Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeChuyển độngPhụ Thu Mùa Tết: Câu Chuyện Muôn Thuở Với Bao Tranh Cãi

Phụ Thu Mùa Tết: Câu Chuyện Muôn Thuở Với Bao Tranh Cãi

Những tranh cãi xoay quanh vấn đề phụ thu mùa tết vẫn luôn được khơi lên mỗi năm. Bắt nguồn từ giải pháp giúp các hàng quán có thể bù đắp vào những khoản chi phí tăng dội vào dịp tết, giờ đây lại trở thành kẽ hở để “tận thu” khách hàng. Thậm chí, một số nơi áp dụng mức phụ thu mùa tết quá cao, có thể lên đến 100%, khiến khách hàng không khỏi bức xúc và ví như hành động “móc túi” nhưng được thực hiện một cách công khai hơn so với “móc túi truyền thống”. Rõ ràng, dù phụ thu mùa tết không còn xa lạ nữa nhưng luôn được đem ra thảo luận như mới vì chuyện cũ lặp lại, không biết bao giờ mới hết nhức nhối.

1. Câu chuyện phụ thu mùa tết, mỗi nơi một kiểu…

Xã hội ngày càng hiện đại, nhu cầu giải trí cũng phong phú hơn nên mọi người cũng bắt đầu có xu hướng “chơi tết” nhiều hơn, thay vì chỉ “ăn tết” như trước đây. Nhằm đáp ứng lượng cầu ngày càng nhiều, các tụ điểm vui chơi cũng lần lượt mở cửa đón khách xuyên tết, đặc biệt là các nhà hàng, quán cà phê và cơ sở dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, vận hành trong dịp tết thường phát sinh nhiều chi phí hơn so với ngày thường, vì thế các hàng quán chọn cách phụ thu mùa tết để bù đắp những khoản tăng dội này. 

Hầu hết tại các hàng quán có số lượng dưới 10 cơ sở hoặc kinh doanh đơn lẻ đều áp dụng chính sách phụ thu mùa tết hoặc tăng giá bán trên menu từ 5-20%, tối đa là 25% so với ngày thường. Đây là mức phụ thu có thể xem là “chấp nhận được”, khách hàng sẵn sàng chịu thêm khoản phí phụ thu này cho trải nghiệm ăn uống của mình. Thế nhưng bao giờ cũng có những “con sâu” khiến mục đích phụ thu mùa tết trở nên biến tướng, “ăn dày” cả vào phí phụ thu lên đến 30-50%, thậm chí là cả 100% khiến nhiều khách hàng bức xúc. 

Phụ Thu Mùa Tết: Câu Chuyện Muôn Thuở Với Bao Tranh Cãi
Hầu hết các hàng quán mở cửa xuyên tết đều có tính thêm phí phụ thu vào hóa đơn

Đơn cử có thể kể đến dịp tết năm ngoái, trên mạng xã hội ngay đầu năm đã có dịp “dậy sóng” trước một hoá đơn của quán cà phê với số tiền phụ thu mùa tết tận 100%. Cụ thể, tại một quán cà phê ở quận Gò Vấp, TP. HCM, một nhóm khách hàng đã gọi 5 cốc nước với tổng là 167.000 đồng. Tuy nhiên, ngoài tiền nước thì trên hóa đơn còn có tiền VAT tính 100%, tức khách hàng phải chịu phí phụ thu thêm 167.000 đồng, khiến toàn bộ hóa đơn phải trả bao gồm tiền nước và phụ phí bị dội lên thành 334.000 đồng. 

Theo chia sẻ từ khách hàng, khi có thắc mắc về mức phụ thu mùa tết cao ngất ghi trên hóa đơn, phía quán cà phê chỉ xin lỗi vì… quên báo có tính phụ phí trong dịp tết và không có động thái sửa chữa nào, mãi cho đến khi khách hàng phản ứng mạnh và quyết định chia sẻ trên mạng xã hội thì phía quán cà phê đồng ý chỉ lấy đúng số tiền nước như ngày thường. 

Có thể thấy, bên cạnh mức phụ phí không hợp thì việc nhà hàng, quán cà phê thiếu tính minh bạch, không có thông báo rõ ràng đến khách hàng cũng là một trong những nguyên do dẫn đến tranh cãi liên quan đến vấn đề phụ thu mùa tết. Đến nay, dù đã có rất nhiều bài “phốt”. các nội dung thảo luận, cũng như những lời khuyên từ chuyên gia để các hàng quán có giải pháp khéo léo và hiệu quả hơn, không làm mất lòng khách hàng, thì tình trạng “chặt chém” này vẫn đều đặn diễn ra hằng năm không hề thay đổi. 

Phụ Thu Mùa Tết: Câu Chuyện Muôn Thuở Với Bao Tranh Cãi
Tuy nhiên, cũng có những quán lợi dụng phụ phí này để “tận thu” khách hàng
Xem thêm: “Thắng Đậm” Với Những Ý Tưởng Kinh Doanh Tết 2024 Này

2. Khách hàng ngán ngẩm cảnh “tận thu” mùa tết

Vốn dĩ khách hàng vẫn luôn sẵn sàng thông cảm và đồng hành cùng các hàng quán trong vấn đề phụ thu hoặc tăng giá bán vào ngày tết. Chưa kể, mọi người cũng thường có xu hướng chi tiêu “thoáng tay” hơn vào các dịp lễ tết như thế này nên việc phải trả thêm phí dịch vụ ăn uống bên ngoài hoàn toàn không phải nguyên do gây tranh cãi.

“Quán phụ thu thêm tiền cũng chưa chắc lời lãi gì đâu, Tết cũng hiếm ai đi ăn ngoài.”

“Muốn không bị thu phí thì ở nhà tự mà nấu ăn. Đã chấp nhận ngồi quán ngồi tiệm để người ta phục vụ mình ngày Tết thì phải chấp nhận bị thu phí.”

“Tết mà, ở nhà ăn đâu tốn nhiều, đi tiệm thì phải chịu thôi. Lễ Tết trả lương gấp 3 lần là luật lao động quy định rồi mà.”

“Đã chấp nhận ngồi quán ngồi tiệm để người ta phục vụ ngày Tết rồi thì phải chấp nhận bị thu phí. Tết người ta không được ở bên gia đình, phải đi bưng bê phục vụ thì phải tăng thêm chứ. Phụ thu đó là để tăng lương cho nhân viên, nhiều người khổ lắm, thêm vài đồng tăng lương là người ta mừng dữ lắm.”

“Nhân viên x4, thực phẩm x3, bạn ở nhà chơi tết vui vẻ, còn người ta xa gia đình đi làm đó ạ.”

Phụ Thu Mùa Tết: Câu Chuyện Muôn Thuở Với Bao Tranh Cãi
Khách hàng vẫn luôn sẵn sàng thông cảm trong vấn đề phụ thu mùa tết

Có thể thấy, không ít khách hàng bày tỏ đồng tình với chính sách phụ thu tại các hàng quán vào dịp Tết. Điều thật sự khiến khách hàng cảm thấy bức xúc và vấn đề phụ thu mùa tết này mãi vẫn chưa có hồi kết chính là mức phụ thu bất hợp lý, áp dụng không rõ ràng, minh bạch, và chất lượng trải nghiệm cũng không tương xứng với số tiền bỏ ra tại một số hàng quán. 

“Hôm qua hai đứa cháu mình đi ăn cũng phụ thu 72 nghìn. Lúc tính tiền xong có mua thêm ly trà đào 30 nghìn, nhân viên đem ra chỉ chuyền tay qua cũng phụ thu thêm 5 nghìn là 35 nghìn.”

“Ngày tết ra quán ăn không thấy dán thông báo hay nhân viên nhắc gì đến phụ thu, vừa khen quán này thích nhỉ không phụ thu như mấy quán khác thì đến lúc tính tiền hóa đơn ghi thêm phụ thu 30%… Muốn phụ thu cũng được nhưng phải có thông báo chứ, im ỉm tính thêm cho khách thế này khác gì lừa dối đâu.”

“Đầu năm ra quán ăn cho thoải mái, đỡ vất vả nấu nướng mà thịt thì bở, rau thì bẩn, phục vụ thì lơ tơ mơ, dặn này quên kia nhưng nhắc lại thì bắt đầu thái độ, vậy nhưng vẫn phụ thu 25% phí phục vụ ngày tết, chất lượng này là phục vụ dữ chưa?”

“Tết nhất cho cả nhà đi du lịch để nghỉ ngơi, chấp nhận trả tiền phòng gấp đôi rồi luôn, còn đặt phòng trước hẳn 1 tháng, thế mà đến gần ngày đi chủ homestay vẫn đòi thêm bất ngờ đòi thêm 25% tiền phòng vì… đông khách quá, chả hiểu kiểu gì.”

Rõ ràng, không chỉ riêng ngành dịch vụ ăn uống diễn ra tình trạng “tận thu” mùa tết này mà cả những dịch vụ kinh doanh khác như khách sạn, homestay, điểm du lịch hay làm đẹp cũng đều tìm cách thu thêm của khách “được đồng nào hay đồng đó”. 

Phụ Thu Mùa Tết: Câu Chuyện Muôn Thuở Với Bao Tranh Cãi
Phụ phí bất hợp lý, không minh bạch và chất lượng kém là những nguyên do gây tranh cãi
Xem thêm: Thưởng Tết Nhân Viên Nhà Hàng, Quán Cà Phê Bao Nhiêu Là Đủ

3. Bản chất của phụ thu mùa tết không xấu, chỉ có người lợi dụng mới xấu

Phụ thu không phải một khoản thu chính, nhưng luôn xuất hiện mỗi khi có biến động từ xu hướng hoặc thị trường, làm phát sinh chi phí vận hành của nhà hàng, quán cà phê, nhất là vào mỗi dịp tết đầu năm. Lâu dần, phí phụ thu đã trở thành một khoản phí “mặc định” không thể thiếu vào mỗi dịp lễ, đặc biệt là vào mùa tết. 

Không ít người cho rằng, phụ thu mùa tết là một khoản “béo bở” để hàng quán có thể “kiếm thêm” từ khách hàng của mình. Thế nhưng thực tế, so với việc “kiếm thêm” thì phí phụ thu có vai trò như một khoản “cứu cánh” cho các hàng quán hơn. Dĩ nhiên, vào những dịp đặc biệt như lễ tết thì bao giờ các hàng quán cũng có thể kiếm được doanh thu và lợi nhuận cao vượt trội so với ngày thường, dù vậy khoản vượt trội đó lại đến từ số lượng khách đến quán tăng vọt, kéo doanh số bán hàng cũng tăng theo, chứ không đến từ “món hời” mang tên phí phụ thu. 

Cụ thể, việc phụ thu mùa tết sẽ bù đắp vào các khoản chi phí vận hành bị tăng dội so với ngày thường. Điển hình như giá nhập nguyên liệu, thực phẩm vào dịp lễ tết luôn tăng cao so với ngày thường từ 5-12%, với một số mặt hàng sở hữu lượng cầu cao có thể tăng đến 30-40%. Chưa kể, chi phí nhân sự cũng tăng cao do quy định nhà nước bắt buộc phải trả thêm giờ làm việc cho nhân viên vào những ngày lễ tết. Nếu làm đúng theo quy định thì lương trả thêm giờ vào lễ tết của nhân viên phải bằng ít nhất 300% lương cơ bản. Ngoài ra, việc thuê nhân viên làm tết cũng rất khó khăn, thậm chí dù “đỏ con mắt” cũng chưa thể tìm được người. 

Không chỉ vậy, lượng cầu tăng vọt khiến các hàng quán cũng phải dồn lực để “chạy hết công suất” cho những ngày lễ tết, từ các tiện ích như điện, nước, mặt bằng, cho đến cả những yếu tố về sức khỏe, tinh thần của chủ quán lẫn đội ngũ nhân viên. Chính vì thế, khoản phụ thu mùa tết này rất quan trọng, góp phần san sẻ bớt áp lực về mặt chi phí cho chủ quán và duy trì hoạt động kinh doanh tốt nhất trong những ngày cao điểm như này.

Dù vậy, bên cạnh những hàng quán tính thêm phụ phí thì vẫn có những cơ sở, thương hiệu không áp dụng phụ thu mùa tết. Điển hình có thể kể đến các thương hiệu cà phê như Katinat Saigon Kafe, Phúc Long, The Coffee House, Phê La, trà sữa Gong Cha,… hay trong kinh doanh nhà hàng thì có Dookki Buffet, Phở 24, Gọn & Nhẹ,… Đây có thể được xem như một “tia sáng ấm lòng” giữa bão phụ thu mùa tết dồn dập. 

Phụ Thu Mùa Tết: Câu Chuyện Muôn Thuở Với Bao Tranh Cãi
Phí phụ thu có vai trò như một khoản “cứu cánh” cho các hàng quán khi hoạt động xuyên tết

4. Giải pháp nào cho tranh cãi phụ thu mùa tết này?

Để giải quyết vấn đề này, các hàng quán cần cân nhắc lựa chọn mức phí phụ thu hợp lý, có thông báo cụ thể, rõ ràng đến khách hàng của mình thông qua menu, cũng như trên các nền tảng mạng xã hội của nhà hàng, quán cà phê. Bên cạnh đó, chủ quán cũng có thể thiết lập quy trình chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp hơn, đảm bảo dây chuyền hoạt động vẫn diễn ra suôn sẻ trước khối lượng công việc dày đặc trong ngày tết, tránh để các sơ suất nhỏ làm ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng. 

Dù sao đi nữa, đặc thù của ngành F&B cũng là ngành kinh doanh xuyên suốt 365 ngày trong năm, do vậy các nhà hàng, quán ăn từ nhỏ lẻ đến thương hiệu quy mô lớn đều không nên vì tính thời điểm mà làm ảnh hưởng đến đại cuộc. Mức độ hài lòng và sự trung thành của khách hàng vẫn luôn là chìa khóa quyết định cho mọi thành công trong kinh doanh F&B. Để tìm hiểu chi tiết hơn quy định và cách tính phí phụ thu sao cho “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, các chủ quán có thể đọc thêm tại đây.

Ngoài ra, bên cạnh những cơ sở mở cửa xuyên tết, vẫn có những quán thay vì đau đầu nghĩ cách phụ thu thế nào cho khéo thì lại lựa chọn nghỉ tết như bao người, cho bản thân và đội ngũ nhân viên có thời gian nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Theo ông Đỗ Duy Thanh – Giám đốc F&B Director của Horeca Business School chia sẻ, “Tôi vẫn khuyến khích nhiều quán nghỉ Tết để giải tỏa tâm lý chung. Chủ quán sẽ có thời gian nghỉ dưỡng đúng nghĩa lại giữ chân được nhân viên lâu dài hơn”.

Phụ Thu Mùa Tết: Câu Chuyện Muôn Thuở Với Bao Tranh Cãi
Phụ thu mùa tết cũng cần tính toán cẩn thận và có cách xử lý khéo léo

Xét cho cùng, trong dịp Tết thì cả hàng quán lẫn các thực khách đều muốn cho những trải nghiệm tốt. Nếu như hàng quán muốn làm ăn buôn bán, thì thực khách cũng muốn kiếm được nơi ăn uống ngon và thoải mái. Chính vì thế, để tránh những rắc rối không đáng có cho cả đôi bên thì hàng quán nên có chính sách phụ thu mùa tết phù hợp, có thông báo chính xác, và thực khách nên hỏi kỹ giá cả trước khi ăn. Chỉ mong rằng tình trạng khó chịu và các câu chuyện bất bình về chuyện phụ thu sẽ không còn nữa.

Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img