Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeChuyển độngVì Sao Ẩm Thực Việt Nam Mất Rất Lâu Mới Có Cơ...

Vì Sao Ẩm Thực Việt Nam Mất Rất Lâu Mới Có Cơ Hội Bén Duyên Với Michelin? 103 Nhà Hàng Việt Trong Danh Sách Michelin Selected Có Những Cái Tên Nào?

Sự xuất hiện của Michelin Guide vào tối ngày 6/6 đã đánh dấu cột mốc mới cho nền ẩm thực Việt Nam. Sau hơn 120 năm phát triển, dừng chân tại hàng nghìn địa điểm trên gần 40 quốc gia khác nhau, cuối cùng ẩm thực Việt Nam cũng chính thức góp mặt trong bản đồ của Michelin Guide. Sẽ có rất nhiều người thắc mắc vì sao phải mất rất lâu ẩm thực Việt Nam mới có cơ hội bén duyên với Michelin Guide. Câu trả lời không chỉ nằm ở chất lượng hương vị hay trải nghiệm dịch vụ, mà còn bao gồm nhiều yếu tố khác theo tiêu chuẩn của Michelin. 

1. Tìm hiểu về Michelin Guide

Trước khi tìm hiểu vì sao ẩm thực Việt Nam mãi đến năm nay mới có cơ hội tiếp xúc với Michelin Guide, thì hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về hệ thống đánh giá đầy uy quyền này. 

Về cơ bản, Michelin Guide là một hệ thống xếp hàng toàn cầu nhằm đánh giá chất lượng nhà hàng theo các tiêu chuẩn nhất định và được cập nhật mới hằng năm. Đây là một danh hiệu mà bất cứ ai làm việc trong ngành ẩm thực cũng đều mong muốn đạt được, thậm chí siêu đầu bếp Gordon Ramsay cũng từng bật khóc vào khoảnh khắc nhà hàng của ông được trao tặng sao Michelin. Với nhiều đầu bếp và chủ nhà hàng, việc nhận được sao Michelin có thể được so sánh như giải thưởng điện ảnh Oscar danh giá hoặc huy chương Vàng Olympics cao quý.

Nhằm đảm bảo tính khách quan và công bằng cho đánh giá của mình, Michelin Guide sở hữu một đội ngũ thanh tra viên hoàn toàn ẩn danh hoạt động tại nhiều quốc gia khác nhau. Các nhà hàng sẽ được Michelin đánh giá và phân loại theo từng hạng mục bao gồm Michelin Plate, Green Star, Bib Gourmand, và danh giá nhất là Michelin Star. Cụ thể tiêu chí đánh giá cho từng hạng mục:

Michelin Plate: Là hạng mục cơ bản nhất trong các đánh giá xếp hạng của Michelin Guide được trao cho tất cả nhà hàng xuất hiện trong danh sách Michelin Selected nhưng chưa được chứng nhận Bib Gourmand hoặc gắn sao Michelin. 

Green Star: Đây là hạng mục mới được bổ sung vào năm 2020 dành để trao tặng cho các nhà hàng nổi bật trong nỗ lực duy trì ẩm thực bền vững. 

Bib Gourmand: Chứng nhận cho những nhà hàng phục vụ món ăn ngon với giá cả phải chăng. Để nhận được danh hiệu này, các nhà hàng sẽ phải phục vụ một bữa ăn đầy đủ ba món bao gồm khai vị, món chính và tráng miệng.

Michelin Star: Đây là danh hiệu cao quý nhất trong bốn hạng mục và được phân loại theo thứ tự mức độ từ thấp đến cao bao gồm một sao, hai sao, và ba sao. Theo đó, một sao Michelin tương ứng với đánh giá “một nhà hàng ngon”, hai sao tương ứng với  “Nấu ăn xuất sắc, đáng để chủ động đến thưởng thức”, và ba sao tương ứng với “Ẩm thực tuyệt đỉnh, xứng đáng cho một cuộc thưởng ngoạn”.

Vì Sao Ẩm Thực Việt Nam Mất Rất Lâu Mới Có Cơ Hội Bén Duyên Với Michelin?
Chứng nhận Michelin là danh hiệu mơ ước với bất kỳ ai làm việc trong ngành ẩm thực (Nguồn: Internet)
Xem thêm: Tìm Kiếm Sao Michelin Không Khó Như Bạn Tưởng

2. Ẩm thực Việt Nam và cơ hội bén duyên với Michelin

Một đính chính rằng, không phải đến thời gian gần đây ẩm thực Việt Nam mới có cơ hội tiếp xúc với Michelin. Trên thực tế, trước đó đã có rất nhiều đầu bếp chuẩn Michelin (Michelin Star Chef) làm việc tại các nhà hàng nổi tiếng ở Việt Nam như Jardin Des Sens Saigon – cặp anh em song song đầu bếp ba sao Michelin Jacques & Laurent Pourcel, La Maison 1888 – đầu bếp ba sao Michelin Pierre Gagnaire, hay L’Escale – đầu bếp hai sao Michelin Thierry Drapeau. Ngoài ra, một số nhà hàng phục vụ món Việt tại nước ngoài như Bunker, Bricolage, Falansai, Thái So’n, cũng được Michelin trao danh hiệu Bib Gourmand và Michelin Plate (L’Assiette), chứng nhận là những địa điểm phục vụ món ăn đạt tiêu chuẩn Michelin. 

Từ những điều này cho thấy dù là nền ẩm thực hay chất lượng nhà hàng Việt Nam cũng đều có khả năng đạt được chứng nhận của Michelin Guide. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến ẩm thực Việt Nam đến nay mới chính thức được bén duyên với Michelin có lẽ phần lớn đến từ phạm vi thẩm định của hệ thống này còn giới hạn về mặt địa lý. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà hàng không nằm trong phạm vi khu vực khảo sát của Michelin sẽ không bao giờ nhận được sao dù cho sở hữu chất lượng tốt đến mấy đi nữa. 

Có thể thấy rõ giới hạn địa lý của Michelin thông qua bản đồ các nhà hàng đạt chuẩn phần lớn đều tập trung tại khu vực Châu Âu, điển hình như Pháp và Ý là hai nước có số lượng nhà hàng Michelin nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, sau đó Michelin Guide cũng đang dần xóa bỏ giới hạn này khi đặt chân đến nhiều nước Châu Á hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, Bangkok,… và mới đây là Việt Nam.

Bên cạnh đó, hầu hết các nhà hàng được chứng nhận Michelin đều là các nhà hàng hạng sang. Dễ so sánh nhất là 4 nhà hàng Việt được trao tặng một sao Michelin đều có mức giá thuộc phân khúc từ tầm trung đến cao. Cụ thể, chi phí ăn uống tại Hibana by Koki và GIA có phần nhỉnh hơn so với Ănăn Saigon và Tầm Vị (dưới một triệu đồng), thậm chí Hibana by Koki có thể phục vụ một bữa ăn lên đến 8,5 triệu đồng/người. Trong khi đó, Việt Nam luôn được biết đến với văn hóa ẩm thực đường phố đặc trưng, nhưng một số quán ăn đường phố đề cử cũng chỉ nằm trong danh mục Michelin Selected. Tất nhiên, việc để một quán ăn đường phố đạt được sao Michelin là điều không hề dễ dàng, và đó cũng là lý do vì sao trong số hàng trăm nhà hàng Việt đề cử lại chỉ có 4 cái tên đạt chuẩn gắn sao Michelin.

Vì Sao Ẩm Thực Việt Nam Mất Rất Lâu Mới Có Cơ Hội Bén Duyên Với Michelin?
Ngay cả đầu bếp nổi tiếng thế giới Anthony Bourdain cũng là một fan của ẩm thực đường phố Việt Nam (Nguồn: Internet)
Xem thêm: Vận Hành Và Duy Trì Nhà Hàng Michelin Như Thế Nào?

3. 103 nhà hàng Việt trong danh sách Michelin Selected 

3.1. 4 nhà hàng Việt đầu tiên được trao một sao Michelin

Ănăn Saigon (TP. HCM): Một nhà hàng phong cách Fusion (Ẩm thực kết hợp) có tiếng tại TP. HCM do Peter Cuong Franklin – bếp trưởng kiêm ông chủ nhà hàng điều hành. Các món ăn tại Ănăn Saigon đã được Peter Cuong Franklin khéo léo kết hợp giữa kỹ thuật chế biến hiện đại cùng các công thức món ăn đường phố để tạo nên hương vị mới lạ và hấp dẫn. Cho dù thực khách đến nhà hàng gọi món Bánh tartare cá ngừ tươi (Fresh Tuna Tartare), Pizza Vịt Nướng-Phô mai Mozzarella-Thảo mộc (A Roasted Duck-Mozzarella-Herb Pizza), Bánh taco tôm thịt (Shrimp And Pork Tacos), hay món Phở tủy bò Wagyu, thì mỗi món ăn đều có chất lượng đẳng cấp bậc nhất với kết cấu hương vị hài hòa, cân bằng. 

GIA Restaurant (Hà Nội): Là một trong những cái tên nổi bật theo đuổi mô hình ẩm thực Việt Nam cao cấp tại Hà Nội do giám đốc Long Trần và nữ bếp trưởng Sam Trần điều hành. Điều làm nên nét đặc biệt tại GIA chính là nỗ lực đưa văn hóa dùng đũa vào ẩm thực cao cấp, biến những món ăn Việt Nam vốn mang hơi thở bình dân trở thành ẩm thực fine dining cao cấp và đầy sáng tạo mà vẫn không làm mất đi hồn Việt. Thực đơn của GIA sẽ được thay đổi theo mùa, lấy cảm hứng từ di sản ẩm thực Việt Nam và không lặp lại trong thực đơn của các mùa tiếp theo. 

Hibana by Koki (Hà Nội): Là một nơi có thể mang đến cho thực khách trải nghiệm trình diễn nghệ thuật ngay tại khu tầng hầm của khách sạn Capella. Các món ăn tại Hibana by Koki được bếp trưởng Hiroshi Yamaguchi chế biến khéo léo và kết hợp hài hòa giữa các hương vị nguyên liệu phức tạp theo kỹ thuật Teppanyaki (nấu ăn trên bàn nóng). Ngoài ra, Hibana by Koki còn nổi bật với chất lượng nguyên liệu cao cấp được vận chuyển trực tiếp từ Nhật Bản cứ mỗi hai lần một tuần như tôm hùm gai, bào ngư, nhím biển, cua lông Hokkaido, và thịt bò Yaeyama Kyori,…

Tầm Vị (Hà Nội): Một quán ăn mang dáng dấp như một quán trà cổ điển, đem lại cảm giác cảm giác miền Bắc Việt Nam điển hình với bộ sưu tập đồ nội thất kiểu Trung Hoa và các biển hiệu viết tay. Tại Tầm Vị, nhà hàng phục vụ các mâm cơm gia đình “chuẩn Bắc” dựa trên cảm hứng từ thời kì Đông Kinh, đồng thời kết hợp với một số món ăn miền Nam và miền Trung để đa dạng thực đơn của mình. Các món ăn nổi bật tại Tầm Vị được Michelin Guide giới thiệu như chả ốc ăn kèm bún, nước mắm và rau thơm, hay món canh cua mồng tơi với vị cua phảng phất trong nước dùng trong vắt,…

Vì Sao Ẩm Thực Việt Nam Mất Rất Lâu Mới Có Cơ Hội Bén Duyên Với Michelin?
4 nhà hàng Việt vinh dự được trao tặng một ngôi sao Michelin danh giá (Nguồn: Internet)
Xem thêm: Công bố 4 nhà hàng Michelin đầu tiên tại Việt Nam: Anăn Saigon, Gia, Hibana by Koki, và Tầm Vị

3.2. 29 nhà hàng Việt được trao danh hiệu Bib Gourmand 

Đây là danh hiệu dành cho các nhà hàng phục vụ chất lượng đồ ăn ngon với mức giá phải chăng, bao gồm 13 cơ sở tại Hà Nội và 16 cơ sở tại TP. HCM. Trong đó có một số cái tên phục vụ ẩm thực đường phố, điều này khẳng định tầm ảnh hưởng của nét văn hóa ẩm thực đường phố Việt Nam.

13 cơ sở tại Hà Nội 16 cơ sở tại TP. HCM
1946 Cửa Bắc Bếp Mẹ Ỉn (Đường Lê Thánh Tôn)
Bún Chả Ta (Phố Nguyễn Hữu Huân) Chay Garden
Chả Cá Thăng Long Cơm Tấm Ba Ghiền
Chào Bạn Cục Gạch Quán
Don Duck Ock Quarter Dim Tu Tac (Đường Đông Du)
Habakuk  Hồng Phát (Quận 3 – TP.HCM)
Phở 10 Lý Quốc Sư  Hum Garden
Phở Bò Ấu Triệu Phở Chào
Phở Gà Nguyệt Phở Hòa Pasteur
Phở Gia Truyền Phở Hoàng
The East Phở Hương Bình
Tuyết Bún Chả 34 Phở Lệ (Quận 5)
Xới Cơ Phở Miến Gà Kỳ Đồng
Phở Minh
Phở Phượng
Xôi Bát
Vì Sao Ẩm Thực Việt Nam Mất Rất Lâu Mới Có Cơ Hội Bén Duyên Với Michelin?
Nhiều nhà hàng Việt được trao danh hiệu Bib Gourmand và có tên trong danh sách Michelin Selected (Nguồn: Internet)

3.3. Danh sách 70 nhà hàng Michelin Selected 

Đây là những nhà hàng do Michelin Guide đề xuất bao gồm 32 cơ sở tại Hà Nội và 38 cơ sở tại TP. HCM. Các nhà hàng nằm trong danh Michelin Selected đều có chất lượng món ăn ngon, dịch vụ tốt, đa dạng với nhiều nền ẩm thực khác nhau như Pháp, Nhật Bản, Ý, Tây Ban Nha, Mỹ Latinh, hoặc Địa Trung Hải, xứng đáng để khách du lịch đến trải nghiệm trong chuyến đi của mình.

Một số cái tên nổi bật có thể kể đến như La Badiane (Hà Nội) – một nhà hàng Pháp chuyên phục vụ theo phong cách Fusion (Ẩm thực kết hợp); Truffle (TP. HCM) – nhà hàng Pháp hiện đại; T.U.N.G Dining (Hà Nội)The Monkey Gallery Dining (TP. HCM) phục vụ ẩm thực Âu đương đại; hay Akira Back (Hà Nội) phục vụ ẩm thực Nhật Bản và Octo (TP.HCM) phục vụ ẩm thực Tây Ban Nha,…

Là một quốc gia sở hữu nền ẩm thực phong phú và độc đáo, không chỉ bởi kỹ thuật chế biến tinh tế, hương vị hấp dẫn, mà còn bởi các giai thoại lịch sử và nền văn hóa tồn tại trong từng món ăn, Việt Nam hoàn toàn có đủ tự tin vào chất lượng ẩm thực của mình. Sự xuất hiện của Michelin cùng 103 nhà hàng trong danh sách Michelin Selected càng là minh chứng rõ ràng hơn về chất lượng ẩm thực Việt Nam. Điều này sẽ thúc đẩy các nhà hàng Việt cùng nhau nỗ lực tiến ra thị trường quốc tế, tiệm cận với ẩm thực thế giới và lan tỏa niềm tự hào về nền ẩm thực Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img