Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeCẩm nangBài Học Nào Cho Các Chủ Quán Từ Sự Việc Tứ Phủ...

Bài Học Nào Cho Các Chủ Quán Từ Sự Việc Tứ Phủ 15 Tỷ Đồng Đóng Cửa Sau Một Năm?

Giữa thị trường cà phê đang dần trở nên bão hòa, thì sự xuất hiện của Tứ Phủ – một quán cà phê “chịu chi” đầu tư lên đến 15 tỷ đồng và đi theo phong cách tín ngưỡng thờ Mẫu đã thành công thu hút sự chú ý từ công chúng, cũng như những người trong ngành. Ngay từ những ngày đầu chính thức hoạt động, Tứ Phủ đã nhanh chóng “làm mưa làm gió” trên các trang mạng xã hội, trở thành điểm check-in siêu hot với các bạn trẻ. Tưởng chừng sẽ ăn nên làm ra, thế nhưng chỉ một năm sau đó, Tứ Phủ phải chịu cảnh treo bảng trả mặt bằng và đóng cửa vĩnh viễn.

Vậy, nguyên do gì khiến một quán cà phê được đầu tư 15 tỷ vẫn vấp phải thất bại đau đớn? Và bài học nào cho các chủ quán từ sự việc này? Câu trả lời sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây. 

1. Tứ Phủ Coffee – là cái tên mới nhưng dám “chơi lớn” đầu tư lên đến 15 tỷ đồng

Từng là “hiện tượng” trên các nền tảng mạng xã hội vào đầu năm 2023 nhờ vào các đoạn video của chủ quán chia sẻ về câu chuyện đầu tư 15 tỷ đồng, Tứ Phủ Coffee bỗng trở thành một điểm đến mới lạ, thú vị, được nhiều bạn trẻ đến thưởng thức món ăn, đồ uống và đặc biệt là không gian được thiết kế theo phong cách chủ đạo vô cùng độc đáo.

Theo đó, quán Tứ Phủ Coffee tọa lạc tại địa chỉ 252 đường Điện Biên Phủ, quận 3, TP. HCM với diện tích mặt bằng rộng 400m2 cho cả không gian bên trong và bên ngoài. Tứ phủ sở hữu bốn tầng được chia thành bốn phủ, phù hợp với tên gọi Tứ phủ của mình bao gồm Địa phủ, Thủy phủ, Thiên phủ, Nhạc phủ. Toàn bộ các bức tường đều được phủ kín họa tiết rồng, hạc, trời mây, hoa văn dân tộc và các vị Thánh mẫu do 10 nghệ nhân trong nước vẽ tay và sơn trong nhiều tháng. Thêm nữa, quán cũng thường mở nhạc thiền hoặc nhạc chầu văn, khiến cho không gian đã huyền bí càng thêm phần ma mị. 

Bà Hoàng Phú – chủ nhân của Tứ Phủ Coffee chia sẻ mình sẵn sàng đầu tư một số tiền lớn lên đến 15 tỷ đồng để mở quán vì bà nhận thấy trên thị trường hiện đang thiếu những quán cà phê theo concept văn hóa, nghệ thuật dân gian. Tuy nhiên, trong một video đăng trên TikTok, bà thừa nhận không có nhiều kinh nghiệm vận hành và phải “gồng lỗ” vài trăm triệu hàng tháng. 

Để đối phó với tình hình này, Tứ Phủ Coffee đã phải kết hợp kinh doanh thêm mô hình nhà hàng chay, cho thuê Việt phục, bán vòng tay phong thủy, và giảm giá bán đồ uống nhưng vẫn không đạt được hiệu quả kinh doanh mong đợi. Không những vậy, bà Hoàng Phú còn từng tuyên bố tặng 10% cổ phần trong Tứ Phủ Coffee và 25 triệu đồng hàng tháng để tìm cộng sự hỗ trợ quản lý quán.

Bất chấp những nỗ lực cứu vãn hình tình kinh doanh, vào đầu tháng 7 vừa qua, trước cửa quán Tứ Phủ Coffee bất ngờ treo biển “cho thuê nhà nguyên căn”. Trên tài khoản mạng xã hội của quán cho thấy đã dừng hoạt động từ bài đăng cuối cùng vào ngày 8/5. Hiện tại, toàn bộ nội thất trong quán cũng đã được đem đi, chỉ còn lại bộ khung và những bức tường được vẽ tranh màu sắc. Mặc dù đến nay, quán vẫn chưa có bất cứ chia sẻ chính thức nào về vấn đề này, thế nhưng ai nấy cũng đều ngầm hiểu Tứ Phủ Coffee đã đóng cửa. 

Bài Học Nào Cho Các Chủ Quán Từ Sự Việc Tứ Phủ 15 Tỷ Đồng Đóng Cửa Sau Một Năm
Tứ Phủ Coffee do bà Hoàng Phú thành lập với vốn đầu tư lên đến 15 tỷ đồng (Nguồn: Internet)

2. Tứ Phủ sớm đã vấp phải nhiều tranh cãi trước khi đóng cửa?

Mặc dù nhận được nhiều sự ủng hộ với phong cách mới lạ và độc đáo, thế nhưng bên cạnh đó cũng có không ít tranh cãi về việc kinh doanh tâm linh của quán. Nhiều người cho rằng việc kinh doanh dựa trên tín ngưỡng nếu làm không khéo sẽ có phần khá phản cảm, thiếu tôn trọng đến văn hóa truyền thống lâu đời của nước ta. Phong cách chủ đạo được lấy cảm hứng từ tín ngưỡng thờ Mẫu cũng rất kén khách, được cho là không phù hợp với thị hiếu của đại đa số khách hàng miền Nam.

Ngoài ra, tuy quán được đầu tư đến 15 tỷ đồng nhưng nhiều khách đến trải nghiệm thực tế lại cho nhận xét chất lượng không tương xứng với số tiền khổng lồ này. Cụ thể, một số đánh giá của khách hàng về trải nghiệm thực tế tại Tứ Phủ Coffee như:

“Không phải ai cũng hiểu và có kiến thức về văn hóa thờ mẫu. Bước vào quán, mình có cảm giác ma mị, thiếu ánh sáng. Đồng thời, nước và thức ăn cũng không quá ấn tượng. Tuy nhiên, nếu bạn cần nơi chụp ảnh độc lạ thì đây có thể là gợi ý lý tưởng.”

“Tứ Phủ nếu mở ngoài Bắc sẽ nhộn nhịp hơn chứ trong đây ít người biết về tín ngưỡng này.”

“Khách đi uống cà phê là để thoải mái, thư giãn, cảm xúc không muốn bị gò bó, nhưng đã gắn với chủ đề Tứ Phủ thì phải trang nghiêm, tôn kính và không thể tự do thoải mái nên không thu hút được khách cũng đúng.”

“Đi cafe để xả stress mà vô quán phải chú ý lời ăn tiếng nói, hành động chuẩn mực sao mà thấy áp lực quá. Thôi ở nhà pha cafe uống cho lành vậy.”

“Đang trend nên cũng thử đi một lần mà thấy nước đắt, đi buổi tối nếu lên tầng mở máy phun sương ngợp lắm, bàn ghế cũng nhỏ, hôm mình đi thấy nhóm bạn 7-8 người phải chia team ra ngồi.”

“Nước tại quán không chỉ đắt mà còn phải tự phục vụ trong khi đường rải đá đi rất trơn. Ngoài ra cũng không có chỗ để xe trước quán, phải đi khá xa để gửi xe, và bàn ghế chật chội khiến không gian bị chiếm khá nhiều dù diện tích tổng thì rộng thênh thang.”

Bài Học Nào Cho Các Chủ Quán Từ Sự Việc Tứ Phủ 15 Tỷ Đồng Đóng Cửa Sau Một Năm
Tứ Phủ Coffee được đầu tư khủng nhưng tồn đọng nhiều bất cập (Nguồn: Internet)
Xem thêm: Xử Lý Khủng Hoảng Truyền Thông Và Bài Học Đắt Giá Cho Các Thương Hiệu F&B

3. Từ đâu Tứ Phủ đầu tư 15 tỷ vẫn thất bại đau đớn?

3.1. Không xác định được tiêu chí đầu tư mở quán

Bà chủ Hoàng Phú tự thừa nhận mình là người không có kinh nghiệm trong việc vận hành quán cà phê, có lẽ chính vì lý do này khiến bà không xác định tiêu chí mở Tứ Phủ Coffee ngay từ đầu, dẫn đến vốn đầu tư không được kiểm soát chặt chẽ để rồi bị đẩy lên đến 15 tỷ đồng, thay vì chỉ có 7 tỷ đồng như dự kiến. 

Việc bỏ ra số vốn quá lớn thì hoạt động của quán phải đổi lại được lợi nhuận lớn tương đương mới có thể mong thu hồi vốn và kinh doanh có lời. Theo đó, để đạt được lợi nhuận mục tiêu thì các chủ quán phải tối ưu được số lượng khách trong một thời điểm, hoặc chọn cách khai thác giá trị đơn hàng lớn theo từng khách.

Về số lượng, nếu khoản vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng thì số sản phẩm bán ra phải cực kỳ lớn, hoặc số khách đón được phải có khả năng mua đến 1000 phần trong một thời điểm nhất định. Tuy nhiên, từ đánh giá của các khách hàng trải nghiệm thực tế cho thấy số lượng bàn ghế tại Tứ Phủ Coffee khá chật chội, khó đón tiếp nhiều khách. Điều này dẫn quán hoạt động công suất thấp, hệ số quay vòng thấp, mà nếu không bán được số lượng nhiều thì không thể thu hồi vốn và có lời.

Hoặc nếu không theo đuổi số lượng, quán sẽ phải tập trung vào số tiền mà khách hàng chi trả mới đảm bảo kinh doanh có hiệu quả, ví dụ như mô hình fine dining, nhà hàng cao cấp,… Khách hàng của những mô hình này sẵn sàng bỏ ra cả vài triệu đồng cho mỗi bữa ăn, giá cả như vậy mới tương xứng với số vốn mà người chủ bỏ ra để đầu tư cho quán. Tuy nhiên, để làm được mô hình này thì đa phần phải là người có năng lực và kinh nghiệm trong ngành F&B.

Đây cũng chính là sai lầm lớn nhất của Tứ Phủ Coffee. Không xác định được tiêu chí đầu tư khiến quán kinh doanh thiếu định hướng, khó đạt được kỳ vọng về doanh thu, cũng như lợi nhuận, gần như lãng phí vốn đầu tư ban đầu. 

Bài Học Nào Cho Các Chủ Quán Từ Sự Việc Tứ Phủ 15 Tỷ Đồng Đóng Cửa Sau Một Năm
Tứ Phủ Coffee không xác định tiêu chi đầu tư khiến ngân sách vốn trở nên mất kiểm soát (Nguồn: Internet)

3.2. Concept quán kén khách hàng

Thời gian đầu, Tứ Phủ Coffee được nhiều người đón nhận và kéo đến checkin phần lớn đều là vì tò mò với câu chuyện đầu tư 15 tỷ đồng và concept khá mới lạ, chưa phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên, hầu hết khách hàng đều đến để “trải nghiệm cho biết” nhưng sẽ không chọn quay lại lần hai vì Tứ Phủ Coffee được nhận xét chỉ thích hợp để đến chụp ảnh, khó đáp ứng các nhu cầu đi cà phê khác như làm việc, học tập, gặp gỡ đối tác, hay thư giãn, nghỉ ngơi. 

Bên cạnh đó, việc không phải ai cũng có sự am hiểu nhất định về tín ngưỡng thờ Mẫu cũng rất khó thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng. Người ta thường hạn chế đi đến những nơi tâm linh khi họ không có nhiều kiến thức về nơi đó, hoặc là người đang theo một tín ngưỡng khác. Ngược lại, với những người am hiểu về văn hóa thờ Mẫu có thể cảm thấy như tín ngưỡng của mình đang bị đem ra kinh doanh kiếm tiền và không được tôn trọng. 

Nhìn chung, việc xây dựng quán cà phê theo phong cách tín ngưỡng thờ Mẫu có thể là một bước đi sáng tạo, khác biệt, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập và khó đảm bảo khả năng thành công. 

Bài Học Nào Cho Các Chủ Quán Từ Sự Việc Tứ Phủ 15 Tỷ Đồng Đóng Cửa Sau Một Năm
Concept theo tín ngưỡng, tôn giáo có thể độc lạ, gây tò mò nhưng khó đi được lâu dài (Nguồn: Internet)
Xem thêm: Tránh Những Lý Do Có Thể “Một Đi Không Trở Lại” Này Để Giữ Chân Khách Hàng Hiệu Quả

3.3. Mặt bằng trung tâm nhưng… trên đường một chiều

Mặt bằng của Tứ Phủ tọa lạc tại mặt tiền đường Điện Biên Phủ, quận 3, là một trong những khu vực trung tâm, sầm uất của TP. HCM với giá thuê rất cao, thường từ vài chục đến vài trăm triệu/tháng tùy diện tích mặt bằng. Thuận lợi của những mặt tiền trung tâm thường sở hữu lượng khách ổn định, bao gồm cả khách trung thành lẫn khách vãng lai. Đồng thời, còn có thể dễ dàng thu hút sự chú ý của người đi đường, dễ dàng tiếp cận đến nhiều đối tượng khách hàng hơn.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của cung đường này chính là giao thông một chiều, dẫn đến khách hàng gặp bất tiện trong quá trình di chuyển. Điển hình như rất nhiều trường hợp khách hàng chẳng may đi quá quán không thể quay đầu, buộc phải đi bọc thêm một lần nữa mới có thể đến quán. Hoặc với những khách di chuyển bằng ô tô thuộc làn đối diện cũng gặp nhiều trở ngại khi tấp xe vào lề. Ngoài ra, một số khách hàng cũng cho biết tuy Tứ Phủ Coffee sở hữu mặt bằng rộng rãi lên đến 400m2 nhưng lại không có chỗ gửi xe tại quán, buộc khách phải đi bộ một đoạn để gửi xa tại nơi khác. Điều này càng trở nên bất cập hơn nếu khách hàng đến quán vào ngày trời nhiệt độ cao hoặc mưa gió.

Những trở ngại trong vấn đề di chuyển cũng là một trong những lý do khiến khách khó lựa chọn quay lại lần hai. So với một quán cà phê khó di chuyển, không có chỗ gửi xe tại quán, lại sở hữu concept hạn chế nhu cầu phục vụ, thì khách hàng có thể quay về quán quen, hoặc chọn cho mình một quán khác thoải mái và thuận tiện hơn, nhất là khi trên thị trường cà phê hiện nay không hề thiếu những quán có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng như vậy.

Bài Học Nào Cho Các Chủ Quán Từ Sự Việc Tứ Phủ 15 Tỷ Đồng Đóng Cửa Sau Một Năm
Mặt bằng tại khu vực trung tâm, đắc địa nhưng hạn chế nhiều lợi thế (Nguồn: Internet)

3.4. Thiếu tính toán đến các khoản chi phí cấu hao

Lấy ví dụ, nếu thuê mặt bằng này trong vòng 5 năm, thì với vốn đầu tư 15 tỷ chia cho 60 tháng, vậy mỗi tháng Tứ Phủ Coffee phải đảm bảo thu về được 250 triệu đồng, bởi sang tháng 61 khi chủ nhà lấy lại mặt bằng thì xem như chủ quán đã mất đi khoản đầu tư đó. Chưa kể mức doanh thu này chưa bao gồm các chi phí khấu hao khác như đầu tư thô, máy móc thiết bị, bàn ghế, dụng cụ pha chế,…

Tiếp đến, điểm hòa vốn của Tứ Phủ Coffee cũng khá cao. Chẳng hạn nếu chi phí khấu hao là 250 triệu đồng, tiền thuê mặt bằng 220 triệu đồng/tháng, chi phí nhân công 60 triệu đồng/tháng (tính theo lương trung bình hiện nay 25.000 đồng/giờ, ca 8 tiếng, cho 10 nhân viên), thì chưa gì con số phải chi đã lên đến tối thiểu 530 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, còn các khoản chi phí phát sinh khác như điện nước, internet, marketing, nên con số có thể dao động trong khoảng 600-650 đồng/tháng. 

Như vậy, nếu tính chi phí hàng bán khoảng 25%, để lo được mọi khoản Tứ Phủ Coffee sẽ cần doanh thu hơn 800-900 triệu đồng/tháng, tức là trung bình mỗi ngày phải thu về hơn 25 triệu đồng. Con số 25 triệu đồng/ngày không phải không thể đạt được, nhưng gần như chỉ khả thi với những chuỗi cà phê lớn, còn với một quán mới lại có nhiều điểm hạn chế như Tứ Phủ Coffee sẽ rất khó.

Bài Học Nào Cho Các Chủ Quán Từ Sự Việc Tứ Phủ 15 Tỷ Đồng Đóng Cửa Sau Một Năm
Vốn đầu tư lớn nhưng khả năng kinh doanh có lợi nhuận khó đạt mức tương đương (Nguồn: Internet)

4. Bài học rút ra khi kinh doanh cà phê từ câu chuyện của Tứ Phủ

Xác định tệp khách hàng mục tiêu: Vì không xác định tệp khách hàng mục tiêu khiến Tứ Phủ Coffee gặp nhiều khó khăn trong việc quyết định mô hình kinh doanh và tiêu chí đầu tư của mình. Chính vì thế, nếu mở quán cà phê, các chủ quán sẽ cần xác định chân dùng khách hàng mình muốn hướng đến là ai, nhu cầu, sở thích như thế nào để tìm cách tiếp cận chính xác và hiệu quả nhất.

Cân nhắc cẩn thận trong lựa chọn mặt bằng kinh doanh: Sẽ không quá lời khi nói mặt bằng quyết định đến 50% sự thành bại của một hoạt động kinh doanh. Mặt bằng đẹp, thuận tiện không chỉ là lợi thế giúp quán thu hút khách hàng, mà còn đảm bảo lợi nhuận khi tiền thuê được tính toán cẩn thận, để ngay cả khi đã khấu hao các chi phí vẫn có đủ lợi nhuận để tiếp tục duy trì hoạt động quán. 

Phong cách quán cần đáp ứng thị hiếu khách hàng: Việc xây dựng điểm khác biệt, độc lạ sẽ giúp bạn nổi bật mình so với các đối thủ cạnh tranh, từ đó tạo lợi thế kinh doanh hiệu quả hơn. Tuy nhiên, sự khác biệt cũng cần phải đi kèm với tính ứng dụng cao, cân bằng tốt giữa nét độc đáo và đáp ứng nhu cầu, thị hiếu chung mới có thể đảm bảo giữ chân khách hàng lâu dài. Đặc biệt, với những quán đi theo phong cách tín ngưỡng, tôn giáo như Tứ Phủ Coffee lại càng phải cẩn trọng hơn.

Trang bị kiến thức hoàn chỉnh trước khi bắt đầu kinh doanh F&B: Tứ Phủ Coffee chính là minh họa điển hình cho việc chưa trang bị đầy đủ kinh nghiệm và kiến thức cần thiết đã bước vào kinh doanh, dẫn đến tồn đọng nhiều sai sót và cuối cùng là chịu thất bại nặng nề. Có nền tảng kinh nghiệm vững chắc sẽ giúp các chủ quán có định hướng rõ ràng hơn, kiểm soát và dự trù tốt các vấn đề trong kinh doanh, cũng như không làm lãng phí ngân sách đầu tư. Hoặc nếu bạn có tài chính nhưng không có quá nhiều kinh nghiệm, thì cách tốt nhất cũng nên tìm người đồng hành đáng tin cậy, thay vì tự mình làm mọi thứ một cách mơ hồ. 

Từ sự việc của Tứ Phủ Coffee chắc chắn sẽ là bài học đắt giá cho các chủ quán về tầm quan trọng của nghiên cứu thị trường, quản lý kinh doanh, cũng như xây dựng tầm nhìn dài hạn. Mong rằng các chủ quán tương lai trước khi bắt tay vào kinh doanh có chiến lược cẩn thận hơn, cũng như rút ra được kinh nghiệm từ case study này.

Xem thêm: Hốt Bạc Vào Ngày Lễ Thất Tịch Với Những Món Ăn “Cầu Duyên” Này

Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img