Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeCẩm nangBar/bếpTầm Quan Trọng Của Sự Cân Bằng Hương Vị Trong Quá Trình...

Tầm Quan Trọng Của Sự Cân Bằng Hương Vị Trong Quá Trình Nấu Ăn

Không cần phải là một đầu bếp thì bạn cũng biết rõ rằng, hương vị là yếu tố vô cùng quan trọng để làm nên một món ăn ngon. Cho dù bạn có sử dụng loại thực phẩm đắt tiền hay cao cấp đến mấy, nhưng lại không biết cách chế biến hay nêm nếm để tôn lên hương vị cho  chúng thì kết quả cuối cùng cũng chỉ làm lãng phí nguyên liệu mà thôi. Với những đầu bếp chuyên nghiệp, nêm nếm hương vị cho món ăn có thể được xem như cả quá trình làm nghệ thuật, bởi bạn sẽ phải kiểm soát được tất cả hương vị có trong các loại nguyên liệu khác nhau làm sao hòa hợp lại thành một và tạo nên hương vị tổng thể cân bằng nhất.

[crp]

Tầm Quan Trọng Của Sự Cân Bằng Hương Vị Trong Quá Trình Nấu Ăn
Hương vị là yếu tố vô cùng quan trọng để làm nên một món ăn ngon (Nguồn: Internet)

Không phải tự dưng Heinz  lại là công ty dẫn đầu trên thị trường về nước sốt cà chua. Trong bài diễn văn gần đây của mình, Malcolm Gladwell – nhà báo của New Yorker chia sẻ lý do không có doanh nghiệp nào trong cùng lĩnh vực có thể cạnh tranh được với Heinz, rằng bí quyết để làm nên sự thành công cho thương hiệu này chính là sự cân bằng hoàn hảo giữa năm hương vị cơ bản: Ngọt, mặn, chua, đắng và umami (vị ngon). Như vậy cho thấy, không gì có thể phụ nhận được, sự cân bằng hoàn hảo về hương vị chính là yếu tố cốt lõi để đạt được vị ngon tối đa.

Ngay cả khi bạn làm theo từng chữ trong công thức nấu ăn và cả gian bếp đều ngập tràn hương thơm thì cũng không có gì đảm bảo mùi vị sẽ được như bạn mong muốn. Bởi vì hương vị món ăn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, ngoài tỉ lệ như trong công thức thì còn phải xem xét đến điều kiện môi trường, chất lượng nguyên liệu, và cả khẩu vị của người nấu. Chẳng hạn như cùng là cà chua, nhưng khi so sánh quả chín mềm và quả vừa chín tới sẽ phát hiện cả hai có hương vị khác nhau, dẫn đến cách nêm nếm như trong công thức đôi khi cũng phải điều chỉnh lại ít nhiều. Có thể cân bằng hương vị không hề đơn giản như bạn nghĩ.

Nghệ thuật nêm nếm gia vị

Một nhà văn ẩm thực và đồng thời cũng là nhà nghiên cứu khoa học thực phẩm Jules Clancy từng chia sẻ trên blog của mình rằng, nêm nếm gia vị không chỉ là cho thêm một vài hạt muối hay bỏ thêm một vài hạt tiêu, mà còn là sự cân bằng của cả vị ngọt, chua, đắng hay umami. Clancy kể về lần đầu tiên cô nhận ra những liên kết phản ứng tuyệt vời này là khi được trải nghiệm với vai trò của một nhà sản xuất rượu. Cụ thể, cô cho biết, việc tăng nồng độ axit có trong rượu ngoài mang đến cho rượu có vị chua nhiều hơn, thì còn “có thể khiến cho rượu vang có vị tươi mới và sống động hơn khi thưởng thức nếu đạt được mức axit thích hợp”. 

Áp dụng trong nấu ăn cũng tương tự như vậy, bạn có thể kết hợp các nguồn hương vị cơ bản vào với nhau theo phong cách ẩm thực bạn đang chế biến. Chẳng hạn như Clancy chia sẻ, nếu bạn cần một chút chua cho món ăn của mình, bạn có thể sử dụng giấm, chanh leo hoặc giấm “siêu đặc” balsamic, thêm từng chút cho đến khi đạt được vị chua mong muốn, thay vì sử dụng chanh chỉ có vị chua thôi, thì những loại nguyên liệu này sẽ mang đến cho món ăn thoảng thơm umami và một chút vị ngọt nhẹ nhàng.

Tầm Quan Trọng Của Sự Cân Bằng Hương Vị Trong Quá Trình Nấu Ăn
Nêm nếm hương vị cho món ăn có thể được xem như cả quá trình làm nghệ thuật (Nguồn: Internet)

Ẩm thực Việt Nam: Tinh hoa của cân bằng hương vị

Gordon Ramsay – Đầu bếp lừng danh người Anh sở hữu đến 14 ngôi sao Michelin từng chia sẻ về ẩm thực Việt Nam rằng, “Nếu ở Việt Nam, tôi chỉ là một đầu bếp tồi”. Tất nhiên là với sự tư duy ẩm thực, kiến thức và tay nghề của mình thì chắc chắn Gordon Ramsay vẫn sẽ trở thành một đầu bếp tài ba với những danh tiếng ông hiện có, nhưng từ câu nói của ông cho thấy ẩm thực Việt Nam vô cùng tuyệt vời, hương vị được nêm nếm hài hòa và cân bằng để phù hợp với cả khẩu vị của người phương Tây.

Sự cân bằng giữa vị ngọt, mặn, chua, cay được thể hiện vô cùng rõ nét trong mỗi món ăn của Việt Nam. Chẳng hạn như với món bánh cuốn của Việt Nam đã khiến Gordon Ramsay không khỏi kinh ngạc khi món ăn nhìn có vẻ đơn giản này lại đòi hỏi sự tinh tế và tỉ mỉ cực độ, đến mức ông phải ngỏ lời hỏi xin người chủ quán công thức ướp thịt nhưng bị từ chối vì đây là bí quyết gia truyền. Hay với món mực nhồi bao gồm một thịt, râu mực băm nhuyễn, nêm thêm mắm, tỏi gừng và sốt cà chua được nhồi bên trong một túi mực cũng đã khiến Ramsay phải cảm thán “Món mực phức tạp này của người Việt hoàn toàn có thể đánh bại món mực chiên giòn của người Anh một cách dễ dàng”. Thậm chí, sau một lần trải nghiệm món bún riêu của dì Hai trên chợ nổi đã gợi ý cho Ramsay đưa món ăn này vào làm thử thách trong chương trình Masterchef.

Dễ dàng nhận thấy, ẩm thực Việt Nam luôn sử dụng những nguyên liệu vô cùng đơn giản, từ thịt, cá, rau, củ đến các gia vị nêm nếm đều là những loại thực phẩm có thể tìm mua ở bất kỳ đâu, dù là siêu thị, chợ hay ở tiệm tạp hóa gần nhà. Thế nhưng, chính sự kết hợp nguyên liệu tài tình, khả năng nêm nếm được cân nhắc dựa trên sự cân bằng hương vị, đậm đà và đầy đủ dinh dưỡng, cùng với các điều kiện bên ngoài như khí hậu, địa lý, văn hóa đã mang đến cho ẩm thực Việt Nam có được màu sắc vô cùng đa dạng, phong phú, từ các món nước, món khô, món mặn, cho đến các món ngọt. Và cũng chính đầu bếp Gordon Ramsay từng nói, “Ở nước Anh chúng tôi cũng có các món làm từ gạo, thế nhưng ở đây, người Việt đã mang đến cho gạo lên một tầm cao mới”.

Nguyên tắc nêm nếm cho món ăn

Mặn, ngọt, đắng, chua,… đều là những hương vị riêng biệt, thế nhưng chúng vẫn có mối liên kết đặc biệt để tạo nên hương vị hòa hợp cho món ăn. David Thompson – Đầu bếp người Úc giành được sao Michelin đầu tiên cho ẩm thực Thái Lan chia sẻ, nếu bạn lỡ tay thêm quá nhiều muối, bạn có thể giảm vị mặn bằng cách tăng độ chua, thêm đường, dùng ớt, hoặc chỉ đơn giản là pha loãng hương vị với một chút nước. Đồng thời, muối không chỉ làm cho thức ăn có vị mặn mà còn có thể giúp gia tăng vị ngọt hoặc giảm bớt vị đắng, hay nếu món ăn quá cay có thể được gia giảm bằng cách tăng vị mặn hoặc vị chua.

Ngoài ra, bạn cũng có thể điều chỉnh hương vị trong món ăn bằng các món ăn khác. Chẳng hạn như trong ẩm thực Việt Nam, mỗi mâm cơm của người Việt luôn có ít nhất một món mặn và một món canh, sau đó tráng miệng bằng món ngọt hoặc trái cây, với mỗi món ăn là mỗi hương vị, thế nhưng khi đặt cùng nhau trên mâm cơm chúng sẽ đóng vai trò hỗ trợ và tôn hương vị lên cho nhau. 

Cuối cùng, đừng quên cẩn thận với độ bão hòa vị giác, nói một cách dễ hiểu rằng càng nếm nhiều bạn sẽ càng quen với hương vị đó và có thể bị nhầm lẫn khi nếm qua hương vị khác. Vì vậy, để tránh tình trạng này, sau mỗi lần nếm món ăn hãy làm sạch vòm miệng bằng một ngụm nước lọc để giúp cảm nhận hương vị được chính xác hơn.

Để trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp thì đừng nghĩ chỉ cần nêm nếm “theo tổ tiên mách bảo” là đủ mà cũng cần rất nhiều kĩ thuật cũng như kinh nghiệm, và tất nhiên là không thể thiếu được vị giác tinh tế. Cân bằng hương vị cho món ăn cũng giống như đang sáng tác một bản nhạc, và người đầu bếp chính nhạc sĩ sẽ chịu trách nhiệm đặt nốt nhạc sao cho giai điệu dễ nghe và không bị chênh phô.

 

Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img