Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeCẩm nangKinh doanh & MarketingMẫu kế hoạch kinh doanh chi tiết cho ngành F&B

Mẫu kế hoạch kinh doanh chi tiết cho ngành F&B

“Liệu ý tưởng kinh doanh này đã đủ tốt hay chưa?” là câu hỏi không ít chủ đầu tư mới băn khoăn khi vừa mới bắt đầu nhen nhóm ý định khởi sự kinh doanh. Vào thời điểm đó, cách tốt nhất để trả lời câu hỏi này là thực hiện các cuộc khảo sát, nghiên cứu và áp ý tưởng kinh doanh vào một mô hình, khung mẫu kế hoạch kinh doanh, từ đó xác định tính khả thi của một ý kiến. Dưới đây là một vài gợi ý cho điều đó.

[crp]

Một kế hoạch kinh doanh tiêu chuẩn thường bao gồm một vài thông tin cơ bản như: mô tả đơn giản về tổ chức, nghiên cứu thị trường, phân tích đối thủ cạnh tranh, chiến lược bán hàng, nguồn vốn, yêu cầu về nhân lực và dữ liệu tài chính.

Bản kế hoạch cuối cùng là bản mẫu chính thức cho doanh nghiệp và cũng là cơ sở cho việc huy động nguồn vốn, tìm kiếm các nhà đầu tư cho chính công ty.

Lợi thế của việc sử dụng biểu mẫu kinh doanh sẵn có

Một khung mẫu kế hoạch kinh doanh toàn diện giúp chủ đầu tư tổ chức sắp xếp được tốt nhất các suy nghĩ, ý tưởng của mình. Đây cũng chính là một cách định hướng cho doanh nghiệp nhất là trong những giai đoạn khó khăn với việc không biết nên bắt đầu từ đâu. Thêm nữa, khung sườn kế hoạch này cũng giúp cho doanh nghiệp xác định được đích đến của các mục tiêu và đảm bảo rằng trong quá trình vận hành, mình không lỡ bỏ qua công việc quan trọng nào.

Một khung mẫu kế hoạch kinh doanh đủ tốt sẽ cung cấp chỉ dẫn cho từng bước hành động của công ty cũng như vẽ ra được hình dung cơ bản cho các nhà đầu tư tiềm năng về một công việc kinh doanh.

Plan 01
Sử dụng một mô hình khung mẫu kế hoạch kinh doanh có cả ưu và nhược điểm

Nhược điểm của việc sử dụng biểu mẫu kinh doanh sẵn có

Tuy nhiên, việc sử dụng một bểu mẫu sẵn có cho việc lập kế hoạch kinh doanh cũng chưa thực sự là phương án tối ưu nhất cho mọi kế hoạch, ý tưởng.

Bởi lẽ, mẫu kế hoạch vẫn sẽ luôn có những điểm chung chung không thực sự phù hợp với quán của bạn. Ví dụ: bên cạnh việc phải điền vào các bảng biểu tài chính cho doanh nghiệp của mình, các chủ đầu tư vẫn phải là người đưa ra các dự toán ngân sách cho tương lai, một điều cực kỳ phức tạp với bất cứ ai.

Để làm được điều này, các chủ doanh nghiệp cần hiểu rõ về các quy trình, từ đó đảm bảo rằng, họ điền các số liệu dự đoán của mình vào đúng ô. Vì thế, nếu bạn chưa thực sự hiểu hết về ý nghĩa các chỉ số, việc lập kế hoạch dù với 1 biểu mẫu sẵn có đôi khi cũng không phải là việc dễ dàng.

Chính vì vậy, mẫu kế hoạch kinh doanh mà F&B Việt Nam giới thiệu dưới đây sẽ có một số đề mục không phù hợp với quán của bạn, hãy mạnh dạn bỏ qua nó nhé!

Giới thiệu một khung mẫu kế hoạch kinh doanh tham khảo

Nếu là một người mới bắt đầu kinh doanh và còn chưa hiểu được một kế hoạch kinh doanh cần những thứ gì, tham khảo các mẫu kế hoạch kinh doanh có sẵn là một lựa chọn nên cân nhắc.

Nên sử dụng một kế hoạch đơn giản tổng quát hay chi tiết?

Kế hoạch kinh doanh của một tập đoàn hay công ty lớn có thể dài hàng trăm trang. Tuy nhiên, với mô hình kinh doanh nhỏ, hãy thử bắt đầu với một kế hoạch ngắn gọn, chính xác, nhất là khi bạn đang muốn trình bày nó với ngân hàng, kêu gọi đầu tư hay tìm kiếm một người cộng sự tiềm năng.

Một kế hoạch (không tính đến ảnh minh hoạt, bộ nhận diện…) lý tưởng nhất là khi vỏn vẹn trong khoảng 30 trang giấy. Bởi lẽ, các đơn vị cho vay và nhà đầu tư cần 1 bản kế hoạch có nghiên cứu và phân tích rõ ràng, không phải là những trang kể lể lê thê.

Cách để sử dụng mẫu kế hoạch kinh doanh

Một khung mẫu kế hoạch kinh doanh dưới đây được chia thành các phần rõ ràng, dễ được sử dụng trong bất cứ định dạng nào như Word hay Excel. Điều cần làm chỉ là copy và paste vào chương trình làm việc của bạn.

Sau khi hoàn thiện việc điền các thông tin vào, hãy chỉnh sửa, format lại ấn phẩm thật ấn tượng và chuyên nghiệp. Ít nhất, hãy khiến bản kế hoạch tạo được sức hút vật lý với các nhà đầu tư để họ chắc chắn sẽ cầm lên đọc.

Trang tiêu đề

Ở trang này, các thông tin cần trình bày: Tên hợp pháp của doanh nghiệp, Địa chỉ… Đừng quên thêm logo (nếu đã có) vào trang đầu tiên của kế hoạch:

  • Kế hoạch kinh doanh của [Tên doanh nghiệp]
  • Ngày tháng
  • Địa chỉ
  • Số điện thoại
  • Email
  • Website

Nếu gửi đến một tổ chức hay cá nhân cụ thể, hãy bổ sung:

  • Gửi đến [Tên người nhận]
  • Thông tin công ty hay tổ chức tiếp nhận

Mục lục của kế hoạch có thể bao gồm

  • Tóm tắt tổng quan
  • Tổng quát về ngành/ lĩnh vực kinh doanh
  • Phân tích thị trường & đối thủ
  • Kế hoạch marketing & bán hàng
  • Kế hoạch quản trị & đội ngũ điều hành
  • Kế hoạch vận hành
  • Kế hoạch tài chính
  • Phụ lục & tham khảo

Phần 1: Tóm tắt tổng quan

Tóm tắt tổng quan được đặt đầu tiên nhưng là phần cuối cùng chủ doanh nghiệp nên viết, sau khi đã hoàn thiện tất cả các chi tiết khác. Bởi lẽ, phần này cung cấp thông tin ngắn gọn, chính xác nhất về tổng quan kế hoạch với các thông tin quan trọng nhất.

Plan 02
Tóm tắt tổng quan nên được viết cuối cùng, dựa trên cơ sở các phần đã hoàn thiện để đưa ra các luận điểm tổng quát, chính xác và ngắn gọn nhất

Phần 1 chỉ nên nằm trọn trong 2 trang giấy với đầy đủ các thông tin.

  • Mô tả về sứ mệnh – điều gì cần cho công việc kinh doanh này
  • Giới thiệu về công ty, đội ngũ và chủ sở hữu
  • Mô tả về sản phẩm hay dịch vụ cung cấp
  • Mô tả ngắn gọn về tập khách hàng mục tiêu và cách để hướng đến nhóm này
  • Tổng quan về đối thủ và cách để thâu tóm thị phần (lợi thế cạnh tranh)
  • Kế hoạch tài chính ngắn gọn cho 5 năm đầu tiên
  • Mô tả về nhu cầu tài chính khởi phát (nếu có)

Phần 2: Tổng quan về ngành/lĩnh vực kinh doanh

Mô tả chung về ngành/lĩnh vực, bao gồm thông tin lượng bán và các chỉ số thống kê khác, ví dụ như xu hướng, nhân khẩu học, các yếu tố về kinh tế, văn hóa và các vấn đề pháp lý

  • Mô tả doanh nghiệp và sự liên quan của doanh nghiệp với ngành kinh doanh
  • Mô tả đối thủ cạnh tranh
  • Mô tả nhóm khách hàng mục tiêu hướng đến và các chính sách, dịch vụ sẽ cung cấp để thu hút nhóm khách hàng này

Phần 3: Phân tích thị trường và đối thủ cạnh tranh

Ở phần này, điều cần làm là trình bày chi tiết về thị trường mục tiêu và tính khả thi, phù hợp của sản phẩm/dịch vụ với nhóm này.

Plan 04
Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng, và nghiên cứu đối thủ cũng quan trọng như thế

Phân tích đối thủ cạnh tranh bao gồm cả việc phân tích về điểm mạnh của đối thủ và cách doanh nghiệp sẽ tìm chỗ đứng trong cuộc chiến này. Một số thông tin cần có trong phân tích thị trường và đối thủ:

  • Khoanh vùng thị trường mục tiêu dành riêng cho sản phẩm/ dịch vụ trong khu vực địa lý tiếp cận
  • Ước lượng độ lớn của thị trường và lượng bán dự đoán, độ lớn của lượng mua lặp lại và ảnh hưởng từ sự thay đổi của nền kinh tế, nhân khẩu học… đến thị trường này
  • Ước lượng độ lớn và giá trị bán của doanh nghiệp trong mối tương quan với các đối thủ cạnh tranh. Điều này hỗ trợ tổng quát hóa các kết quả trên bảng biểu, ví dụ, xác định được khoảng trống của thị trường phân khúc cao của phần thị trường hướng đến.
  • Mô tả các rào cản gia nhập của ngành/ lĩnh vực, ví dụ như nguồn vốn, công nghệ, tập tục, kỹ năng nhân lực hay địa điểm.

Phần 4: Kế hoạch marketing & bán hàng

Ở phần này, người xem tìm kiếm cách thức doanh nghiệp thu hút khách hàng và ra quyết định mua, bao gồm chiến lược quảng bá, định giá, phân phối và các hỗ trợ hậu bán hàng nếu cần.

  • Sản phẩm/ dịch vụ cung cấp

Mô tả chi tiết về các lợi ích khách hàng khi mua sắm, tiêu dùng sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp và những nhân tố khiến doanh nghiệp nổi bật trên thị trường

  • Chiến lược định giá sản phẩm

Mô tả cách thức định giá sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Mức giá phù hợp cạnh tranh với các đối thủ và thu hút được khách hàng mục tiêu, đồng thời đủ cao để giải quyết các chi phí và sinh lợi nhuận. Việc định giá có thể được thực hiện dựa vào các chi phí, giá trị của sản phẩm với người mua hay so sánh với mặt bằng chung của thị trường. Phân tích về các mức giá thị trường có thể hỗ trợ xác định mức giá bán đủ tốt để thu lợi nhuận cho doanh nghiệp.

  • Bán hàng và phân phối

Mô tả hệ thống phân phối sản phẩm đến khách hàng (nếu có). Hình thức bán mang đi hay dùng tại chỗ hay cả 2? Các yêu cầu về bao bì như thế nào? Cách thức giao hàng hợp lý nhất là gì? Thanh toán làm sao cho thuận tiện nhất?

  • Quảng cáo và thúc đẩy bán hàng

Danh sách các kênh truyền thông sẽ sử dụng để gửi thông điệp của bạn đến với khách hàng (trang web doanh nghiệp, email, mạng xã hội, kênh truyền thống…). Liệu sản phẩm này có phù hợp với các phương thức tiếp thị như sản phẩm mẫu không?

Các nguyên liệu marketing sẽ sử dụng như card visit, tờ rơi, sách giới thiệu… Việc ra mắt sản phẩm mới và trưng bày sẽ được thực hiện ra sao? Bên cạnh đó, hãy đề cập đến cả ngân sách dự trù cho việc quảng cáo.

Phần 5: Kế hoạch quản trị & đội ngũ điều hành

Ở phần này, hãy mô tả về cấu trúc công ty, chủ sở hữu và các yêu cầu, tiêu chuẩn quản trị điều hành (nếu có) tại doanh nghiệp.

Plan 06

  • Cấu trúc công ty

Mô tả về mô hình hoạt động của công ty (công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn hay một thành viên…). Nếu có thể, bạn nên công bố danh sách cổ đông và cổ phần của từng người. Nếu là công ty một thành viên, phần 5 chỉ cần trình bày nội dung này.

  • Đội ngũ quản lý

Mô tả về các vị trí quản trị chủ chốt, vị trí quan trọng nhất và các quyền lợi của các vị trí này (kèm theo mô tả lý lịch ngắn gọn).

  • Nguồn lực bên ngoài

Danh sách các nguồn lực thuê ngoài của doanh nghiệp, ví dụ như kế toán, tư vấn, luật sư…

  • Nguồn nhân lực

Hãy cung cấp loại hình và số lượng nhân sự chính thức hay hợp đồng cần thiết cho doanh nghiệp cũng như mức lượng, quyền lợi cho từng nhóm.

  • Hội đồng tư vấn (nếu cần thiết)

Nếu có, hãy đính kèm cả danh sách hội đồng tư vấn hỗ trợ cho việc vận hành.

Phần 6: Kế hoạch vận hành

Kế hoạch vận hành khái quát hóa các yêu cầu vật lý cho hoạt động của doanh nghiệp, ví dụ như văn phòng, không gian bán hàng, thiết bị, kho bãi, nhân công hay nguồn cung cấp.

Plan 07

Với doanh nghiệp một thành viên, kế hoạch vận hành sẽ ngắn gọn và đơn giản hơn, thế nhưng với các doanh nghiệp trong ngành nhà hàng hay sản xuất, các yếu tố như cơ sở vật chất phục vụ khách hàng, chuỗi cung ứng, các thiết bị đặc biệt hay nhân công cần được trình bày chi tiết.

  • Tiến trình phát triển (nếu có)

Giải thích chi tiết về cách để xác định được các yếu tố như vị trí, nguồn lực cần thiết hay chuỗi cung ứng. Đồng thời hãy mô tả rõ rằng về tiến trình sản xuất ra một sản phẩm.

  • Sản phẩm

Với cách doanh nghiệp sản xuất, bạn cần giải thích về khoảng thời gian tối thiểu cần để sản xuất một đơn vị sản phẩm và thời điểm doanh nghiệp có thể bắt đầu sản xuất ra sản phẩm/ dịch vụ. Đồng thời, hãy bổ sung thông tin về các nhân tố ảnh hưởng đến khoảng thời gian này và cách để đối mặt với các vấn đề tiềm ẩn có thể phát sinh.

  • Cơ sở vật chất

Mô tả về vị trí địa lý của doanh nghiệp, bao gồm địa điểm, mặt bằng và các yêu cầu về tòa nhà. Đôi khi các nhà đầu tư còn yêu cầu thêm thông tin về độ rộng của mặt bằng cần thiết. Bên cạnh đó, ngân sách đề xuất cho việc bảo trì, cơ sở vật chất và các chi phí khác cũng nên thêm vào.

  • Nhân sự

Mô tả về số lượng nhân sự cần cũng như yêu cầu, đặc biệt với các vị trí chủ chốt. Nguồn này sẽ đến từ đâu và chính sách sử dụng ra sao?

  • Thiết bị máy móc

Danh sách thiết bị đặc biệt kèm giá thành dự kiến cũng cần thiết trong kế hoạch.

  • Nhà cung cấp

Nếu là doanh nghiệp sản xuất, thương mại hay cung cấp dịch vụ ăn uống, hãy đính kèm danh sách nguyên vật liệu cần và cách để tìm kiếm nguồn uy tín. Đồng thời, hãy đưa ra chính sách tồn kho phù hợp cho các sản phẩm này.

Phần 7: Kế hoạch tài chính

Kế hoạch tài chính là phần quan trọng nhất của mọi kế hoạch kinh doanh, đặc biệt khi bạn đang muốn thu hút nhà đầu tư. Kế hoạch tài chính cần mô tả được tiến trình phát triển của doanh nghiệp và thu lời.

Để làm được điều này, bạn cần tạo ra được một kế hoạch thu nhập, dòng tiền và bảng cân đối tài chính. Với các doanh nghiệp mới hoàn toàn, đây sẽ là các số liệu dự đoán. Kinh nghiệm cho việc dự đoán là hãy tính toán mức doanh thu tối thiểu và chi phí tối đa.

Plan 08
Kế hoạch tài chính là phần quan trọng nhất, đặc biệt là khi đang thu hút nhà đầu tư tiềm năng
  • Báo cáo thu nhập

Báo cáo thu nhập thể hiện được doanh thu kế hoạch, chi phí và lợi nhuận dự kiến. Bạn cần lập kế hoạch cho ít nhất một năm hoạt động.

  • Kế hoạch dòng tiền

Kế hoạch dòng tiền cho thấy cách thức dòng tiền sản sinh và tiêu dùng trong doanh nghiệp. Điều các nhà đầu tư tiềm năng tìm kiếm là cách doanh nghiệp kiểm soát dòng tiền và dự trù các rủi ro.

  • Cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán là ghi chép tổng quan về tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại một thời điểm cụ thể. Với các doanh nghiệp khởi nghiệp, thời điểm bắt đầu tính toán chính là thời điểm mở cửa. Cũng cần lưu ý, các doanh nghiệp mới sẽ không có tài khoản phải thu trên bảng cân đối kế toán.

Ngoài ra, với các doanh nghiệp nhỏ không có nhân công, bảng này cũng đơn giản hơn nhiều. Các loại thuế thu nhập, quỹ lương hữu, phúc lợi y tế… cũng chỉ áp dụng với các doanh nghiệp có nhân công.

  • Phân tích điểm hòa vốn

Việc phân tích điểm hòa vốn trong kế hoạch doanh nghiệp giúp nhà đầu tư tiềm năng dễ hình dung hơn về điểm an toàn của doanh nghiệp, khi mà chỉ cần đạt đến đó doanh nghiệp sẽ bắt đầu thu lời.

Phần 8: Phụ lục & tham khảo

Phần này chứa đựng các thông tin chi tiết cần được bổ sung để làm rõ ý cho các phần còn lại của bản kế hoạch doanh nghiệp

Một số nội dung tham khảo cho phần này:

  • Lịch sử tín dụng của người chủ doanh nghiệp
  • Kết quả nghiên cứu thị trường và đối thủ chi tiết
  • Thông tin lý lịch của người chủ doanh nghiệp & các nhân vật chủ chốt
  • Thông tin về ngành/lĩnh vực nghiên cứu
  • Thông tin về sản phẩm/dịch vụ
  • Kế hoạch tổ chức, xây dựng sử dụng địa điểm/văn phòng
  • Một bản sao các giấy tờ quan trọng như tài liệu thế chấp, giấy cho thuê thiết bị…
  • Sách giới thiệu thị trường & các ấn phẩm liên quan
  • Nhận xét/đánh giá từ các đồng nghiệp trong cùng ngành
  • Các đường link dẫn đến trang web của doanh nghiệp
  • Thông tin của bất cứ tài liệu hỗ trợ nào mà có thể cuốn hút nhà đầu tư

Có thể bạn quan tâm:

 

Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img