Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeCẩm nangBar/bếpQuản Lý Quán Bar Sẽ Làm Những Công Việc Gì?

Quản Lý Quán Bar Sẽ Làm Những Công Việc Gì?

Quản lý quán bar là mục tiêu phấn đấu của hầu như tất cả Bartender. Ở vị trí này, Bartender sẽ nhận được nhiều đãi ngộ tốt hơn, mức lương hấp dẫn hơn, và tất nhiên là công việc cũng sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Quản lý chính là người sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả công việc trong quán bar, khi cần thiết còn có thể thay mặt người chủ để đưa ra các quyết định quan trọng. Do đó, đây là một công việc không hề dễ dàng, đòi hỏi bạn phải hội tụ đầy đủ những kỹ năng cần thiết mới có thể thích hợp đảm nhận vị trí này. Quản lý quán bar sẽ phải quán xuyến toàn diện từ trong ra ngoài, chịu trách nhiệm giám sát hiệu quả của tất cả các bộ phận trong quán bar, có hiểu biết sâu sắc về vận hành hoạt động kinh doanh, đảm bảo doanh số bán hàng cũng như biết cách quản lý nhân lực. Nếu bạn cũng đang hướng đến mục tiêu trở thành quản lý quán bar, bài viết sẽ mang đến cho bạn cái nhìn chi tiết hơn về các công việc của vị trí này.

[crp]
Quản Lý Quán Bar Sẽ Làm Những Công Việc Gì
Quản lý quán bar là mục tiêu phấn đấu của hầu như tất cả Bartender (Nguồn: Internet)

Quản lý kho hàng

Một trong những điều quan trọng nhất thuộc phạm vị trách nhiệm của người quản lý chính là nắm rõ những gì quán bar đang kinh doanh, hiểu được loại thức uống nào được tiêu thụ tốt nhất để quyết định nhập hàng, sau đó sẽ trao đổi với nhà cung ứng để nhập mua các loại thành phần nguyên liệu đó. Quá trình này được gọi là quản lý kho hàng, toàn bộ phải được thực hiện một cách nhất quán và chính xác, bởi bất kỳ sai sót hay nhầm lẫn nào xảy ra trong khâu kiểm soát nguyên liệu cũng có thể mang lại ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh chung. Theo dõi kho hàng chặt chẽ sẽ giúp quản lý quán bar biết được loại đồ uống nào được tiêu thụ nhiều nhất và loại đồ uống nào mang lại nhiều lợi nhuận nhất. Đây là mấu chốt quan trọng để giúp một quán bar có thể kinh doanh và phát triển thành công.

Hiện nay, công nghệ hiện đại phát triển cho phép các quán bar có thể tối ưu hóa các bước trong quá trình quản lý kho hàng. Người quản lý sẽ không cần phải ghi chú hay chép tay vào sổ sách như cách làm truyền thống, mà thay vào đó có thể sử dụng các phần mềm bán hàng, phần mềm kiểm kê hoặc bảng tính để tự động hóa quy trình. Các phần mềm này sẽ hỗ trợ việc quản lý kho hàng được diễn ra nhanh chóng, chuyên nghiệp, dễ dàng theo dõi thay đổi và cũng ít xảy ra sai sót hơn so với cách làm thủ công. 

Tùy thuộc vào quy mô và lưu lượng khách hàng của quán bar mà việc kiểm soát kho nguyên liệu có thể được thực hiện hàng ngày hoặc hàng tuần, nhưng tuyệt đối không được để thời gian kiểm kê giữa hai lần cách nhau quá lâu, chẳng hạn như mỗi tháng một lần vì sẽ không còn đảm bảo hiệu quả của công việc này nữa. Bên cạnh đó, trong bất kỳ trường hợp nào cũng không nên đợi đến khi hết nguyên liệu mới bắt đầu nhập mới. Cho dù tự kiểm kê hay giao nhiệm vụ cho nhân viên khác thì cuối cùng cũng phải là người quản lý chịu trách nhiệm đảm bảo quầy bar luôn được dự trữ sẵn đầy đủ nguyên liệu để phục vụ khách hàng.

Triển khai các chiến lược quảng bá 

Thu hút khách hàng mới và xây dựng lực lượng khách hàng thân thiết là trọng trách rất lớn không chỉ với người quản lý mà còn là một trong những mối bận tâm hàng đầu với chủ quán bar. Tùy thuộc vào quy mô mà mỗi quán bar sẽ có đội ngũ tiếp thị riêng hay không, tuy nhiên, một điều chắc chắn là người quản lý scũng phải tham gia vào quá trình đóng góp ý tưởng, lên kế hoạch và triển khai những chiến lược quảng bá đó. Đây là lý do vì sao quản lý quán bar là một công việc không hề đơn giản và đòi hỏi phải hội tụ năng lực đa nhiệm mới có thể đảm nhận được. Bởi nếu ở vị trí quản lý quán bar, bạn sẽ phải có kiến thức cả về tiếp thị – quảng bá, ít nhất từ cơ bản cho đến chuyên sâu hơn nếu có thể.

Nhờ có sự phổ biến của phương tiện truyền thông mạng xã hội mà giờ đây bạn có thể mở rộng khả năng tiếp cận đến khách hàng hơn so với phương thức quảng bá truyền thống. Điều quan trọng là bạn phải biết cách phân tích sở thích và số liệu khách hàng để có thể sáng tạo nội dung tiếp thị phù hợp và hướng đến đúng nhóm khách hàng mục tiêu. Song song đó, tuy có được sự hỗ trợ của phương tiện truyền thông nhưng bạn vẫn nên tận dụng cả những phương thức tiếp thị truyền thống, như treo poster, banner,… Và đừng quên rằng, truyền miệng bao giờ cũng mang lại hiệu quả tuyệt vời, một lời giới thiệu từ người quen luôn có độ tin cậy và hấp dẫn hơn rất nhiều so với một bài viết bóng bẩy được đăng tải trên mạng xã hội. Do đó, mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt đẹp tại quán bar cũng là một cách để bạn triển khai chiến lược quảng bá của mình.

Quản Lý Quán Bar Sẽ Làm Những Công Việc Gì
Quản lý quán bar đòi hỏi bạn phải hội tụ năng lực đa nhiệm mới có thể đảm nhận vị trí này (Nguồn: Internet)

Duy trì doanh số bán hàng

Ngay khi chiến lược quảng bá được thực hiện và thành công thu hút khách hàng, nhiệm vụ của quản lý quán bar không chỉ dừng lại ở đây mà vẫn phải tiếp tục duy trì doanh số bán hàng. Người quản lý sẽ chịu trách nhiệm về số lượng đồ uống bán được và mức lợi nhuận thu về từ những gì đã bán được đó. 

Như đã nói, quá trình kiểm soát kho hàng sẽ cho bạn biết được loại thức uống nào được ưa chuộng nhiều nhất và loại thức uống nào mang lại nhiều lợi nhuận nhất. Mục tiêu của quản lý quán bar chính là làm cho thức uống được ưa chuộng có thể mang lại nhiều lợi nhuận và thức uống mang lại nhiều lợi nhuận cũng sẽ được ưa chuộng tiêu thụ hơn. Một số kỹ thuật bán hàng mà bạn có thể áp dụng trong kinh doanh quán bar như xây dựng menu, sáng tạo thức uống, bán hàng gia tăng, thương thảo chiết khấu với nhà cung ứng,… Thông thường, việc định giá thức uống được quyết định dựa trên rất nhiều yếu tố, bao gồm chi phí nguyên liệu, chi phí mặt bằng, chi phí nhân công, cùng một số chi phí khác. Do đó, quản lý quán bar nếu muốn điều chỉnh giá để tăng lợi nhuận phải đảm bảo đã cân nhắc cẩn thận mọi yếu tố, và đồng thời cũng không nên đẩy giá quá cao so với mặt bằng chung thị trường.

Tuyển dụng, đào tạo và giám sát nhân viên

Quản lý quán bar cũng là người chịu trách nhiệm tuyển dụng và xây dựng đội ngũ nhân viên cho quán. Người quản lý sẽ phải trực tiếp phỏng vấn ứng cử viên, tìm ra người phù hợp với vị trí mình đang tìm kiếm, sau đó chịu trách nhiệm đào tạo nghiệp vụ cho đến khi họ có thể bắt đầu làm chính thức. Tuy nhiên, không phải tại quán bar nào người quản lý cũng sẽ trực tiếp đứng ra đào tạo, bạn có thể trao đổi quy định và mô tả công việc với nhân viên mới, sau đó giao lại nhiệm vụ đào tạo cho các trưởng bộ phận tương ứng. Như vậy, bạn có thể không mất quá nhiều thời gian cho nhân viên mới mà vẫn đảm bảo họ được hướng dẫn trực tiếp và chi tiết về công việc.

Sau khi nhân viên đã được đào tạo bài bản và chính thức làm việc, quản lý quán bar sẽ giám sát và đánh giá công việc của họ trong mỗi ca làm, cụ thể bao gồm sắp xếp lịch trình, phân công trách nhiệm và theo dõi hiệu quả công việc. Hơn thế nữa, một người quản lý quán bar giỏi còn phải biết cách phát triển mỗi cá nhân. Bạn nên có sẵn những tài nguyên học tập để nhân viên có thể qua đó phát triển chuyên môn của mình. Ví dụ như bạn có thể giới thiệu và khuyến khích nhân viên tham gia các khóa học về Bartender hoặc liên quan đến tính chất công việc để nhận thêm một vài chứng chỉ hữu ích. Điều này không chỉ giúp phát triển năng lực cá nhân mỗi người, mà nhân viên có trình độ chuyên môn ổn định cũng sẽ mang lại nhiều lợi thế cho hoạt động kinh doanh của quán bar.

Bên cạnh đó, nếu bạn muốn trở thành một người quản lý thành công trong mắt nhân viên, thì ngoài việc giám sát và giao việc cho họ, bạn cũng nên dẫn dắt đội ngũ nhân viên từ những quyết định và hành động cụ thể. Nói một cách dễ hiểu, hãy làm tốt những gì bạn giao cho nhân viên của mình. Chẳng hạn như trong quá trình phục vụ, bạn yêu cầu nhân viên luôn xem “khách hàng là thượng đế”, thì khi nhìn thấy khách hàng, bạn cũng nên xắn tay áo lên và vui vẻ đón tiếp họ. Với năng lượng và sự nhiệt tình như vậy sẽ giúp bạn làm gương cho nhân viên của mình, cho thấy mỗi người đều có trách nhiệm cống hiến hết mình cho sự phát triển của quán bar, đồng thời cũng khiến người quản lý trở nên gắn kết hơn, cả với nhân viên lẫn khách hàng.

Đảm bảo an toàn và sạch sẽ cho quầy bar

Quán bar cũng là một hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực F&B, do đó, việc đảm bảo môi trường quán bar luôn được giữ vệ sinh là yếu tố vô cùng quan trọng. Khách hàng sẽ đánh giá cao và có ấn tượng tốt đẹp hơn nếu bước vào một quán bar được lau dọn cẩn thận và có đầu tư chăm chút vào vẻ ngoài. Đồng thời, một quán bar sạch sẽ cũng sẽ mang đến cảm giác tích cực cho nhân viên và thúc đẩy tinh thần làm việc hiệu quả hơn. Tuy quản lý quán bar có thể không trực tiếp chịu trách nhiệm dọn dẹp, thường công việc này sẽ được giao lại cho Bartender với khu vực quầy Bar và nhân viên vệ sinh cho những khu vực còn lại, nhưng quản lý quán bar vẫn phải có trách nhiệm sắp xếp lịch dọn dẹp công bằng cho từng nhân viên, đặt mua đầy đủ các vật dụng lau dọn và kiểm soát tất cả nhiệm vụ đều được hoàn thành vào mỗi cuối ngày làm việc, đảm bảo quán bar luôn sẵn sàng đón khách cho ngày tiếp theo.

Trở thành một người quản lý có thể là một chặng đường dài đầy thử thách, tuy nhiên, muốn đi đến thành công thì không có hướng đi nào là dễ dàng cả. Do đó, nếu bạn đặt mục tiêu cho sự nghiệp của mình là một quản lý quán bar, vậy thì hãy nỗ lực thật nhiều để có thể đạt đến kỹ năng và trình độ chuyên môn mà vị trí này yêu cầu. Bạn có thể sẽ phải mất đến vài năm để đi từ Bartender lên làm quản lý quán bar, nhưng rồi khi đạt được, bạn sẽ nhận ra tất cả những nỗ lực và công sức mình bỏ ra trong suốt thời gian đều vô cùng xứng đáng.

Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img