Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeChuyển động"Vén Màn" Nguyên Do Ngành F&B Việt Nam Vẫn Bùng Nổ Bất...

“Vén Màn” Nguyên Do Ngành F&B Việt Nam Vẫn Bùng Nổ Bất Chấp Suy Thoái Kinh Tế

Từ cuối năm 2022 đến nay, tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu đã giáng đòn mạnh mẽ đến tất cả các ngành, bao gồm cả ngành F&B Việt Nam cũng không nằm ngoài những biến động này. Tâm lý thắt chặt chi tiêu được phản ánh rõ nét ở cả thị trường bán lẻ, tiêu dùng nói chung và thị trường ngành F&B nói riêng. Nhất là trong những tháng đầu năm 2023, ngành F&B Việt Nam đã phải đối diện với vô vàn thách thức hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, bức tranh tổng quan của ngành F&B Việt Nam không chỉ toàn những cơn gió nghịch, đâu đó vẫn ghi nhận sự mở rộng nhanh chóng của các chuỗi hàng đầu. 

1. Ngành F&B Việt Nam nửa đầu 2023: Quá nửa doanh nghiệp lớn giảm doanh thu

Vào tháng 8 vừa qua, iPOS.vn – công ty chuyên sản xuất, kinh doanh các giải pháp phần mềm và phần cứng trong lĩnh vực ngành F&B đã công bố kết quả khảo sát tình hình thị trường F&B Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023. Khảo sát được thực hiện trên 137 đơn vị kinh doanh trong ngành F&B Việt Nam phân bố tại nhiều tỉnh thành trên cả nước nhưng tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM.

Theo đó, ngành F&B Việt Nam đang chứng kiến sự suy giảm đáng đáng kể khi chỉ có 29,9% doanh nghiệp được khảo sát ghi nhận doanh thu tăng trưởng trong 6 tháng vừa qua, 29,9% doanh nghiệp gần như giữ nguyên doanh thu với cùng kỳ năm ngoái, và có đến 40,1% doanh nghiệp đối mặt với lượng doanh thu giảm, tập trung hầu hết ở các mô hình kinh doanh lớn (chiếm tới 63,6%). Trong khi đó, nếu chỉ xét trên các doanh nghiệp quy mô nhỏ thì báo cáo lại ghi nhận có 33% doanh nghiệp đạt mức doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quy mô ghi nhận tín hiệu tích cực nhất trong 6 tháng đầu năm 2023.

"Vén Màn" Nguyên Do Ngành F&B Việt Nam Vẫn Bùng Nổ Bất Chấp Suy Thoái Kinh Tế
Tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu đã giáng đòn mạnh mẽ ngành F&B Việt Nam (Nguồn: Internet)

Về quy mô hoạt động, cũng trong khảo sát 6 tháng đầu năm 2023 của iPOS.vn, có 63,5% doanh nghiệp vẫn duy trì ổn định số lượng cửa hàng trong hệ thống, 26,3% doanh nghiệp mở thêm chi nhánh mới, và 5,8% doanh nghiệp thừa nhận phải đóng cửa ít nhất một chi nhánh trong 6 tháng vừa qua. Hầu hết các doanh nghiệp hiện tại đều đang gồng mình trước sức ép của nền kinh tế để vượt qua giai đoạn khó khăn và hướng tới mùa lễ hội cuối năm.

“Mức chi tiêu gần như giữ nguyên, nhưng doanh thu các cửa hàng F&B giảm, đặc biệt là doanh nghiệp lớn. Chỉ 38% doanh nghiệp nhỏ có doanh thu giảm, nhưng tới 62% doanh nghiệp lớn có doanh thu giảm. Điều này có nghĩa rằng, khách hàng hạn chế sử dụng dịch vụ cao cấp, hướng tới trải nghiệm dịch vụ bình dân”, chuyên gia iPOS.vn nhận định.

Xem thêm: Khủng Hoảng Nhượng Quyền Thương Hiệu Và Những Điều “Xưa Như Diễm” Nhưng Ai Cũng Quên

2. Các chuỗi hàng đầu đua nhau mở cửa hàng mới

Mặc dù tình hình kinh doanh của ngành F&B trong năm qua có nhiều diễn biến trầm lắng, thế nhưng từ khảo sát của iPOS.vn với con số 26,3% doanh nghiệp mở thêm chi nhánh mới cũng cho thấy thị trường F&B Việt Nam không chỉ toàn sắc xám. Dù vậy, hầu hết các doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô trong năm nay đều là những thương hiệu chuỗi hàng đầu như Trung Nguyên Legend, Katinat Saigon Kafe, Phê La, Highlands Coffee, Golden Gate,… 

Theo đó, đáng chú ý nhất chắc chắn phải kể đến thương hiệu cà phê vô cùng nổi tiếng với giới trẻ Sài thành là Katinat Saigon Kafe đã có màn Bắc tiến đầy ấn tượng với 3 cửa hàng được mở liên tiếp chỉ trong vòng 5 tháng, cả ba đều tọa lạc tại khu vực trung tâm của thủ đô bao gồm Katinat Tây Hồ, Katinat Hoàn Kiếm và Katinat Ba Đình. Hay với chuỗi trà sữa đặc sản Phê La cũng vừa có màn ra mắt tại Đà Nẵng “gây chấn động” mạng xã hội khi thu về hàng nghìn lượt tương tác. 

"Vén Màn" Nguyên Do Ngành F&B Việt Nam Vẫn Bùng Nổ Bất Chấp Suy Thoái Kinh Tế
Dù chịu nhiều ảnh hưởng nhưng các chuỗi hàng đầu vẫn không ngừng mở rộng quy mô (Nguồn: Internet)

Không chỉ có thị trường trong nước, các thương hiệu F&B Việt Nam còn “làm nên chuyện” tại cả thị trường quốc tế, điển hình như Trung Nguyên Legend vừa khai trương Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend thứ 2 tại Trung Quốc vào tháng 7, và Cộng Cà Phê khai trương chi nhánh mới tại Canada vào tháng 10, đồng thời đánh dấu cột mốc 20 cửa hàng quốc tế của thương hiệu cà phê thuần Việt này. 

Ngoài các thương hiệu Việt, xu hướng nhượng quyền các thương hiệu nước ngoài cũng vô cùng nở rộ trong năm qua, góp phần làm nên sự bùng nổ cho thị trường F&B Việt Nam. Đơn cửa có thể kể đến Mixue – chuỗi cửa hàng trà và kem tươi đến từ Trung Quốc vào tháng 5 vừa qua đã công bố Mixue Việt Nam chính thức cán mốc 1.000 cửa hàng sau gần 5 năm hoạt động tại nước ta kể từ năm 2019.

Có thể thấy, dù chịu nhiều thách thức từ sức ép của nền kinh tế toàn cầu nói chung cũng như nền kinh tế trong nước nói riêng, thị trường F&B Việt Nam vẫn ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Đặc biệt, phần lớn các doanh nghiệp được iPOS.vn khảo sát (80,3%) cho biết có sức khỏe tài chính tốt, đủ sức duy trì và phát triển trong nửa cuối năm.

"Vén Màn" Nguyên Do Ngành F&B Việt Nam Vẫn Bùng Nổ Bất Chấp Suy Thoái Kinh Tế
Thị trường F&B Việt Nam vẫn ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc trong năm 2023 (Nguồn: Internet)
Xem thêm: Điểm Mặt Các Cửa Hàng Vừa Mở Đã Hot Của Các Thương Hiệu Cà Phê Việt Trong Năm 2023

3. Đằng sau sự bùng nổ bất chấp suy thoái kinh tế của ngành F&B Việt Nam

Nửa đầu năm 2023, ngành F&B Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn do người tiêu dùng lúc bấy giờ vẫn đang tập thích nghi với sự ảnh hưởng của tình hình suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, đến nửa cuối năm 2023 khi mọi thứ dần được kiểm soát tốt hơn thì ngành F&B Việt Nam cũng theo đó bắt được nhiều tia khả quan. Hơn hết, nhờ lợi thế về dân số trẻ và mức thu nhập khả dụng tăng là nguyên nhân chính thúc đẩy thị trường F&B Việt Nam bùng nổ. Việt Nam đang là nước có dân số thuộc tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh và lực lượng dân số trẻ khá lớn.

Trong một nghiên cứu năm 2018 của PwC – “gã khổng lồ” kiểm toán toàn cầu đã dự báo dân số thuộc tầng lớp trung lưu của Việt Nam có thể đạt 44 triệu người vào năm 2020, và đến năm 2030, quy mô tầng lớp trung lưu của Việt Nam được dự báo sẽ đạt con số 95 triệu người. Dân số tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của Việt Nam cũng phản ánh tốc độ tăng trưởng GDP kép hàng năm của đất nước là 5% trong 20 năm qua, nhanh hơn 1,7 lần so với mức trung bình toàn cầu. Do vậy mà bất chấp sự thụt lùi của đại dịch, Fitch Solutions – cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu vẫn kỳ vọng thu nhập khả dụng của Việt Nam sẽ tiếp tục trên đà tăng trưởng này trong năm 2020 – 2024.

Khi tầng lớp trung lưu của Việt Nam phát triển và thu nhập khả dụng của tất cả các thành phần dân cư tăng lên, điều này đồng nghĩa ngân sách dành cho thực phẩm, chỗ ở và các tiện ích mở rộng cũng tăng lên, khả năng chi tiêu lớn hơn sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu trong ngành thực phẩm và đồ uống. Đặc biệt là ăn uống bên ngoài đang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam, thậm chí ở một mức độ nào đó còn đóng vai trò như một phần thiết yếu trong cuộc sống hiện đại của mỗi người. 

"Vén Màn" Nguyên Do Ngành F&B Việt Nam Vẫn Bùng Nổ Bất Chấp Suy Thoái Kinh Tế
Tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh đem lại nhiều cơ hội cho ngành F&B Việt Nam (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, Việt Nam đang là nước có xu hướng phát triển Internet mạnh mẽ với hơn 77 triệu người dùng, chiếm khoảng 79% dân số, trong đó số lượng người dùng Internet sử dụng mạng xã hội cũng đạt con số 70 triệu, tương đương với 71% tổng dân số. Với lối sống và chuẩn mực văn hóa xã hội đang dần thay đổi, trở nên hiện đại và nhạy bén hơn cũng đã hình thành cho người dùng Việt thói quen luôn chia sẻ trải nghiệm của mình trên các nền tảng mạng xã hội. Chính điều này đã thôi thúc các thương hiệu F&B Việt Nam luôn tìm cách sáng tạo, nắm bắt thị hiếu của công chúng để đưa thương hiệu mình trở nên viral hơn trên các phương tiện truyền thông đại chúng. 

Cuối cùng, theo một báo cáo của Dezan Shira & Associates- công ty tư vấn đầu tư toàn cầu cho biết, người tiêu dùng Việt đã chi một phần lớn thu nhập của họ cho nhu cầu ăn uống. Cụ thể, ước tính cho thấy khoảng từ 20% đến 48% thu nhập hộ gia đình đều được dùng để chi tiêu vào thực phẩm và đồ uống. Ngoài ra, du lịch cũng đóng góp đáng kể cho ngành F&B Việt Nam với trung bình khách du lịch chi 23,7% ngân sách của họ cho đồ ăn thức uống khi ở Việt Nam.

Tất cả những điều này đang cho thấy sự bùng nổ của các chuỗi cửa hàng ăn uống tại Việt Nam và cũng đang tác động tích cực đến tăng trưởng của ngành, bất chấp sự suy thoái kinh tế toàn cầu.

"Vén Màn" Nguyên Do Ngành F&B Việt Nam Vẫn Bùng Nổ Bất Chấp Suy Thoái Kinh Tế
Dân số trẻ là những đối tượng có đóng góp lớn cho sự bùng nổ của ngành F&B Việt Nam (Nguồn: Internet)

Mặc dù nền kinh tế đã trải qua một năm 2023 đầy biến động và dự báo vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với những cơn gió nghịch mới vào năm 2024, thế nhưng nhìn chung ngành kinh doanh F&B đang là một trong những ngành hàng tiêu dùng rất có tiềm năng phát triển tại thị trường Việt Nam. Việc tái khôi phục, nắm bắt xu hướng thị trường, cũng như duy trì được nhu cầu của người tiêu dùng sẽ là chìa khóa quan trọng với quá trình hồi sinh của ngành F&B Việt Nam, nhất là trong giai đoạn suy thoái như hiện nay. 

Xem thêm: Đón Đầu Những Xu Hướng Kinh Doanh F&B 2024 Để Thúc Đẩy Doanh Thu Hiệu Quả
Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img