Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeChuyển độngCotti Coffee "Tiến Quân" Vào Việt Nam Dưới Sự Hậu Thuẫn Của...

Cotti Coffee “Tiến Quân” Vào Việt Nam Dưới Sự Hậu Thuẫn Của Các “Ông Trùm” F&B, Liệu Các Thương Hiệu Của Ta Có Cần Dè Chừng? 

Cotti Coffee là chuỗi cà phê đến từ Trung Quốc gây tiếng vang lớn khi vừa khai trương đã nhanh chóng mở hàng loạt hơn 5.000 cửa hàng chỉ trong vòng một năm hoạt động, bức phá vươn lên trở thành chuỗi cà phê đứng thứ 4 trên toàn cầu. Mới đây, chuỗi cà phê này đã có những bước đi đầu tiên tại thị trường Việt Nam, đặt mục tiêu sẽ bành trướng quy mô “nhiều và rất nhiều”, vừa là cơ hội, cũng vừa là thách thức cho các nhà đầu tư. 

1. Cotti Coffee – Chuỗi cà phê lớn tăng trưởng ấn tượng, đứng thứ 4 trên thế giới

Cotti Coffee là thương hiệu chuỗi cà phê được thành lập vào năm 2022, trực thuộc Cotti Coffee (Tianjin) Co., Ltd, được dẫn dắt bởi hai nhà đồng sáng lập Lục Chính Diệu và Tiền Trị Á – cũng là những người đã sáng lập nên thương hiệu Luckin Coffee vượt qua cả Starbucks để trở thành chuỗi cà phê lớn nhất Trung Quốc.

Nguồn gốc của cái tên Cotti Coffee được lấy ý tưởng từ một loại bánh quy đặc sản của nước Ý – Biscotti, là món ăn kèm hoàn hảo cho một ly cà phê. Vì vậy, ngay từ khi xuất hiện, Cotti Coffee đã được định hướng không chỉ là một quán cà phê bình thường mà còn mang đến một phong cách sống hoàn toàn mới, luôn trong tâm thế sẵn sàng bắt nhịp với sự thay đổi của thị trường. 

Là cái tên mới xuất hiện trên thị trường, thế nhưng Cotti Coffee lập tức gây ấn tượng với mức độ đầu tư của mình khi có trụ sở chính tại Bắc Kinh, trung tâm điều hành tại Thiên Đồng, và các cơ sở nghiên cứu – phát triển sản phẩm ở khắp các tỉnh thành Trung Quốc bao gồm Thâm Quyến, Trường Sa (tỉnh Hồ Nam), Thành Đô, Hạ Môn và Thượng Hải. Đặc biệt, ngay khi chỉ vừa thành lập, hai nhà đồng sáng lập đã thông báo trên WeChat Moments rằng Cotti Coffee sẽ khai trương cửa hàng đầu tiên tại  Phúc Châu, đồng thời cũng sẽ là nhà tài trợ cho Đội tuyển bóng đá quốc gia Argentina tại Trung Quốc.

“Kế thừa” chiến lược kinh doanh của Luckin Coffee, Cotti Coffee cũng nhanh chóng mở rộng mạng lưới cửa hàng bằng các nước đi tương tự. Nhờ đó, chỉ trong vòng một năm hoạt động, Cotti Coffee đã phát triển thành hệ thống chuỗi gần 6.000 cửa hàng trên 300 thành phố ở Trung Quốc, đồng thời có mặt tại nhiều quốc gia khác trên thế giới như Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Canada, Hongkong,… 

Ngoài các quốc gia kể trên, thị trường Đông Nam Á đang là điểm đến tiếp theo của Cotti Coffee. Bên cạnh Việt Nam, Cotti Coffee cũng lên kế hoạch sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại Malaysia và Thái Lan.

Cotti Coffee "Tiến Quân" Vào Việt Nam Dưới Sự Hậu Thuẫn Của Các "Ông Trùm" F&B, Liệu Các Thương Hiệu Của Ta Có Cần Dè Chừng
Cotti Coffee là thương hiệu chuỗi cà phê nổi tiếng đến từ Trung Quốc
Xem thêm: Học Starbucks Xây “Ngân Hàng Bí Mật”, Highlands Coffee Khuyến Khích Khách Hàng Nạp Thẻ Không Hoàn Trả Số Dư

2. Cotti Coffee “tiến quân” vào Việt Nam, được kỳ vọng sẽ phủ sóng như Mixue

2.1. Cotti Coffee chính thức có mặt tại Việt Nam theo hình thức nhượng quyền

Mới đây, vào tháng 12/2023, Cotti Coffee chính thức “chào sân” thị trường Việt Nam bằng ba cửa hàng khai trương liên tiếp tại TP. HCM, bao gồm chi nhánh tại Pearl Plaza (quận Bình Thạnh), cơ sở chính của Đại học Sài Gòn (quận 5) và tòa nhà văn phòng Hà Đô Airport gần sân bay Tân Sơn Nhất ở quận Tân Bình. Không lâu sau đó, Cotti Coffee tiếp tục khai trương thêm hai cửa hàng khác tại Hà Nội bao gồm tòa nhà TTC Tower (quận Cầu Giấy) và Lotte Tây Hồ. Trong một lần hiếm hoi trả lời báo chí, bà Jen Yang – đại diện Cotti Coffee cho biết dự kiến trong giai đoạn đầu năm 2024 sẽ mở thêm 9 cửa hàng nữa.

Thực đơn của Cotti Coffee phong phú với gần 50 món khác nhau, chủ đạo là các món được sáng tạo từ cà phê và các loại trà hoa quả, trà sữa, và đá xay. Đại diện của chuỗi cà phê này tự tin chia sẻ, “Chúng tôi sẽ sử dụng loại hạt arabica đạt giải thưởng IIAC (Viện quốc tế về nếm cà phê) tương tự như ở các thị trường mà Cotti đang có mặt.” nhằm khẳng định chất lượng thức uống của thương hiệu. Ngoài ra, trong thực đơn còn có nhiều lựa chọn món ăn kèm như bánh ngọt, bánh mặn để làm mới khẩu vị cho khách hàng. 

Về mức giá menu của Cotti Coffee cũng khá ấn tượng. Tuy là chuỗi cà phê đứng thứ tư thế giới, thế nhưng menu của Cotti Coffee lại có giá thành khá phải chăng, chỉ dao động trong khoảng 38.000 đồng đến 60.000 đồng/sản phẩm. Tại quê hương Trung Quốc, Cotti Coffee ngay từ khi ra mắt cũng định vị ở phân khúc giá thành hợp lý, chỉ từ 9,9 tệ một cốc (tương đương khoảng 35.000 VNĐ).

Đặc biệt, để lôi kéo khách hàng, Cotti Coffee còn áp dụng chiến lược “cắt máu” khi quyết định giảm giá trên toàn bộ menu. Theo đó, trong giai đoạn khai trương, Cotti Coffee đã hạ giá tất cả các món đồ uống có trong menu, trừ cà phê, trà đến đá xay, xuống còn đồng giá 29.000 đồng. Thậm chí, cà phê sữa cũng chỉ còn 19.000 đồng, tương đương với giá bán tại các kiosk vỉa hè. Bà Yang nói rằng giá sẽ rẻ hơn Starbucks và một vài chuỗi cà phê Việt Nam. Đồng thời, Cotti Coffee cũng sử dụng hình ảnh của danh thủ Lionel Messi và đội tuyển bóng đá Argentina để thu hút người tiêu dùng Việt Nam.

Hơn hết, với các kế hoạch phát triển tại thị trường Việt Nam, bà Yang cho biết chuỗi sẽ đẩy mạnh việc mở mới để đạt con số 20.000 cửa hàng vào năm 2025.

Cotti Coffee "Tiến Quân" Vào Việt Nam Dưới Sự Hậu Thuẫn Của Các "Ông Trùm" F&B, Liệu Các Thương Hiệu Của Ta Có Cần Dè Chừng
Cotti Coffee khai trương hoành tráng khi “tiến quân” vào thị trường Việt Nam
Xem thêm: Đặt Mục Tiêu Kiếm 1000 Tỷ Đô, Phát Triển Trung Nguyên Legend Thành Chuỗi Trên Toàn Thế Giới Liệu Có Quá Tham Vọng?

2.2. Cotti Coffee đang dần trở thành “Mixue thứ 2” tại thị trường Việt?

Từ những chia sẻ của đại diện Cotti Coffee, có thể thấy chuỗi cà phê này cũng đang theo đuổi chiến lược có phần giống như cách Mixue đang làm khi “tiến quân” vào thị trường Việt Nam. Trong đó, có thể nhìn thấy rõ ràng nhất chính là chiến lược nhượng quyền và chiến lược giá rẻ. 

Về chiến lược nhượng quyền, Cotti Coffee hiện đang làm rất tốt nhiệm vụ phủ sóng tại quê hương của mình cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Số lượng 6.000 cửa hàng trên 300 thành phố tại hơn 5 quốc gia khác nhau và bức tốc trở thành thương hiệu cà phê lớn thứ 4 thế giới chỉ trong vòng một năm hoạt động, đồng nghĩa Cotti Coffee đã mở đều đặn trung bình 15 cửa hàng mỗi ngày trong suốt 390 ngày (13 tháng) để đạt được thành tích này mà ngay cả “ông lớn” ngành cà phê như Starbucks cũng khó cạnh tranh nổi.

Đối với thị trường Việt Nam, Cotti Coffee dự định vẫn sẽ áp dụng chiến lược nhượng quyền tương tự để bành trướng quy mô của mình trên bản đồ cà phê nước ta. Theo đó, bà Yang nhấn mạnh, “Kế hoạch của Cotti tại Việt Nam là “nhiều và rất nhiều” cửa hàng trong năm 2024-2025”. Trả lời với báo Dân trí, nhân viên tư vấn phía Cotti Coffee cũng cho biết số vốn nhà đầu tư cần bỏ ra khi bắt đầu hợp tác với thương hiệu là khoảng hơn 1,1 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, mặc dù đã được đánh giá là có mức giá phải chăng giữa thị trường cà phê hiện nay, thế nhưng Cotti Coffee vẫn quyết thực hiện chiến lược “cắt máu” khuyến mãi, theo đuổi phân khúc bình dân để lôi kéo khách hàng. Chiến lược này cũng được chuỗi cà phê thực hiện tại quê nhà và các thị trường khác như Hàn Quốc, Singapore. 

Theo đó, giá đồ uống Cotti Coffee tại Trung Quốc trung bình khoảng 1,38 USD (khoảng 33.000 đồng) mỗi ly, rồi tiếp tục giảm thêm còn 1,22 USD (khoảng 29.000 đồng). Khách hàng mới cũng được mua ly cà phê đầu tiên từ Cotti Coffee với mức “rẻ như cho” chỉ khoảng 0,14 USD (3.500 đồng). Chính bà Yang cũng khẳng định lợi thế của Cotti Coffee chính là sở hữu mức giá cạnh tranh. 

Cách làm này không khó để liên tưởng đến Mixue cũng sử dụng “chiêu” tương tự khi giảm đến 20-25% giá thành trên toàn bộ menu, ngay cả khi giá menu gốc của hãng trà sữa này vốn đã rất bình dân vì hướng đến phân khúc học sinh, sinh viên.

Điều này cho thấy tham vọng không hề nhỏ của chuỗi cà phê đứng thứ 4 thế giới tại thị trường Việt, đồng thời có thể xem như một “lời tuyên chiến” đối với các thương hiệu cà phê trong nước. Bởi lẽ, rất có thể Cotti Coffee sẽ trở thành “Mixue thứ 2” tại thị trường Việt và cùng tranh giành “miếng bánh” thị phần của các thương hiệu chủ nhà. 

Cotti Coffee "Tiến Quân" Vào Việt Nam Dưới Sự Hậu Thuẫn Của Các "Ông Trùm" F&B, Liệu Các Thương Hiệu Của Ta Có Cần Dè Chừng
Chiến lược kinh doanh của Cotti Coffee được đánh giá có nhiều điểm tương đồng với Mixue

3. Liệu Highlands Coffee, Phúc Long, The Coffee House,… có cần phải dè chừng?

Thị trường cà phê Việt Nam tăng trưởng theo cấp số nhân trong thập niên qua, bởi cà phê là một phần văn hóa quan trọng trong cuộc sống người Việt Nam. Theo khảo sát của Standard Insights với hơn 1.000 người tiêu dùng Việt Nam cho thấy, có 39,6% người Việt chọn cà phê, chiếm tỷ lệ nhiều nhất, sau đó đến các loại nước giải khát và trà sữa lần lượt chiếm 35,6% và 30,7%. Tức thị trường cho các chuỗi cà phê lớn hơn các chuỗi trà sữa khoảng 30%. 

Chính vì thế mà trong những năm qua, trên thị trường cà phê Việt liên tục xuất hiện những cái tên mới, trong đó có cả những “tay chơi lớn” đến từ nước ngoài cũng muốn thưởng thức “miếng bánh” này. Chưa kể, sự xuất hiện của Cotti Coffee cũng với công thức bành trướng có điểm tương đồng như Mixue, từ hậu thuẫn lớn, chuỗi cung ứng mạnh, quy trình vận hành tốt, trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ ổn định, giá thành rẻ, đến chiến lược nhân rộng quy mô bằng hình thức nhượng quyền, càng khiến nhiều người đặt nghi vấn liệu đây có phải mối đe dọa cho các thương hiệu cà phê trong nước hay không. 

Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, “miếng bánh” thị phần tại thị trường Việt không dễ ăn đến thế. Mixue sau thời gian “làm mưa làm gió” đang dần trở nên thoái trào cũng chính bởi hai chiến lược chủ chốt của mình. Việc nhượng quyền hàng loạt khiến các cửa hàng Mixue không chỉ phải cạnh tranh với những cửa hàng đến từ thương hiệu khác, mà còn phải cạnh tranh trực tiếp với những cửa hàng “cùng mẹ”, kinh doanh cùng sản phẩm. Và chiến lược giá rẻ cũng trở thành “án tử” cho các chủ đầu tư vì lợi nhuận không đủ hoàn vốn, chịu cảnh gồng lỗ nặng, cũng như khó có thể tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh. 

Hơn hết, riêng với thị trường cà phê Việt Nam được nhiều tên tuổi lớn quan tâm đầu tư nhưng cũng không phải ai cũng thành công, đặc biệt là các thương hiệu ngoại. Những cái tên như Gloria Jean’s Coffees, Mellower Coffee, %Arabica, Coffee Bene,… đều vô cùng nổi tiếng và thành công tại những thị trường khác nhưng lại chịu chung số phận “lận đận” khi bước vào thị trường Việt Nam. Ngay cả “gã khổng lồ” ngành cà phê là Starbucks cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, để rồi sau một thập kỷ hoạt động tại nước ta mới có thể đạt được con số 100 cửa hàng, số lượng ít hơn rất nhiều so với các nước khác. 

Các thách thức chủ yếu đến từ sự khác biệt trong văn hóa thưởng thức cà phê, khẩu vị cà phê, giá thành sản phẩm, và thói quen của khách hàng. Do vậy, các thương hiệu cà phê trong nước gần như không cần phải e dè trước sự gia nhập của những cái tên mới. Bằng sự thấu hiểu gu khách hàng, am tường văn hóa thưởng thức của người Việt cũng như vị thế đã đắp xây trong nhiều năm qua, các thương hiệu trong nước vẫn có thể tự tin giữ vững “miếng bánh” của mình. 

Cotti Coffee "Tiến Quân" Vào Việt Nam Dưới Sự Hậu Thuẫn Của Các "Ông Trùm" F&B, Liệu Các Thương Hiệu Của Ta Có Cần Dè Chừng
Dù có sự xuất hiện của nhiều “ông lớn” ngoại quốc nhưng thương hiệu Việt cũng không cần e dè

Cotti Coffee chỉ vừa xuất hiện tại thị trường Việt Nam vào cuối năm ngoái, thời gian hoạt động chưa lâu nên vẫn còn nhiều điều để mong đợi trong các bước đi tiếp theo. Đổi lại, các thương hiệu Việt tuy có nhiều lợi thế nhưng không được chủ quan, cần phải liên tục làm mới mình và nâng cấp chất lượng sản phẩm, dịch vụ để không bị đào thải trước sự xuất hiện của những cái tên mới.

Xem thêm: Vì Đâu Những Chuỗi Cà Phê Ngoại Liên Tiếp “Thất Trận” Tại Thị Trường Việt Nam?

Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img