Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeCẩm nangPhụ Thu Mùa Tết: Tính Phí Như Thế Nào Để "Vui Lòng...

Phụ Thu Mùa Tết: Tính Phí Như Thế Nào Để “Vui Lòng Khách Đến, Vừa Lòng Khách Đi”?’

Phụ thu mùa tết luôn là câu chuyện muôn thuở gây tranh cãi, hầu như dịp năm mới nào cũng được đem ra làm chủ đề bàn tán, thảo luận. Đứng từ góc độ khách hàng, hiển nhiên không ai muốn phải mất thêm tiền ngay những ngày đầu năm mới. Thế nhưng, ngược lại dưới góc độ khách hàng, việc các khoản chi phí vận hành như nhập nguyên vật liệu, hay thuê nhân sự,… đều tăng cao, thì việc nếu giữ nguyên giá dịch vụ như thường ngày chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Do vậy, chủ quán cần có tính toán khéo léo để vừa đảm bảo được lợi nhuận kinh doanh ngày tết, vừa làm hài các vị khách của mình. 

1. Vì sao nhà hàng, quán cà phê thường có phí phụ thu mùa tết?

Phụ thu không phải một khoản thu chính, nhưng luôn xuất hiện mỗi khi có biến động từ xu hướng hoặc thị trường, làm phát sinh chi phí vận hành của nhà hàng, quán cà phê, nhất là vào mỗi dịp tết đầu năm. Lâu dần, phí phụ thu đã trở thành một khoản phí “mặc định” không thể thiếu vào mỗi dịp lễ, và cũng là câu chuyện gây tranh cãi giữa các hàng quán cùng khách hàng bấy lâu nay. 

Không ít người cho rằng, phụ thu mùa tết là một khoản “béo bở” để hàng quán có thể “kiếm thêm” từ khách hàng của mình. Thế nhưng thực tế, so với việc “kiếm thêm” thì phí phụ thu có vai trò như một khoản “cứu cánh” cho các hàng quán hơn. Dĩ nhiên, vào những dịp đặc biệt như lễ tết thì bao giờ các hàng quán cũng có thể kiếm được doanh thu và lợi nhuận cao vượt trội so với ngày thường, dù vậy khoản vượt trội đó lại đến từ số lượng khách đến quán hơn, chứ không đến từ “món hời” mang tên phí phụ thu. 

Trước hết, việc phụ thu mùa tết sẽ bù đắp vào các khoản chi phí vận hành bị dội hơn so với ngày thường. Điển hình như giá nhập nguyên liệu, thực phẩm luôn tăng cao so với ngày thường từ 5-12%, với một số mặt hàng sở hữu lượng cầu cao có thể tăng đến 30-40%. Chưa kể, chi phí nhân sự cũng tăng cao do quy định nhà nước bắt buộc phải trả thêm giờ làm việc cho nhân viên vào những ngày lễ tết. Nếu làm đúng theo quy định thì lương trả thêm giờ vào lễ tết của nhân viên phải bằng ít nhất 300% lương cơ bản. Ngoài ra, việc thuê nhân viên làm tết cũng rất khó khăn, thậm chí dù “đỏ con mắt” cũng chưa thể tìm được người. 

Không chỉ vậy, lượng cầu tăng vọt khiến các hàng quán cũng phải dồn lực để “chạy hết công suất” cho những ngày lễ tết, bao gồm cả những yếu tố về sức khỏe, tinh thần từ chủ quán cho đến đội ngũ nhân viên. Do vậy, khoản phụ thu mùa tết này rất quan trọng, san sẻ bớt áp lực về mặt chi phí cho chủ quán và duy trì hoạt động kinh doanh tốt nhất. 

Phụ Thu Mùa Tết: Tính Phí Như Thế Nào Để "Vui Lòng Khách Đến, Vừa Lòng Khách Đi"
Phụ thu mùa tết giúp bù đắp những khoản chi phí vận hành tăng cao trong dịp lễ

Dĩ nhiên, nếu mọi hàng quán đều sử dụng phí phụ thu mùa tết đúng mục đích như trên thì có lẽ đã không tồn tại tranh cãi như bao năm tết qua. Nhiều hàng quán lạm dụng phí phụ thu để “tận thu” khách hàng, không niêm yết giá, không có thông báo rõ ràng, khiến khách hàng không biết khi nào mình bị “chặt chém” vô tội vạ, có khi lên đến 200-300% so ngày thường. Có những quán dán thông báo phụ thu từ 29 tết đến mùng 6 tết nhưng khách đến vào mùng 7, mùng 8… vẫn còn “dư âm” phụ thu.

Thực tế, khách hàng vẫn luôn sẵn lòng chịu phí phụ thu và thông cảm cho nhà hàng, quán cà phê mở cửa xuyên tết. Tuy nhiên, đổi lại thì mức phụ thu phải hợp lý, có thông báo rõ ràng và chất lượng món ăn, dịch vụ phải tương xứng với giá tiền khách hàng bỏ ra. Đồng thời, nhà hàng, quán cà phê cũng có thể nâng cấp trải nghiệm tại cơ sở của mình vừa duy trì mức độ hài lòng của khách hàng dù chịu phụ thu vừa để giữ chân họ tiếp tục quay lại sau mùa tết. 

Xem thêm: “Thắng Đậm” Với Những Ý Tưởng Kinh Doanh Tết 2024 Này

2. Cách tính phụ thu mùa tết hợp lý cho các nhà hàng quán cà phê

2.1. Tính phụ thu mùa tết vừa phải để khách thông cảm

Tùy thuộc vào quy mô nhà hàng, quán cà phê, mà mỗi nơi sẽ có cách tính phí phụ thu khác nhau để đảm bảo có thể duy trì tốt hoạt động kinh doanh của mình. Chẳng hạn, những cơ sở có quy mô lớn thường kéo theo chi phí vận hành lớn nên phí phụ thu cũng cao hơn so với những cơ sở có quy mô nhỏ. Ngược lại, đôi khi một số hàng quán quy mô nhỏ có thể không áp dụng phụ thu mùa tết để lôi kéo khách hàng nhiều hơn. 

Tuy nhiên, bất kể hoạt động kinh doanh có quy mô như thế nào thì phí phụ thu mùa tết hợp lý nhất cũng chỉ nên dao động từ 15-20% và tối đa là 25% so với giá thành ngày thường. Ví dụ, sau khi tính toán cẩn thận các khoản chi phí tăng lên trong dịp tết và quyết định phụ phí 25%, thì một cốc cà phê vào ngày thường được bán với giá 28.000 đồng, thì ngày tết sẽ được bán 35.000 đồng/cốc. Mức chênh lệch này không tăng quá nhiều so với ngày thường nên dễ dàng được khách hàng chấp nhận hơn.

Một số hàng quán có mức phụ thu quá lớn trong khoảng 30-50%, thậm chí là 50%, có thể khiến khách hàng khó chịu và cảm thấy mình đang bị “chặt chém” và lợi dụng để kiếm thêm lời. Đừng chỉ vì những “cái lợi trước mắt” mà đẩy phụ thu mùa tết lên quá cao, để rồi sau đó phải đánh đổi bằng chính sự rời bỏ của khách hàng. Vì thế, tính đường dài thì nhà hàng, quán cà phê nên đưa ra mức giá phù hợp trong ngày lễ Tết để khách thông cảm, hai bên đều vui vẻ.

Phụ Thu Mùa Tết: Tính Phí Như Thế Nào Để "Vui Lòng Khách Đến, Vừa Lòng Khách Đi"
Phụ thu mùa tết chỉ nên dao động trong khoảng 15-20% và tối đa 25% là hợp lý nhất

2.2. Không tính phí phụ thu hoặc tăng giá không niêm yết

Theo điều 12 nghị định số 109/2013 do Chính phủ ban hành, bên bán hàng có thể bị phạt cảnh cáo nếu không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết theo quy định của pháp luật, hay niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Theo đó, nếu vi phạm từ lần thứ hai trở lên có thể bị phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đồng. Ngoài ra, tùy vào từng trường hợp vi phạm bán cao hơn giá niêm yết, không công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ,… có thể bị phạt từ 5 – 30 triệu đồng. Điều 13 thuộc nghị định này cũng quy định phạt tiền từ 1.000.000 – 5.000.000 đồng nếu hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá có tổng giá trị đến 50 triệu đồng.

Bên cạnh việc xử phạt hành chính, người bán tăng giá cao có thể phạm tội hình sự trong trường hợp cá nhân thực hiện hành vi ép buộc khách hàng phải trả số tiền cao có thể xác định có dấu hiệu của hành vi cưỡng đoạt tài sản được quy định tại điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.

Xem thêm: Thưởng Tết Nhân Viên Nhà Hàng, Quán Cà Phê Bao Nhiêu Là Đủ

3. Làm gì để áp dụng phụ thu mùa tết mà không làm mất lòng khách?

3.1. Phổ biến phụ thu mùa tết đến tất cả khách hàng

Quy định được áp dụng hiệu quả nhất khi tất cả mọi người đều hiểu rõ và nghiêm túc thực hiện. Do vậy, ngay khi có quy định phụ thu mùa tết, nhà hàng, quán cà phê cần phổ biến rộng rãi đến khách hàng của mình, đảm bảo mỗi người đều biết rõ và chấp nhận chương trình phụ thu này trước khi đến quán, cũng như gọi món. Hơn hết, việc thông báo đến tất cả khách hàng cũng là cách để duy trì tính minh bạch và uy tín cho nhà hàng, quán cà phê, không lấp lửng, che giấu để khách hàng cảm thấy mình bị lừa dối khi đột nhiên “bị thu thêm” mà không rõ lý do. 

Một số cách để nhà hàng, quán cà phê có thể thông tin đến khách hàng của mình về quy định phụ thu mùa tết như lưu ý trực tiếp trên menu, dán bảng quy định ngay tại nhà hàng, quán cà phê, đào tạo nhân viên có thói quen thông báo quy định trước khi khách hàng dùng bữa, và chia sẻ quy định mới trên các nền tảng truyền thông của nhà hàng. Bằng cách phổ biến rộng rãi đến thực khách sẽ giúp nhà hàng duy trì được sự minh bạch, tránh được hầu hết mọi thắc mắc về quy định khi thực hiện phụ thu mùa tết, và cũng không làm ảnh hưởng đến uy tín chung của nhà hàng. 

Phụ Thu Mùa Tết: Tính Phí Như Thế Nào Để "Vui Lòng Khách Đến, Vừa Lòng Khách Đi"
Khách hàng cần biết rõ về mức phụ thu mùa tết trước khi đến quán hoặc gọi món

3.2. Thay đổi giá và tinh gọn menu mùa tết

Một số nhà hàng, quán cà phê thay vì tính phí phụ thu mùa tết, thì sẽ chọn cách sáng tạo một menu riêng, tinh gọn hơn chỉ dành để phục vụ riêng cho những ngày tết. Mục tiêu của menu này sẽ tập trung vào những món bán chạy nhất của quán để tối ưu nguyên vật liệu cần sử dụng. Điều này không chỉ giúp kiểm soát tốt chi phí nguyên liệu trong mùa tết mà còn giúp nhân viên tối ưu được khối lượng công việc của mình, tập trung tốt hơn vào một số món nhất định. 

Đặc biệt, menu tinh gọn này sẽ được tăng giá bán trên tất cả các món từ 30-35%, chẳng hạn cốc cà phê giá gốc là 28.000 đồng, bán với giá tết là 35.000 đồng, và áp dụng trong khoảng 29 tết đến tầm mùng 6 tết. Nhà hàng, quán cà phê nên làm một menu mới và ghi chú rõ ràng là “menu tết” để khách hàng hiểu rõ menu chỉ phục vụ trong mùa tết và sẽ trở lại phục vụ menu cũ sau thời gian áp dụng. Với cách này, nhà hàng, quán cà phê có thể tính thêm phí phụ thu mùa tết nhưng không nhất thiết phải chú thích có phí phụ thu mà vẫn được khách hàng chấp nhận và không có cảm giác bị lừa dối. Chưa kể, việc menu tăng giá bán lên 5.000 – 8.000 đồng cũng sẽ tạo tâm lý “dễ thở” và tiết kiệm hơn so với một thông báo “phụ thu 30%” khiến khách hàng thấy mình phải chi nhiều hơn.

3.3. Nâng cấp quy trình chăm sóc khách hàng

Đối với mọi người, tết đến xuân về là dịp để thư giãn, vui chơi cùng bạn bè, nên khách hàng ai cũng muốn được chăm sóc chu đáo với quan niệm mọi thứ hoàn hảo thì cả năm mới vui vẻ, suôn sẻ. Tuy nhiên, các nhà hàng, quán cà phê trong mùa tết thường có lượng khách đông, khối lượng công việc nhiều nên khó tránh khỏi những sơ suất trong quá trình hoạt động, vô hình trung lại làm ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng. Chính vì thế, càng vào những dịp đông khách như thế này thì lại càng phải chú trọng hơn vào quy trình chăm sóc khách hàng, khi khách hàng lòng thì việc phụ thu mùa tết, “kích” doanh thu, lợi nhuận sẽ dễ dàng được chấp nhận. 

Không chỉ vậy, khách hàng mùa tết phần lớn là khách hàng vãng lai, giữ chân khách quay lại sau mùa tết đồng nghĩa nhà hàng, quán cà phê có thể làm dày tệp khách hàng trung thành của mình, từ đó nắm giữ nhiều cơ hội phát triển và mở rộng hơn. Trong bất kỳ lĩnh vực nào thì khách hàng trung thành cũng luôn là chìa khóa thành công cho mọi hoạt động kinh doanh. Không phải ngẫu nhiên mà các thương hiệu lớn thường ưu tiên và tạo nhiều quyền lợi cho khách hàng trung thành hơn là các khách hàng mới. 

Một số cách giúp nhà hàng, quán cà phê nâng cấp trải nghiệm chăm sóc khách hàng của mình như đào tạo nhân viên chuyên nghiệp, có thái độ thân thiện, nhiệt tình, phục vụ nhanh chóng, đầu tư vào chất lượng thức uống, không gian và âm nhạc,… Ngoài ra, chương trình tích điểm và các voucher giảm giá sau tết cho khách hàng cũng là một cách tuyệt vời để khuyến khích họ quay lại vào lần sau. 

Phụ Thu Mùa Tết: Tính Phí Như Thế Nào Để "Vui Lòng Khách Đến, Vừa Lòng Khách Đi"
Trải nghiệm khách hàng hài lòng là chìa khóa để phát triển kinh doanh hiệu quả

Câu chuyện phụ thu mùa tết là vấn đề nan giải của mỗi người chủ để làm thế nào có thể vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh vừa vui lòng những vị khách của mình. Dù vậy, hy vọng với bài viết này sẽ giúp các chủ quán tìm ra cách giải tốt nhất cho một mùa tết ấm áp. Chúc mọi người năm 2024 có một chiến lược tốt phát triển và tối ưu hàng quán của mình cho một năm kinh doanh thuận lợi và sung túc. 

Xem thêm: Tự Mở Quán Cà Phê: Không Cẩn Thận Có Thể “Tự Sát” Với Những Lãng Phí Này

Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img