Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeChuyện nghềNhững Chuỗi Cà Phê Việt Mà Các Thương Hiệu Ngoại Phải Dè...

Những Chuỗi Cà Phê Việt Mà Các Thương Hiệu Ngoại Phải Dè Chừng

Thị trường cà phê Việt đang được xem là “miếng bánh” hấp dẫn với các thương hiệu ngoại bởi văn hóa thưởng thức cà phê và tiềm năng chi trả cho thức uống. Tuy nhiên, để giành phần trong “miếng bánh” này là điều không hề đơn giản khi có hàng loạt các chuỗi cà phê Việt vừa thành công trong thị trường mục tiêu của mình, vừa có vị thế nhất định trên bản đồ cà phê Việt. Hãy cùng F&B Việt Nam điểm danh những chuỗi cà phê Việt mà các thương hiệu ngoại phải dè chừng nếu muốn bước chân vào cạnh tranh. 

1. Chuỗi cà phê Việt – Phúc Long

Phúc Long là một trong những thương hiệu tiên phong trong ngành trà và cà phê tại thị trường Việt Nam với hơn 50 năm xây dựng và phát triển. Hoạt động với phương châm “Chất lượng khởi nguồn từ đam mê”, Phúc Long đã và vẫn đang viết tiếp câu chuyện của một thương hiệu Việt giàu truyền thống, kết nối tinh túy của nhiều thập niên kinh nghiệm, nhưng cũng không ngừng chắt lọc, làm mới mình trong bước chuyển thời gian để không bị tụt lùi so với sự phát triển chóng mặt của thị trường. Được mệnh danh là “vua trà” trong chất lượng thức uống nhờ vào hương vị đậm đà và thơm ngon, Phúc Long ngày càng khẳng định được tên tuổi của mình, trở thành thương hiệu luôn gắn bó với nhiều thế hệ khách hàng. Từ già trẻ, gái trai, không ai là chưa từng nghe qua cái tên Phúc Long.

Chính mức độ phủ sóng của Phúc Long với hệ thống chuỗi quy mô lên đến 1000 cửa hàng và kiosk trên khắp cả nước đã chứng minh thành công của “vua trà” Việt Nam. Không chỉ vậy, Phúc Long còn tự tin bước ra quốc tế và chinh phục được nhiều thị trường khó tính khi có mặt tại Mỹ, Nhật Bản, Indonesia, Philippines,… Chắc chắn, Phúc Long sẽ là đối thủ “đáng gờm” của các thương hiệu ngoại nếu muốn cạnh tranh tại thị trường Việt Nam.

Điểm phải dè chừng: Tên tuổi lâu năm sở hữu chất lượng trà đậm vị, thơm ngon được lòng đông đảo khách hàng Việt và có vị thế vững chắc trên thị trường. 

Những Chuỗi Cà Phê Việt Mà Các Thương Hiệu Ngoại Phải Dè Chừng
Phúc Long là thương hiệu tiên phong trong ngành trà và cà phê tại thị trường Việt Nam (Nguồn: Internet)
Xem thêm: Điểm Danh Các Thương Hiệu Cà Phê Việt “Đem Chuông Đi Đánh Xứ Người” Thành Công 

2. Chuỗi cà phê Việt – Trung Nguyên Legend

Cũng là một trong những thương hiệu đã có bề dày hoạt động gần 30 năm tại Việt Nam, Trung Nguyên Legend đến nay đã phủ sóng trên khắp các tỉnh thành với gần 900 cửa hàng (bao gồm cửa hàng thuộc phân khúc từ tầm trung đến cao cấp, và cửa hàng nhượng quyền phân khúc bình dân). Trung Nguyên Legend ghi dấu trong lòng người tiêu dùng Việt với chất lượng cà phê đậm đà, thơm nồng nàn, phù hợp với khẩu vị cà phê của người Việt Nam. Thêm vào đó, Trung Nguyên Legend còn đa dạng các dòng sản phẩm của mình từ cà phê hòa tan, cà phê rang xay, đến những loại cà phê cao cấp nhất để đáp ứng các nhu cầu thưởng thức khác nhau. 

Thực tế, nguyên do lớn nhất các thương hiệu cà phê ngoại khó chinh phục được khách hàng Việt cũng bởi hương vị cà phê không đáp ứng nhu cầu thưởng thức chung. Trong khi người Việt đã quen với cái vị đắng đậm, thơm nồng và lượng caffeine cao của loại hạt Robusta, thì thương hiệu cà phê ngoại thường sử dụng loại hạt Arabica có vị đắng nhẹ, chua thanh và hàm lượng caffeine khá thấp. Mọi người có thể vẫn sẽ trải nghiệm thương hiệu ngoại nhưng không thường xuyên, và sẽ luôn quay về với thương hiệu Việt để được thưởng thức cà phê chuẩn vị nhất. Riêng về chất lượng cà phê thì Trung Nguyên đã, đang và sẽ luôn làm tốt sứ mệnh của mình từ xưa đến nay mà ngay cả các thương hiệu trong nước cũng khó lòng cạnh tranh, chưa nói đến các thương hiệu nước ngoài muốn chen chân vào. 

Điểm phải dè chừng: Tên tuổi lâu năm, là một trong những thương hiệu cà phê hàng đầu tại Việt Nam với chất lượng cà phê cao cấp, đạt tiêu chuẩn cao và thành công chinh phục đến hơn 80 thị trường quốc tế. 

Những Chuỗi Cà Phê Việt Mà Các Thương Hiệu Ngoại Phải Dè Chừng
Trung Nguyên Legend là một trong những thương hiệu cà phê hàng đầu tại Việt Nam (Nguồn: Internet)

3. Chuỗi cà phê Việt – Highlands Coffee

Một thương hiệu cà phê Việt khác cũng sở hữu chất lượng cà phê đạt tiêu chuẩn cao, giữ gìn trọn vẹn bản sắc hương vị cà phê truyền thống Việt Nam chính là Highlands Coffee. Trong suốt hành trình 25 năm hoạt động của mình, Highlands Coffee vẫn luôn không ngừng nỗ lực thực hiện sứ mệnh gắn kết mọi người với nhau bằng tình yêu dành cho cà phê, trà, món ăn ngon cùng các giá trị văn hóa tinh thần. Đến nay, Highlands Coffee có thể được xem là “thương hiệu quốc dân” trong lòng nhiều người.

Đặc biệt, Highlands Coffee còn được biết đến là thương hiệu cà phê chất lượng cao với mức giá vô cùng phải chăng khi dao động chỉ từ 29.000 – 65.000 đồng, cho phép bất cứ ai cũng đều có thể thưởng thức hương vị cà phê ngon nhất. Cho dù là nhân viên văn phòng, sinh viên hay độ tuổi trung niên nghỉ hưu cũng đều rất “vừa túi tiền”. Ngoài hương vị, thì một trong những nguyên do khiến các thương hiệu ngoại khó cạnh tranh tại thị trường Việt Nam còn xuất phát từ giá menu khá cao. Một thương hiệu ngoại nổi tiếng tại Việt Nam có thể kể đến là Starbucks, nếu như so sánh với một cốc cà phê của “ông lớn” có giá thấp nhất là 50.000 nghìn, cao nhất là 85.000 nghìn, thì hầu hết mọi người vẫn sẽ lựa chọn thương hiệu Việt như Highlands Coffee có mức giá phù hợp hơn, đồ uống cũng hợp vị hơn. 

Điểm phải dè chừng: Thương hiệu cà phê lâu năm được đông đảo khách hàng tin cậy, chất lượng đồ uống ngon, được đầu tư về hương vị với mức giá phải chăng. 

Những Chuỗi Cà Phê Việt Mà Các Thương Hiệu Ngoại Phải Dè Chừng
Highlands Coffee được biết đến là thương hiệu cà phê cao cấp với mức giá phải chăng (Nguồn: Internet)
Xem thêm: Nhờ Đâu Những Quán Cà Phê Tại TP. HCM Bán 70.000-80.000 Đồng Vẫn “Sống Tốt”?

4. Chuỗi cà phê Việt – Cộng Cà Phê

Từng gây sốt với với món cà phê cốt dừa nức tiếng, Cộng Cà Phê dường như đã trở thành “tường thành” trong lòng giới trẻ. Tuy đã qua thời hoàng kim, thế nhưng lượng khách đổ về nhà Cộng mỗi ngày vẫn không có dấu hiệu giảm. Đến nay, Cộng Cà Phê vẫn luôn nằm trong top chuỗi cửa hàng kinh doanh cà phê thành công nhất tại Hà Nội. Không chỉ được lòng khách hàng nội địa mà mức độ yêu thích của Cộng Cà Phê còn lan tỏa ra cả nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc. Thậm chí, nhà Cộng còn trở thành điểm du lịch nên ghé trải nghiệm khi đến Việt Nam để được thưởng thức món cà phê cốt dừa thơm thơm béo béo mà đậm đà.

Đặc biệt, Cộng Cà Phê còn được biết đến bởi phong cách chủ đạo gần như độc nhất của mình. Được lấy ý tưởng từ Hà Nội xưa thời bao cấp, mỗi cửa hàng của Cộng đều mang đậm dấu ấn của một Việt Nam xưa. Bắt đầu từ màu xanh bộ đội chiếm phần lớn trong tổng thể thiết kế của Cộng Cà Phê, đến những bức tường, ly cốc, vật dụng trang trí, cùng toàn bộ nội thất hầu hết được làm từ gỗ,… tất cả đều tạo nên một Cộng Cà Phê rất xưa và đầy hoài niệm. Chính trải nghiệm du hành thời gian như được quay ngược về quá khứ để để cảm nhận bầu không khí, văn hóa và những ký ức ngày xưa là điểm thu hút khách hàng đến với Cộng, nhất là giới trẻ và du khách nước ngoài. Tái hiện trọn vẹn Việt Nam xưa trong không gian của một quán cà phê là điều mà chắc chắn sẽ không một thương hiệu ngoại nào làm được.

Điểm phải dè chừng: Menu có dòng sản phẩm cốt dừa đặc trưng và phong cách thiết kế độc nhất. 

Những Chuỗi Cà Phê Việt Mà Các Thương Hiệu Ngoại Phải Dè Chừng
Cộng Cà Phê mang đến trải nghiệm đặc biệt trong hương vị thức uống lẫn không gian (Nguồn: Internet)

5. Chuỗi cà phê Việt – Katinat Saigon Kafe

Trẻ trung, hiện đại, và “trending” là những gì mà Katinat Saigon Kafe hiện đang làm rất tốt. Cả ba từ khóa này đều hiện diện rõ nét trong từng khía cạnh của Katinat, từ menu thức uống đa dạng, mới lạ, thiết kế không gian sang trọng, có tính thẩm mỹ cao, cho đến các chiến lược marketing bắt trúng “điểm chạm” của khách hàng để tạo thành xu hướng. Điển hình có thể kể đến cơn sốt “ly cầu vồng” đã từng “làm mưa làm gió” trên khắp các phương tiện truyền thông. Tuy hình thức tặng kèm ly cốc khi mua thức uống không hề mới, nhưng Katinat lại biết cách làm cho nó mới và tạo thành xu hướng để nhiều thương hiệu F&B khác cũng bắt trend theo.

Bên cạnh đó, Katina Saigon Kafe còn sở hữu một menu thức uống đa dạng đến 40 loại thức uống khác nhau mang đủ màu sắc từ truyền thống cho đến hiện đại, trong đó bao gồm rất nhiều thức uống “signature” là vũ khí lôi kéo khách hàng của Katinat như Trà Sữa Chôm Chôm, Trà Oolong Tứ Quý Sữa, Trân Châu Phô Mai Dẻo,… Tuy chỉ mới chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016, thế nhưng Katinat Saigon Kafe vẫn xứng đáng có mặt trong danh sách những cái tên nổi bật mà các thương hiệu ngoại phải dè chừng này. Thậm chí, ngay cả hiện tại thì Katinat Saigon Kafe cũng đang là một đối thủ đáng gờm cho các thương hiệu cà phê trong nước phải thận trọng đề phòng. 

Điểm phải dè chừng: Thấu hiểu tâm lý khách hàng Việt, có nhiều chiến dịch marketing sáng tạo, đúng insight và dẫn đầu xu hướng. 

Những Chuỗi Cà Phê Việt Mà Các Thương Hiệu Ngoại Phải Dè Chừng
Katinat Saigon Kafe là đối thủ đáng gờm cho cả thương hiệu trong và ngoài nước (Nguồn: Internet)

Nhiều năm trước đã có không ít các thương hiệu cà phê ngoại muốn bước chân vào thị trường Việt Nam để rồi lại ngậm ngùi rút lui. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự “thất trận” của các thương hiệu ngoại như chưa thật sự hiểu gu Việt, giá menu cao hơn so với mặt bằng chung, hay chỉ đơn giản khách hàng Việt vẫn chưa quen với sự xuất hiện của thương hiệu mới. Điều này cho thấy các chuỗi cà phê Việt vẫn đang làm rất tốt để giữ vững vị thế của mình và sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa.

Hiện tại đã có một số cái tên mới đang rục rịch ra mắt khách hàng Việt như chuỗi cà phê nổi tiếng của Nhật – %ARABICA. Hãy cùng F&B Việt Nam chờ đón các thương hiệu ngoại sẽ làm gì để chinh phục thị trường Việt nhé. 

Xem thêm: Vì Đâu Những Chuỗi Cà Phê Ngoại Liên Tiếp “Thất Trận” Tại Thị Trường Việt Nam?
Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img