh nhạy bắt trend trong giai đoạn đạt đỉnh có thể giúp các hàng quán “bội thu” gấp nhiều lần so với thường ngày. 

Đổi lại, tuy kinh doanh ở quy mô nhỏ lẻ, phân khúc bình dân, nhưng các chủ quán vẫn cần xây dựng quy trình chăm sóc khách hàng rõ ràng, đào tạo nhân sự bài bản, quản lý chặt chẽ tình hình tài chính và kiểm soát dòng tiền, cũng như sáng tạo món mới và làm marketing,… Điều này sẽ giúp các quán nhỏ lẻ giữ chân khách hàng hiệu quả và có tệp trung thành nhất định, không thua kém gì chuỗi lớn. 

2.2. Đối với kinh doanh F&B quy mô lớn, hoạt động chuỗi bài bản

Đối với kinh doanh quy mô lớn, hoạt động hệ thống theo chuỗi sẽ có phần phức tạp hơn so với kinh doanh quy mô nhỏ, bởi giờ đây mọi quy trình, mắc xích trong dây chuyền vận hành đều phải được tối ưu và chuẩn hóa để đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Một số vấn đề quan trọng mà các chuỗi lớn cần phải chuẩn bị bài bản như:

  • Nâng cấp hệ thống để theo kịp thị trường.
  • Theo sát đối thủ để tạo sự khác biệt nhằm tăng sức cạnh tranh.
  • Theo sát hành vi khách hàng để nắm bắt sự thay đổi mà chạy theo.
  • Cập nhật xu hướng mới để bắt kịp không bị bỏ lại.
  • Nâng cấp năng lực quản trị để phát triển nhân sự cấp dưới.
  • Tài chính mạnh để bù lỗ giai đoạn đầu và đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng chuẩn bị cho tương lai.
  • Liên tục theo dõi và quản lý hiệu suất của từng chi nhánh để cân bằng giữa cơ sở hiện tại và cơ sở mới.
  • Xây dựng quy trình phục vụ, hoạt động rõ ràng để duy trì chất lượng đồng nhất trên toàn bộ hệ thống chuỗi.
  • Đầu tư vào hệ thống máy POS để tối ưu quy trình vận hành. 

2.3. Đối với các nhà đầu tư vào kinh doanh F&B 

Những năm gần đây hình thức đầu tư hợp tác nhượng quyền vô cùng nở rộ tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực F&B. Đây cũng là mô hình kinh doanh đầy tiềm năng không chỉ với những thương hiệu mong muốn mở rộng quy mô của mình, mà còn với những ai muốn thử sức trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống này. Tuy nhiên, kinh doanh nhượng quyền sở hữu nhiều lợi thế, nhưng cũng tồn tại lắm cạm bẫy cho những “con mồi” nhẹ dạ cả tin, chỉ biết chạy theo số đông và thiếu kinh nghiệm, kiến thức. 

Nhất là khi ngành F&B Việt Nam đang dần bị “lờn” khi có quá nhiều thương hiệu cùng tham gia vào mô hình nhượng quyền này, khiến thị trường dần trở nên chật chội, thoái trào, thậm chí là tự triệt hạ cơ hội kinh doanh của đối thủ lẫn chính mình. Chính vì thế, các nhà đầu tư tương lai cần phải cẩn trọng và tỉnh táo trong mọi trường hợp, “miếng bánh” ngành F&B vẫn còn cho những ai muốn tham gia đầu tư, nhưng đây sẽ là miếng bánh không hề dễ xơi chút nào. 

Kinh Doanh F&B Có Còn Là Mô Hình Khởi Nghiệp Tiềm Năng Trong Năm 2024 Không
Kinh doanh F&B vẫn là cơ hội đầy tiềm năng cho những ai có sự chuẩn bị sẵn sàng

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam nói riêng, cũng như toàn cầu nói chung đã trải qua một năm 2023 đầy biến động và dự báo vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với những cơn gió nghịch mùa đang chờ phía trước trong năm 2024, thế nhưng nhìn chung ngành kinh doanh F&B vẫn là một trong những ngành hàng tiêu dùng có nhiều tiềm năng phát triển. Điều quan trọng là các chủ quán cần chủ động hơn trong chiến lược kinh doanh của mình và nhanh nhạy đón đầu cũng như thích nghi với các xu hướng mới. Không thể kinh doanh với tâm lý “ngồi yên khách sẽ tới”, hay “hữu xạ tự nhiên hương” như trước được nữa, có như vậy mới mong thành công khi kinh doanh F&B trong năm 2024. 

Xem thêm: “Rời Bỏ” Dịch Vụ Giao Hàng, Cựu CEO GoViet “Lấn Sân” Sang Kinh Doanh Cà Phê, Vừa Mở Thương Hiệu Révi Coffee & Tea Đã Khai Trương Hàng Loạt Cửa Hàng
Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img