Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeChuyển độngLàn Sóng Mua Bán Và Sáp Nhập Đang "Tăng Nhiệt" Trở Lại...

Làn Sóng Mua Bán Và Sáp Nhập Đang “Tăng Nhiệt” Trở Lại Trong Ngành F&B? 

Làn sóng mua bán và sáp nhập trong những năm trở lại đây đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Bên cạnh một số nhóm ngành nổi bật như ngân hàng, bất động sản, thì thị trường F&B cũng đang chứng kiến nhiều thương vụ M&A đình đám, trong đó bao gồm rất nhiều cái tên quen thuộc cũng góp mặt vào làn sóng này. Hãy cùng F&B Việt Nam tìm hiểu thêm về hình thức mua bán và sáp nhập này, cũng như điểm danh ngành F&B hiện đã có những thương vụ M&A nổi bật nào. 

1. Mua bán và sáp nhập được hiểu như thế nào?

Mua bán và sáp nhập, hay còn gọi là M&A, là thuật ngữ viết tắt của hai từ Mergers (Sáp nhập) và Acquisitions (Mua lại). M&A là một hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua hình thức sáp nhập hoặc mua lại một phần hay toàn bộ của doanh nghiệp khác. Hoạt động mua bán và sáp nhập thường được sử dụng như một công cụ chiến lược giúp thương hiệu mở rộng quy mô kinh doanh, tăng cường vị thế trên thị trường, cũng như thúc đẩy tăng trưởng và đạt được các lợi ích khác. 

Các hình thức mua bán và sáp nhập phổ biến hiện nay:

– M&A ngang hàng (Horizontal M&A): Là hình thức sáp nhập hoặc thâu tóm doanh nghiệp hoạt động trong cùng ngành, lĩnh vực kinh doanh để tăng cường sức mạnh cạnh tranh và thị phần của mình trên thị trường. 

– M&A dọc theo chuỗi cung ứng (Vertical M&A): Là hình thức sáp nhập hoặc thâu tóm các doanh nghiệp có cùng chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng nhưng khác biệt trong giai đoạn sản xuất để tạo ra hiệu quả kinh tế và tối ưu chi phí sản xuất.

– M&A chéo (Conglomerate M&A): Là hình thức sáp nhập hoặc thâu tóm các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực kinh doanh khác nhau để đa dạng hóa danh mục sản phẩm và dịch vụ, từ đó thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán hàng.

– M&A tái cơ cấu (Restructuring M&A): Là hình thức sáp nhập hoặc thâu tóm các doanh nghiệp đang gặp khó khăn tài chính hoặc hoạt động kém hiệu quả nhằm mục đích tái cơ cấu các hoạt động kinh doanh để nâng cao hiệu quả và sinh lời.

– M&A thế chấp (Leveraged Buyout – LBO): Có thể hiểu đơn giản là mua lại tài sản bằng vốn vay. Một doanh nghiệp sẽ sử dụng vốn vay để mua lại một doanh nghiệp và sử dụng tài sản của doanh nghiệp đó làm thế chấp cho khoản vay.

Làn Sóng Mua Bán Và Sáp Nhập Đang "Tăng Nhiệt" Trở Lại Trong Ngành F&B
Làn sóng mua bán và sáp nhập trong những năm trở lại đây đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết (Nguồn: Internet)
Xem thêm: Mixue Việt Nam “Chèn Ép” Và “Bóc Lột”, Các Chủ Đầu Tư Nhượng Quyền Phản Ứng Gay Gắt

2. Các thương vụ mua bán và sáp nhập đình đám trong ngành F&B

2.1. Thương vụ mua bán và sáp nhập đình đám giữa Masan và Phúc Long

Nhắc đến các thương vụ M&A đình đám trong ngành F&B thì chắc hẳn ai cũng sẽ nghĩ ngay đến thương vụ của Masan thâu tóm Phúc Long. Thậm chí, cuộc mua lại và sáp nhập này còn được bình chọn trong Top 10 Thương vụ M&A tiêu biểu nhất năm 2021 – 2022 tại Diễn đàn M&A 2022.

Theo đó, vào tháng 5/2021, Công ty TNHH The SHERPA (Công ty con sở hữu gián tiếp của Masan) lần đầu rót vốn vào Phúc Long với giao dịch 15 triệu USD (tương đương 346 tỷ đồng) để sở hữu 20% cổ phần của thương hiệu trà, cà phê này. Sau khi đầu tư, Masan đã triển khai thử nghiệm, đưa mảnh ghép Phúc Long vào các mô hình cửa hàng tích hợp bổ sung mảng F&B bên cạnh việc phục vụ nhu yếu phẩm từ WinMart+, dược phẩm, tài chính và viễn thông.

Thu được tín hiệu tích cực bước đầu, Masan tiếp tục bỏ ra 2.490 tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần Phúc Long lên 51%, chính thức trở thành công ty mẹ của thương hiệu trà, cà phê lâu đời tại Việt Nam. Chỉ sau một năm, Masan tiếp tục chi thêm 10,8 triệu cổ phiếu phổ thông, tương đương 34% lợi ích vốn chủ sở hữu của Công ty CP Phúc Long Heritage. Như vậy, sau ba lần rót vốn, tính đến nay, Masan đã nâng tỷ lệ sở hữu Phúc Long lên 85% với tổng đầu tư là 6.453 tỷ đồng.

Trước khi về với Masan, Phúc Long là thương hiệu trà, cà phê đình đám lâu đời nhưng chưa phủ sóng rộng rãi độ nhận diện của mình. Dưới sự điều hành của Masan, Phúc Long đã mở rộng hệ thống điểm bán từ 72 cửa hàng vào tháng 1/2022 lên 90 cửa hàng flagship và 751 kiosk Phúc Long tại các siêu thị WinMart, cửa hàng WinMart+ và WIN tính đến cuối tháng 9/2022. Tích hợp Phúc Long chính là bước đi chiến lược quan trọng của Masan, góp phần chuyển đổi mô hình cửa hàng đa tiện ích WIN thành điểm đến cho mọi nhu cầu thiết yếu hàng ngày và mọi lứa tuổi.

Nhờ chiến lược bài bản và năng lực quản trị hiệu quả, các doanh nghiệp được Masan mua đều tăng trưởng, riêng Phúc Long được xem là “gà đẻ trứng vàng” trong hệ sinh thái Masan. Giới đầu tư trong ngành F&B nhận định, thương vụ Masan thâu tóm Phúc Long chính là khởi đầu cho một giai đoạn mới của thị trường F&B trong nước. Theo đó, trật tự mới được thiết lập và hình thành nên làn sóng gọi vốn trong năm 2023.

Làn Sóng Mua Bán Và Sáp Nhập Đang "Tăng Nhiệt" Trở Lại Trong Ngành F&B
Phúc Long được xem là “gà đẻ trứng vàng” trong hệ sinh thái Masan (Nguồn: Internet)
Xem thêm: Review Menu Phúc Long: Checklist Các Món Bán Chạy Tại Phúc Long

2.2. Coca-Cola Việt Nam vào tay Tập đoàn Swire Pacific

Vào đầu năm nay, ngày 2/1/2023, Swire Coca-Cola Limited, công ty con 100% vốn của Tập đoàn Swire Pacific Ltd đã công bố về việc hoàn tất các thủ tục pháp lý quá trình mua lại Công ty TNHH Nước Giải Khát Coca-Cola Việt Nam – Công ty nhượng quyền đóng chai của Coca-Cola tại Việt Nam và nhận được sự phê duyệt của các cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam sau 5 tháng thực hiện thương vụ mua bán và sáp nhập này.

Giao dịch này là khoản đầu tư thứ hai của Swire Coca-Cola Limited vào Đông Nam Á, tiếp nối giao dịch mua lại Công ty TNHH Nước Giải Khát Campuchia diễn ra trước đó vào tháng 11/2022. Giá trị của thương vụ không được tiết lộ. Tuy nhiên, vào tháng 7/2022, trang thông tin Bloomberg đưa tin Tập đoàn Swire Pacific theo đuổi kế hoạch thâu tóm hoạt động sản xuất của Coca-Cola tại Việt Nam và Campuchia với giá hơn 1 tỷ USD và dự kiến sẽ hoàn tất thương vụ trong 6 tháng. Nhìn vào thực tế sau khi Swire Coca-Cola Limited hoàn tất mua lại Công ty TNHH Nước Giải Khát Coca-Cola Việt Nam khá khớp với thông tin được tiết lộ.

Như vậy, Swire Coca-Cola Limited sẽ trở thành doanh nghiệp sở hữu và vận hành 3 cơ sở sản xuất nước giải khát cùng với 18 dây chuyền sản xuất, và 6 trung tâm phân phối tại Việt Nam. Đồng thời, Swire Coca-Cola Limited cũng sử dụng lực lượng lao động cả trực tiếp và gián tiếp lên đến hơn 3.500 người.

Đáng chú ý, Swire Pacific – công ty mẹ của Swire Coca-Cola Limited là tập đoàn đa ngành đã và đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như hàng không, bất động sản, dịch vụ hàng hải và thương mại, cũng như công nghiệp. Năm ngoái, đồ uống chính là mảng kinh doanh đóng góp doanh thu nhiều nhất cho Swire khi chiếm đến 58% tổng doanh thu và đạt 6,8 tỷ USD. 

Việc hoàn tất chuyển nhượng cũng phản ánh việc Swire Coca-Cola Limited sẽ tiếp tục theo đuổi tầm nhìn chiến lược đối với việc mở rộng dấu ấn tại khu vực Đông Nam Á, vốn được biết đến là một khu vực năng động, sôi nổi với tiềm năng tăng trưởng to lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực nước giải khát đang phát triển vô cùng mạnh mẽ.

Làn Sóng Mua Bán Và Sáp Nhập Đang "Tăng Nhiệt" Trở Lại Trong Ngành F&B
Swire Coca-Cola Limited hoàn tất thủ tục mua lại Coca-Cola Việt Nam (Nguồn: Internet)

2.3. Tập đoàn KIDO sẽ mua chi phối 70% bánh bao Thọ Phát trong năm nay

Vào tháng 8 vừa qua, tập đoàn KIDO cho biết đã hoàn tất giao dịch theo từng giai đoạn và hiện chiếm tỉ lệ 51% tại Công ty sở hữu thương hiệu bánh bao Thọ Phát. Giao dịch này nằm trong kế hoạch đã được tập đoàn KIDO thông tin từ trước. Cụ thể, KIDO sẽ đầu tư để nắm quyền chi phối tại công ty sở hữu Thương hiệu Thọ Phát thông qua 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ hoàn tất mua 25% cổ phần. Giai đoạn 2, KIDO sẽ mua đến 51% và tối đa lên đến 70% để chi phối và sở hữu thương hiệu này.

Trên thực tế, bánh bao từng là một mảnh ghép mà KIDO thèm muốn lâu nay. Ngay từ cuối năm 2015, tập đoàn đã bước đầu thử sức trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, khi tự bắt tay vào sản xuất và phân phối, KIDO đã gặp nhiều khó khăn và thách thức, tập đoàn quyết định thay đổi chiến lược bằng hình thức mua bán và sáp nhập. Thương hiệu bánh bao Thọ Phát chính là mục tiêu của KIDO trong chiến lược mở rộng lĩnh vực kinh doanh. 

Với thương vụ M&A này, KIDO cho biết sẽ sử dụng thương hiệu Thọ Phát kết hợp cùng mảng bánh hiện tại của mình, dự kiến mang về doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận 200 tỷ đồng trong năm 2023. Đây được xem là bước đi chiến lược để tập đoàn KIDO hiện thực hóa mục tiêu xếp thứ 2 ngành chế biến bánh Việt Nam trong tương lai, chỉ sau Mondelez Kinh Đô Việt Nam (thuộc tập đoàn Mondelēz International, Hoa Kỳ) khi mục tiêu này đã bị trì hoãn trong 2 năm đại dịch COVID-19 vừa qua.

Về định hướng của mảng M&A, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KIDO cho biết năm nay tạm thời sẽ chỉ mua lại chi phối thương hiệu bánh bao Thọ Phát, tập đoàn cũng đang tìm cơ hội mua lại những doanh nghiệp khác cả trong và ngoài nước, nhất là những doanh nghiệp thực phẩm. Đồng thời, đại diện lãnh đạo KIDO cũng tiết lộ tập đoàn hiện đang ký kết với một số đối tác để tiến hành các thương vụ M&A khác nhưng sẽ công bố sau khi hoàn tất.

Làn Sóng Mua Bán Và Sáp Nhập Đang "Tăng Nhiệt" Trở Lại Trong Ngành F&B
Trong năm nay, KIDO sẽ nâng tối đa sở hữu lên 70% cổ phần để chi phối Thọ Phát (Nguồn: Internet)

Hoạt động mua bán và sáp nhập ngày nay đang dần phổ biến hơn, bao gồm cả trong ngành F&B. Có thể thấy, sau các cuộc giao dịch mua bán và sáp nhập thì các doanh nghiệp đã ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tích cực. Hứa hẹn ngành F&B sẽ được chứng kiến thêm nhiều thương vụ M&A khác trong tương lai. 

Xem thêm: Review Chất Lượng Quán Phở Của Chi Pu Tại Trung Quốc
Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img