Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeCẩm nangKinh Nghiệm Mở Quán Cơm Bình Dân Đông Khách Lãi Cao

Kinh Nghiệm Mở Quán Cơm Bình Dân Đông Khách Lãi Cao

Mở quán cơm bình dân luôn là một trong những lựa chọn kinh doanh vô cùng lý tưởng bởi mô hình này sở hữu tệp khách hàng lớn, không cần đầu tư vốn nhiều nhưng lại có khả năng sinh lời cao. Tuy nhiên, mặc dù đây là một mô hình nhỏ lẻ, song không phải ai cũng nắm rõ quy trình vận hành và làm thế nào để tối ưu chi phí tốt nhất. Do vậy, bạn vẫn cần có chiến lược kinh doanh cẩn thận và nắm rõ các quy trình cần thiết để đảm bảo mở quán cơm bình dân thành công.

1. Tìm hiểu nhu cầu khách hàng khi mở quán cơm bình dân

Cơm bình dân, hay còn được gọi với nhiều cái tên quen thuộc khác như cơm bụi, cơm tiệm, cơm tự chọn, cơm giá rẻ,… là lựa chọn ăn uống vô cùng phổ biến, nhất là với học sinh sinh viên, nhân viên văn phòng, hay người lao động chân tay bởi giá rẻ và thực đơn phong phú. Thông thường, cơm bình dân sẽ có giá từ 25.000-35.000 đồng/suất bao gồm một phần đầy đủ có cơm, món mặn, rau ăn kèm, và canh. Các món ăn trong quán cơm bình dân rất đa dạng với nhiều cách chế biến khác nhau và được làm mới theo ngày. Chính vì thế, các quán cơm bình dân thường rất đông khách và luôn đảm bảo được doanh thu ổn định. 

Với văn hóa ẩm thực đường phố như Việt Nam thì quán cơm bình dân có thể được tìm thấy tại bất cứ cung đường nào, nhưng phần lớn sẽ tập trung tại các khu vực có lưu lượng khách hàng đông đúc như khu dân cư, trường học, văn phòng, bệnh viện, hoặc các khu công nghiệp, công trường,… Tuy nhiên, dù ngon, rẻ, và sở hữu lượng khách đông gần như mỗi ngày, nhưng cũng có không ít khách hàng lo ngại về vấn đề tiêu chuẩn an toàn thực phẩm tại các quán cơm bình dân. Hầu hết các quán cơm bình dân hiện nay đều chưa có quy trình kiểm soát an toàn thực phẩm bài bản và cũng không thật sự chú trọng quá nhiều đến vấn đề này. Nếu bạn muốn mở quán cơm bình dân thì đây sẽ là một trong những yếu tố cần quan tâm hàng đầu để đảm bảo hoạt động kinh doanh có thể phát triển bền vững, lâu dài.

Kinh Nghiệm Mở Quán Cơm Bình Dân Đông Khách Lãi Cao
Mở quán cơm bình dân là ý chọn kinh doanh được nhiều người lựa chọn (Nguồn: Internet)

2. Mở quán cơm bình dân có lãi không?

Hầu hết mọi người đều có thể thưởng thức cơm bình dân bởi chúng đều là các món ăn quen thuộc trong mỗi bữa cơm gia đình, phù hợp cho mọi phân khúc khách hàng khác nhau, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình, thấp, sống độc thân, và ít có thời gian nấu nướng. Khách dùng bữa buổi trưa hoàn toàn có thể quay lại dùng bữa tối và tiếp tục vào các ngày sau đó. Chính vì thế, các quán cơm bình dân lúc nào cũng có lượng khách quay lại khá đông, giúp các chủ quán duy trì được hoạt động kinh doanh của mình với doanh số bán hàng ổn định.

Bên cạnh đó, mở quán cơm bình dân cũng không cần phải đầu tư quá nhiều vốn như các mô hình kinh doanh nhà hàng có quy mô lớn. Chi phí mở quán cơm bình dân chỉ dao động trong khoảng 30-40 triệu đồng, dùng vào đầu tư cơ sở vật chất cho quán, bảng hiệu, thuê nhân viên, và các tiện ích như điện, nước,… Nếu như có sẵn mặt bằng thì bạn còn có thể tiết kiệm thêm một phần chi phí dành cho thuê nhà. Đặc biệt, mở quán cơm bình dân có thời gian thu hồi vốn tương đối ngắn, gần như chỉ sau một ngày bán hàng là bạn đã có thể tính toán được tình hình lời lãi của mình như thế nào. 

Có thể nói, chỉ cần bạn biết cách tính toán và cân đối thu chi thì không khó để kinh doanh có lời khi mở quán cơm bình dân, thậm chí là lãi rất cao và không lo lỗ. Ví dụ với mỗi suất cơm, người bán thu lời từ 10.000-15.000 đồng, mỗi ngày bán được 100 suất trở lên tương đương với lãi từ 1-1,5 triệu đồng. Tất nhiên mức lãi sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như quán cơm mở bán cả ngày hay chỉ bán vào buổi trưa, những ngày cuối tuần có thể bán được ít suất cơm hơn do nhân viên văn phòng không đi làm,… Dù vậy, mức lãi khi mở quán cơm bình dân vẫn có thể rơi vào khoảng hơn chục triệu đồng mỗi tháng, là một khoản “hời” hấp dẫn với bất kỳ ai kinh doanh.  

Kinh Nghiệm Mở Quán Cơm Bình Dân Đông Khách Lãi Cao
Mở quán cơm bình dân sở hữu tệp khách hàng lớn, vốn ít và khả năng sinh lời cao (Nguồn: Internet)

3. Kinh nghiệm mở quán cơm bình dân đông khách lãi cao

3.1. Lên kế hoạch mở quán cơm bình dân

Chuẩn bị vốn kinh doanh: Như đã nói thì với số vốn chỉ khoảng 30-40 triệu đồng là bạn đã có thể mở quán cơm bình dân. Khoản đầu tư này sẽ dùng để trang bị cơ sở vật chất cho quán, nguyên vật liệu, thuê nhân viên, và các tiện ích khác như điện, nước,… Tuy nhiên, bạn vẫn cần có kế hoạch chi tiêu cụ thể cho từng hạng mục, nên chi cho những mục nào và bao nhiêu là đủ, tránh những khoản đầu tư không cần thiết và có khoản ngân sách dự trù để kịp thời ứng phó cho các trường hợp chi phí phát sinh.

Lựa chọn hình thức kinh doanh: Ngoài mở quán cơm bình dân theo hình thức cửa hàng vật lý, thì bạn còn có thể kết hợp cùng kinh doanh trực tuyến trên facebook, website, và các bên ứng dụng giao hàng thứ ba để có thêm nguồn doanh thu cho mình. Đặc biệt, với những chủ quán không có nhiều ngân sách để thuê mặt bằng hay tuyển dụng nhân viên thì kinh doanh online sẽ càng hợp lý hơn cả. Đối với kinh doanh cửa hàng vật lý, bạn sẽ cần lựa chọn mặt bằng thuận tiện lưu thông, đảm bảo dễ tiếp cận khách hàng và kinh doanh hiệu quả. Còn với kinh doanh online, bạn sẽ cần lựa chọn kênh trực tuyến phù hợp, cân nhắc khi hợp tác với bên giao hàng thứ ba để tính toán phần chiết khấu và doanh thu sao cho không ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh.

Xem thêm: Top App Đặt Đồ Ăn Online Giá Rẻ, Nhiều Ưu Đãi Cho Các Chủ Quán

3.2. Xây dựng thực đơn cho quán cơm bình dân

Lựa chọn món ăn cho thực đơn: Đối với quán cơm bình dân thì việc lên thực đơn khá đơn giản, chủ yếu đều là các món ăn quen thuộc như bữa cơm gia đình hàng ngày. Bạn nên chọn những món phổ biến, dễ nấu và hợp khẩu vị với hầu hết mọi người để tối đa hiệu quả kinh doanh. Điều quan trọng là các món ăn phải được cân đối khẩu phần, nguyên liệu dễ nhập với giá cả phải chăng để đảm bảo kinh doanh có lời.

Định giá cho thực đơn: Các suất cơm bình dân thường có giá từ 25.000-35.000 đồng/suất tùy theo yêu cầu gọi món của khách hàng. Tuy nhiên, để thuận tiện cho việc tính nhanh suất cơm thì chủ quán nên hoạch định rõ ràng giá cho từng món ăn, và mỗi phần cơm hay món mặn thêm sẽ có giá bao nhiêu. Ngoài ra, nếu kết hợp cùng kinh doanh online thì bạn cũng cần định giá cho thực đơn trực tuyến của mình. Giá của thực đơn trực tuyến có thể sẽ chênh lệch đôi chút so với thực đơn bán tại quán để đảm bảo sau khi chiết khấu cho bên đối tác thứ ba hoặc cho đội ngũ giao hàng thì phần doanh thu còn lại vẫn đủ lợi nhuận cho quán. 

Kinh Nghiệm Mở Quán Cơm Bình Dân Đông Khách Lãi Cao
Menu cơm bình dân khá đa dạng và phù hợp với hầu hết mọi đối tượng khách hàng (Nguồn: Internet)
Xem thêm: Làm Thế Nào Để Thiết Lập Dịch Vụ Đặt Món Trực Tuyến Cho Nhà Hàng?

3.3. Các thủ tục pháp lý khi mở quán cơm bình dân

Một số giấy tờ quan trọng để đảm bảo bạn kinh doanh theo đúng luật pháp nhà nước khi mở quán cơm bình dân như:

Giấy phép đăng ký kinh doanh: Bạn có thể chuẩn bị đầy đủ hồ sơ bao gồm giấy đề nghị đăng ký kinh doanh, thông tin cá nhân của người đại diện, và hợp đồng thuê nhà (nếu có) rồi gửi đến UBND quận, huyện, thành phố của mình. Thông thường, các hồ sơ đăng ký sẽ được cơ quan xét duyệt trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.

Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm: Không chỉ riêng gì mở quán cơm bình dân, mà với bất kỳ hoạt động kinh doanh F&B nào cũng đều cần giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm. Để có được giấy phép chứng nhận này, bạn cần nộp hồ sơ đầy đủ thông tin cần thiết đến chi cục, cục an toàn vệ sinh thực phẩm và đóng lệ phí theo quy định. Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ đến kiểm tra thực tế điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại quán của bạn và cấp giấy phép nếu xác nhận đạt chuẩn. Ngược lại, nếu cơ sở chưa đạt chuẩn sẽ được thẩm định lại trong vòng 3 tháng, hoặc đề xuất đình chỉ hoạt động hoàn toàn nếu liên tục không đạt yêu cầu.

Đây là hai loại giấy phép quan trọng nhất khi mở quán cơm bình dân, ngoài ra có thể vẫn sẽ còn một số giấy tờ khác bạn cần chuẩn bị thêm theo yêu cầu của địa phương. Đồng thời, bạn cũng nên tìm hiểu kỹ về các khoản thuế như thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, và thuế thu nhập cá nhân để kinh doanh thuận lợi.

3.4. Quảng bá cho quán cơm bình dân

Quảng bá trên mạng xã hội: Tuy rằng khi mở quán cơm bình dân, đối tượng khách hàng của bạn chủ yếu người dân tại khu vực, thế nhưng quảng bá trên mạng xã hội cũng có thể giúp bạn nâng cao doanh số bán hàng hiệu quả khi mở rộng phạm vi tiếp cận của mình. Rất nhiều chủ quán ngày nay biết cách tận dụng sức lan tỏa của mạng xã hội để thúc đẩy kinh doanh, điển hình như ngay cả những sạp nhỏ ngoài chợ cũng nhờ các bài livestream trên Facebook hay TikTok mà bán được nhiều hơn.

Tạo các chương trình khuyến mại: Mở quán cơm bình dân với giá chỉ 25.000-35.000 đồng/suất thì việc tạo các chương trình khuyến mãi có thể khiến bạn giảm bớt lợi nhuận của mình. Do vậy, bạn có thể không cần thực hiện các chương trình khuyến mãi thường xuyên, nhưng vào những dịp đặc biệt như khai trương hay lễ, tết thì việc khuyến mãi sẽ phần nào giúp tăng trải nghiệm khách hàng. Khi “tiếng lành đồn xa” thì khách hàng có thể rủ thêm bạn bè, đồng nghiệp hoặc người thân của mình đến dùng bữa tại quán của bạn, việc kinh doanh cũng trở nên tốt đẹp hơn.

Hợp tác với ứng dụng giao hàng: Xuất hiện trên các nền tảng của bên thứ ba thì bạn không chỉ nâng cao doanh số bán hàng, mà còn tiết kiệm được đáng kể chi phí và công sức quảng bá. Tùy thuộc vào quy mô mà bạn có thể đăng ký bán hàng trên nhiều ứng dụng để tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và tối đa nguồn doanh thu của mình.

Kinh Nghiệm Mở Quán Cơm Bình Dân Đông Khách Lãi Cao
Hợp tác cùng các ứng dụng giao hàng sẽ nâng cao doanh số bán hàng hiệu quả hơn (Nguồn: Internet)

3.5. Quản lý quán cơm bình dân

Quản lý đội ngũ nhân viên: Thông thường, khi mở quán cơm bình dân sẽ không cần tuyển dụng quá nhiều nhân viên phục vụ. Đa số khách hàng đều sẽ gọi món ngay tại quầy nên chỉ cần 1-2 người đứng quầy, và thêm 1-2 nhân viên phục vụ là đủ. Số lượng nhân viên sẽ tùy thuộc vào quy mô kinh doanh của bạn, chẳng hạn nếu kết hợp cùng kinh doanh online sẽ cần số lượng nhân viên nhiều hơn để đảm bảo phục vụ khách hàng nhanh chóng và chu đáo.

Quản lý dòng tiền: Hầu hết các quán cơm bình dân hiện nay vẫn còn áp dụng hình thức quản lý dòng tiền thủ công, tính nhẩm và ghi chép trên sổ sách. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ hiện đại thì việc đầu tư vào phần mềm quản lý bán hàng sẽ tối ưu quy trình vận hành và kiểm soát tài chính của quán đạt hiệu quả cao hơn. Đặc biệt vào những giờ cao điểm đông khách thì sự hỗ trợ từ các phần mềm bán hàng sẽ giúp thanh toán nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo chính xác và dễ dàng kiểm tra lại hoạt động thu chi vào cuối ngày.

Xem thêm: Lựa Chọn Đúng Hệ Thống Máy POS Để Quản Lý Nhà Hàng Hiệu Quả

Mở quán cơm bình dân là lựa chọn lý tưởng cho bất kỳ ai muốn bắt đầu kinh doanh F&B nhờ vào ngân sách đầu tư thấp nhưng lại có thời gian thu hồi vốn ngắn và khả năng sinh lời cao. Tuy nhiên, kinh doanh chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là với những người chưa có kinh nghiệm. Do vậy, để mở quán cơm bình dân thành công, bạn sẽ cần có kế hoạch kinh doanh rõ ràng, chuẩn bị đầy đủ các thủ tục cần thiết và biết cách quản lý quán hiệu quả. Hy vọng với bài viết này sẽ giúp bạn trang bị sẵn sàng cho mình những yếu tố cần thiết trước khi bước vào kinh doanh. 

Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img