Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeChuyển độngVén Màn Câu Chuyện Đằng Sau Cái Kết Của Ứng Dụng BAEMIN:...

Vén Màn Câu Chuyện Đằng Sau Cái Kết Của Ứng Dụng BAEMIN: Công Ty Mẹ Miệt Mài Đem Con Đi Bán, Grab Và Meituan Đều Từ Chối Mua Lại

Sự ra đi của ứng dụng BAEMIN đã để lại nhiều tiếc nuối trong lòng người tiêu dùng Việt về một ứng dụng giao hàng với nhiều năng lượng tích cực từ các thông điệp truyền thông đến cách hoạt động. Mặc dù đây là cái kết không ai mong muốn, thế nhưng đứng trước nhiều thách thức cùng ập đến, từ biến động thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng, cho đến cả sự “từ bỏ” của công ty mẹ,… thì có thể hiểu được, ứng dụng BAEMIN không còn cách nào khác ngoài thông báo “chia tay” người tiêu dùng Việt Nam.

1. Sự ra đi đầy tiếc nuối của ứng dụng BAEMIN

Tuy chỉ hiện diện tại thị trường Việt Nam trong khoảng 4 năm, thế nhưng những gì ứng dụng BAEMIN đã làm được và ghi dấu trong lòng người tiêu dùng lại ấn tượng hơn rất nhiều số năm hoạt động của mình. 

Ngay từ những ngày đầu tiên ra mắt vào năm 2019, BAEMIN đã quyết tâm “phủ xanh” thị trường Việt nhờ vào bộ nhận diện thương hiệu độc đáo bao gồm tone xanh ngọc đặc trưng, font chữ được thiết kế riêng, và mascot chú mèo mập lông vàng ngộ nghĩnh. Hơn hết, ứng dụng BAEMIN thu về lượng quan tâm tích cực với hàng loạt chiến dịch marketing “ăn tiền”, phủ sóng rộng khắp từ quảng cáo ngoài trời đến các nền tảng mạng xã hội, và dĩ nhiên là không thể thiếu cả là những chương trình ưu đãi hấp dẫn người dùng, “deal chồng deal” vô cùng hấp dẫn.  

Không thể phủ nhận rằng nhờ vào những chiến lược truyền thông sáng tạo và “xịn xò” của mình mà dù xuất hiện muộn so với nhiều đối thủ khác trong ngành giao đồ ăn, BAEMIN vẫn có thể ghi dấu ấn tượng tên tuổi của mình và thu hút sự chú ý của đông đảo người dùng Việt, thậm chí còn được xem là đối thủ “đáng gờm” với hai “chiến thần” trong lĩnh vực đặt – giao đồ ăn trực tuyến là Grab và ShopeeFood. Có một dạo thời gian mà thị trường giao hàng Việt gần như được “bao trọn” bởi cái tên BAEMIN, bất kỳ nhu cầu đặt đồ ăn nào cũng sẽ tìm đến ứng dụng BAEMIN đầu tiên trước khi cân nhắc đến các lựa chọn khác. 

Đang làm tốt là vậy, thế nhưng cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn, ứng dụng BAEMIN bất ngờ đăng thông báo dừng hoạt động và chính thức rời khỏi thị trường Việt Nam từ cuối năm ngoái, khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối trước lời chia tay này. 

Vén Màn Câu Chuyện Đằng Sau Cái Kết Của Ứng Dụng Baemin: Công Ty Mẹ Miệt Mài Đem Con Đi Bán, Grab Và Meituan Đều Từ Chối Mua Lại
Cuối năm ngoái, ứng dụng BAEMIN kết thúc hành trình 4 năm tại thị trường Việt Nam
Xem thêm: Ứng Dụng BAEMIN Rút Khỏi Thị Trường Việt Nam: Từ “Tân Binh” Triển Vọng Đến “Tàn Binh” Thất Trận

2. Cuộc chiến giao hàng không hồi kết tại thị trường Việt Nam

Từng được đánh giá là “tân binh” đầy triển vọng bỗng chốc lại trở thành “tàn binh” thất trận, quyết định rút lui của BAEMIN có thể được xem là cái kết cho chiến lược “đốt tiền” làm marketing, biến lợi thế thành con dao hai lưỡi phản ngược lại khiến thương hiệu gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì doanh thu và lợi nhuận. Chưa kể, năm 2020, 2021 là thời điểm hàng quán lẫn người tiêu dùng đều phải “gồng mình” đối diện với những ảnh hưởng từ đại dịch, thắt chặt tối đa mọi khoản chi tiêu khiến “gánh nặng” lỗ của BAEMIN cũng càng ngày càng lớn.

Cụ thể, theo dữ liệu từ Vietdata cho thấy, vào năm 2020, doanh thu của Công ty chỉ ở mức gần 441 tỷ đồng thì đến năm 2022, doanh thu đã tăng lên 84% cán mốc hơn 810 tỷ đồng. Dù vậy, doanh thu tăng nhưng không đồng nghĩa lợi nhuận tăng, BAEMIN vẫn phải chịu lỗ sau thuế hơn 1.400 tỷ đồng vào năm 2020, sau đó khoản lỗ này tiếp tục tăng đến 1.500 tỷ đồng vào năm 2021 và năm 2022 là khoảng 1.300 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong 3 năm, trái ngược với những chiến lược marketing hoành tráng thì ứng dụng BAEMIN đã phải “gánh” khoản lỗ lến đến gần 4.200 tỷ đồng.

Hơn hết, dù rằng được xem là đối thủ “đáng gờm” với của Grab và ShopeeFood, thì thực tế BAEMIN vẫn khó có thể rút ngắn khoảng cách với hai “ông lớn” này chỉ trong khoảng 4 năm hoạt động. Theo báo cáo của Momentum Works cho biết, trong khi toàn thị trường giao đồ ăn (Food Delivery) Việt Nam 2023 tăng trưởng 27% so với năm ngoái, đạt 1,4 tỷ USD, thì thị phần của BAEMIN lại chạy thụt lùi từ 12% xuống còn 5%. Cùng với đó, vốn đã xưng bá, thị phần của Grab tại Việt Nam vẫn tăng từ 45% lên 47%, ShopeeFood cũng tăng 41% lên 45%, và Gojek, vốn chiếm thị phần 2% ít ỏi, nay cũng tăng lên 3%.

Có thể thấy, BAEMIN đã có khoảng thời gian kinh doanh giành thị phần đầy khốc liệt để có thể nỗ lực duy trì hiện diện tại thị trường Việt Nam.

Vén Màn Câu Chuyện Đằng Sau Cái Kết Của Ứng Dụng Baemin: Công Ty Mẹ Miệt Mài Đem Con Đi Bán, Grab Và Meituan Đều Từ Chối Mua Lại
BAEMIN đã có khoảng thời gian kinh doanh giành thị phần đầy khốc liệt tại Việt Nam
Xem thêm: Highlands Bưu Điện Thành Phố – Tọa Độ Check-In Mới Vừa Cổ Kính Vừa Hiện Đại

3. Khả năng sinh lời thấp, công ty mẹ miệt mài đem con đi bán

BAEMIN chính thức “giã từ” cuộc chơi tại Việt Nam vào ngày 8/12/2023, kết thúc 4 năm chinh chiến tại thị trường nước ta. Có lẽ đây cũng chính là cái kết tất yếu cho ứng dụng BAEMIN khi công ty mẹ Delivery Hero liên tục tỏ ý muốn thoái vốn khỏi thị trường “ít sinh lời” từ đầu năm 2022.

BAEMIN là ứng dụng hoạt động trong lĩnh vực giao đồ ăn nhanh lớn nhất tại Hàn Quốc vốn thuộc sở hữu của Tập đoàn Woowa Brothers Corp. Tuy nhiên, vào cuối năm 2019, khi BAEMIN “tiến quân” vào thị trường Việt Nam không lâu, Delivery Hero đã mua lại Tập đoàn Woowa Brothers Corp với giá 4 tỷ USD. Thương vụ M&A này được xem là một trong những thương vụ lớn nhất toàn cầu trong thị trường ứng dụng đặt – giao đồ ăn. 

Cuối năm 2022, ứng dụng giao đồ ăn Line Man Wongnai được cho là đang trong quá trình đàm phán mua lại Foodpanda – một nền tảng giao hàng thuộc sở hữu của Delivery Hero – tại Thái Lan. 

Tuy nhiên, có vẻ như cuộc đàm phán không đạt được sự đồng thuận của cả đôi bên, Line Man không chọn mua Foodpanda, thay vào đó đã mua startup máy POS FoodStory và mua lượng cổ phần lớn tại công ty thanh toán Rabbit Line Pay. Năm 2023, Line Man thành công “bám sát” Grab trong mảng giao đồ ăn tại Thái Lan, nâng cao thị phần tăng từ 24% lên 36%, chủ yếu giành lại miếng bánh từ Foodpanda.

Tháng 8/2023, công ty mẹ Delivery Hero thông báo đã đạt EBITDA (Lợi nhuận trước lãi suất, thuế, khấu hao và tổn thất giá trị) điều chỉnh dương. Delivery Hero tiếp tục chào bán Foodpanda với Grab một phần mảng kinh doanh tại khu vực Châu Á trong tháng 9/2023, nhưng cuộc đàm phán này cũng không thu được kết quả như mong muốn. 

Đàm phán thất bại, hai nền tảng giao đồ ăn là Foodpanda và BAEMIN cùng thông báo sa thải nhân sự mặc cho thị trường giao đồ ăn đang được đánh giá vô cùng tiềm năng.

Đến tháng 11/2023, theo thông tin từ Bloomberg, Meituan ngỏ ý muốn mua Foodpanda khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, bất ngờ vào cuối tháng 11/2023, Meituan đã ngưng ý định này, giải thích nguyên do cho biết nhận thấy thị trường “khó có khả năng sinh lời”. Cùng thời gian đó, ứng dụng BAEMIN xác nhận chấm dứt hoạt động tại thị trường Việt Nam. Còn số phận của Foodpanda hiện vẫn bỏ ngỏ.

Như vậy, trong năm 2023, công ty mẹ Delivery Hero gần như không nhìn thấy bất kỳ tia khởi sắc nào. Nếu như ứng dụng BAEMIN chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam, thì Foodpanda cũng chịu thua trước 3 lần bán mình bất thành, điều này khiến thị phần của nền tảng bị giảm đáng kể ở hầu hết các thị trường. Điển hình như tại Thái Lan, thị phần Foodpanda giảm từ 16% năm 2022 còn 8% trong năm 2023, Malaysia giảm từ 38% xuống 30%, Singapore giảm từ 31% còn 28%, còn Philippines giảm từ 40% xuống 39%.

Trong khi nhiều tay chơi chủ chốt trên thị trường giao đồ ăn hướng tới mục tiêu lợi nhuận bền vững, Delivery Hero lại khát khao được thoái vốn, Momentum Works nhận định rất có thể sẽ có thêm cuộc hợp nhất trên thị trường này.

Vén Màn Câu Chuyện Đằng Sau Cái Kết Của Ứng Dụng Baemin: Công Ty Mẹ Miệt Mài Đem Con Đi Bán, Grab Và Meituan Đều Từ Chối Mua Lại
Cái kết của ứng dụng BAEMIN cũng chỉ còn là sớm muộn khi ngày cả công ty cũng đã sớm “từ bỏ”
Xem thêm: Chìa Khóa Để Xây Dựng Thương Hiệu Phúc Long Thành Công Từ Founder Lâm Bội Minh

4. Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường có tiềm năng lớn?

Sự thoái lui của ứng dụng BAEMIN cho thấy thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam đang là “miếng bánh” được tranh giành khốc liệt, tốc độ đào thải vô cùng cao nếu không có đủ tiềm lực cũng như chiến lược đầu tư hợp lý. 

Dù vậy, điều này không có nghĩa là thị trường giao đồ ăn Việt Nam đã không còn cơ hội nào cho những cái tên mới tham gia vào. Thực tế, thị trường giao đồ ăn toàn cầu nói chung, và thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam nói riêng vẫn đang trong đà phát triển tích cực. Không chỉ có nhu cầu đặt – giao đồ ăn của người tiêu dùng ngày càng tăng, mà các nhà hàng, quán cà phê cũng nhận thấy rõ lợi ích của hình thức bán hàng này và luôn nỗ lực tận dụng triệt để nhằm nâng cao hoạt động kinh doanh của mình.

Báo cáo thị trường giao đồ ăn trực tuyến năm 2023 của Momentum Works cho biết, tính đến cuối năm 2023, thị trường giao đồ ăn của Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt doanh thu 30,12 tỷ USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước, và tốc độ tăng trưởng hằng năm giai đoạn 2023 – 2027 là 17,25%, đạt 56,92 tỷ USD năm 2027.

Theo đó, tổng doanh thu dự kiến của thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam trong năm 2023 xếp thứ 5 giữa các quốc gia Đông Nam Á, sau Indonesia, Philippines, Thailand và Malaysia, nhưng có tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước xếp thứ 3 và tỷ lệ tăng trưởng hằng năm kép giai đoạn 2023 – 2027 chỉ xếp sau Indonesia.

Một nghiên cứu của Statista cũng đưa ra nhận định, với quy mô dân số nằm trong tốp đầu Đông Nam Á, Việt Nam đang cho thấy nhiều tiềm năng để phát triển thị trường giao đồ ăn trực tuyến. Doanh thu thị trường này có thể đạt 1,93 tỷ USD vào năm 2023, cao hơn 29,5% so với năm 2022, tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) giai đoạn 2023-2027 là 15,29%, tương đương mức doanh thu 3,41 tỷ USD vào năm 2027.

Hiện tại, Việt Nam cũng là nhà của hơn 540.000 nhà hàng, 22.000 quán cà phê và trên 80.000 chuỗi nhà hàng, nhưng chỉ một phần nhỏ đang có dịch vụ đặt trực tuyến, điều này cho thấy thị trường giao đồ ăn Việt Nam vẫn còn tiềm năng phát triển rất lớn.

Vén Màn Câu Chuyện Đằng Sau Cái Kết Của Ứng Dụng Baemin: Công Ty Mẹ Miệt Mài Đem Con Đi Bán, Grab Và Meituan Đều Từ Chối Mua Lại
Thị trường Việt Nam vẫn đầy tiềm năng cho những “tay chơi” còn ở lại

Nhìn chung, thị trường giao đồ ăn Việt Nam vẫn còn đầy tiềm năng hấp dẫn, nhưng rõ ràng là không chia đều cho tất cả, phần lợi thế sẽ nghiêng về cho những “tay chơi” mạnh về tài chính. Tuy nhiên, “bao nhiêu mới đủ” là vấn đề đau đầu cho những nhà đầu tư. Sự thất bại của ứng dụng BAEMIN không chỉ là lời cảnh tỉnh cho các thương hiệu trong lĩnh vực đặt – giao đồ ăn, mà đó còn là bài học đắt giá về cách “dùng tiền” và xây dựng chiến lược marketing đúng đắn cho những ai làm kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img