Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeCẩm nangBar/bếpNhững Thuật Ngữ Chuyên Ngành Mà Bartender Nên Biết

Những Thuật Ngữ Chuyên Ngành Mà Bartender Nên Biết

Để trở thành một Bartender chuyên nghiệp, ngoài việc trang bị cho mình một tay nghề vững chắc, kỹ thuật pha chế giỏi cùng khả năng sáng tạo tốt, thì hiển nhiên bạn còn cần phải có cả một nền tảng kiến thức chuyên sâu, trong đó bao gồm cả các thuật ngữ chuyên ngành như Build, Free Pour, Layer, Neat, hay On The Rock,… Các thuật ngữ này có thể là tên gọi của một kỹ thuật pha chế, một dụng cụ pha chế, hoặc đôi khi còn là tên của một loại cocktail. Nắm rõ các thuật ngữ này sẽ giúp bạn hiểu hơn về nghề của mình, dễ dàng nhận biết, tránh xảy ra nhầm lẫn và thể hiện tính chuyên nghiệp trong quá trình làm việc.

[crp]

Những Thuật Ngữ Chuyên Ngành Mà Bartender Nên Biết
Nắm rõ các thuật ngữ chuyên ngành sẽ giúp bạn hiểu hơn về nghề và thể hiện tính chuyên nghiệp của mình (Nguồn: Internet)

Angel’s Share: Dùng để chỉ tình trạng rượu bay hơi trong quá trình chưng cất.

Back: Một cốc nước nhỏ (thường là nước, soda, hoặc nước ép trái cây) được phục vụ kèm với các loại rượu mạnh.

Bar Spoon: Trong tiếng Việt có thể gọi là thìa khuấy, là những chiếc thìa thường được làm bằng thép không gỉ, có cán dài, thẳng, và mỏng hơn rất nhiều so với những chiếc thìa thông thường, chủ yếu được sử dụng trong pha chế đồ uống.

Bitter: Một hỗn hợp rượu thảo mộc, rễ cây, hoa hồi, vỏ trái cây, quế,… có vị khá đắng, màu sẫm tối, thường được dùng để thêm vào cocktail nhằm gia tăng hương vị (Chẳng hạn như món cocktail Manhattan được pha chế từ hỗn hợp rượu Rye Whiskey – một loại rượu từ lúa mạch đen, rượu Vermouth, và vài giọt Angostura Bitters). Angostura Bitters là một trong những thương hiệu rượu mùi bán chạy nhất thế giới và được phát minh lần đầu tiên cho bệnh dạ dày bởi một bác sĩ người Đức vào năm 1824.

Blend: Một kỹ thuật pha chế cocktail bằng máy xay, thường được áp dụng với các loại cocktail có thành phần nguyên liệu là những loại trái cây khó vắt nước như dâu, bơ, táo, chuối,…

Build: Hay còn được gọi là kỹ thuật rót thẳng, được thực hiện với thao tác rót trực tiếp nguyên liệu (như rượu, nước hoa quả,…) theo chiều thẳng đứng 90 độ vào ly đã được cho sẵn đá.

Bruised: Một món cocktail được xem là “bruised” (bầm dập) khi được lắc quá mạnh tay làm xuất hiện nhiều mảnh vụn đá và bong bóng oxy bên trong khiến thức uống bị xỉn và đục màu. Nếu một Bartender để món cocktail của mình trở nên “bruised” có thể sẽ bị đánh giá tay nghề là nghiệp dư.

Call Drink: Dùng cho trường hợp khách hàng gọi trực tiếp thương hiệu rượu muốn dùng.

Chaser: Sau khi dùng một shot rượu mạnh, hoặc một ly neat (nguyên chất) thì “chaser” là bất kỳ thứ gì đó có thể giúp bạn làm dịu đi cảm giác hăng nồng từ thức uống có cồn trước đó.

Chill: Để “chill” một ly cocktail thì Bartender sẽ cho thêm đá và nước vào bất kỳ chiếc ly nào rồi để nghỉ trong 1-2 phút, cùng lúc đó Bartender sẽ pha chế cocktail riêng với bình shaker, sau khi đủ thời gian nghỉ thì đổ nước và đá ra ngoài để cho cocktail vào ly. Thao tác kỹ thuật này thường được sử dụng cho rượu Martini.

Cocktail: Một loại thức uống có cồn được pha chế từ hỗn hợp các loại nguyên liệu như rượu nền, rượu mùi, nước ép trái cây, chất phụ trợ hương vị (hương thảo, quế, vỏ trái cây,..) và trang trí.

Collins: Collins Glass là loại ly đặc biệt có hình trụ, thon, cao, còn Collins Spears là loại đá cũng có hình dáng thon cao tương tự chiếc ly, cả hai thường dùng để phục vụ những món thức uống đặc trưng như Tom Collins, John Collins,…

Dash: Chỉ sử dụng một giọt, hoặc một lượng rất nhỏ thành phần nguyên liệu.

Dirty: Một ly cocktail “dirty” thường sẽ được thay đổi màu sắc và hương vị bằng cách thay đổi thành phần chính trong đó. Chẳng hạn như với cocktail Martini sẽ được thêm nước ép ô liu để tạo thành Dirty Martini.

Dry: Vẫn là liên quan đến Martini, để một ly Martini trở thành Dry Martini thì Bartender sẽ cho ít rượu Vermouth đi, tỉ lệ rượu Dry Vermouth càng ít thì thức uống sẽ càng “dry”, dẫn đến hương vị cũng ít ngọt hơn.

Fizz: Thức uống có ga hoặc sủi bọt nhẹ.

Flame: Là kỹ thuật đốt lửa thức uống trước khi phục vụ cho khách. Ví dụ như với Cocktail Flaming Lamborghini với thành phần gồm ba loại rượu Baileys, Blue Curaçao và Kahluá, sau đó được xếp tầng các ly lên trên rồi đốt rượu Sambuca đổ từ trên xuống tạo thành một tháp lửa đẹp mắt.

Flip: Một loại thức uống có vị kem được tạo thành từ đường, trứng, rượu mạnh hoặc rượu vang.

Float: Dùng để chỉ hiện tượng loại rượu có nồng độ cồn nhẹ hơn nổi lên trên trong một ly shooter. (Ví dụ một ly shooter B52 có thành phần gồm ba loại rượu Kahluá, Baileys Irish Cream và Grand Marnier, trong đó Baileys Irish Cream nặng hơn Grand Marnier, còn Kahluá lại nặng hơn Baileys Irish Cream, nên các thành phần sẽ phân tầng rõ rệt theo thứ tự từ nặng nhất đến nhẹ nhất.)

Free Pour: Pha chế đồ uống với thao tác đổ tự do mà không cần sử dụng vòi rót hoặc dụng cụ pha chế để đo lường.

Frost: Nhúng ly vào nước rồi cho vào tủ đá để tạo một lớp sương mờ bao quanh ly, đặc biệt hiệu quả đối với ly dùng để phục vụ bia.

Garnish: Là kỹ thuật trang trí đồ uống để tăng thêm tính thẩm mỹ và bắt mắt hơn. Nguyên liệu trang trí có thể sử dụng lát chanh, quả anh đào, ô liu, hoặc hương thảo,… Một số nguyên liệu trang trí ngoài công dụng tạo vẻ ngoài thì một số còn có thể góp phần tăng thêm hương vị cho đồ uống.

Highball: Một loại cocktail được pha chế từ rượu mạnh và soda (hoặc nước ép trái cây,…)  và được phục vụ trong ly Collins Glass.

Jigger: Dụng cụ đo lường và định lượng chính xác thể tích các loại nguyên liệu cần dùng như rượu, syrup, nước, nước ép hoa quả,… Một jigger thường có hai đầu đo, với một đầu đo 1 ounce (30ml) và đầu còn lại có thể đo 1½ ounce (45ml).

Layer: Sự phân tầng trong ly shooter B52 được gọi là Layer, với nguyên lý rượu nặng hơn sẽ ở dưới cùng, sau đó đến các loại rượu nhẹ hơn sẽ nổi lên trên. Kỹ thuật Layer được thực hiện bằng cách rót nguyên liệu cẩn thận xuống thành ly hoặc rót qua một chiếc thìa đặt ngược.

Mixer: Là thành phần nguyên liệu không cồn đi kèm với đồ uống có cồn. Ví dụ như Rum & Coke thì mixer là Coke.

Muddle: Thường áp dụng với đồ uống như Mojito, được thực hiện với thao tác xay nghiền các loại nguyên liệu bằng một dụng cụ gọi là Muddler (Chày dầm pha chế).

Mocktail: Là thức uống được pha chế từ hỗn hợp các loại nguyên liệu như Cocktail nhưng không có cồn.

Neat: Có thể hiểu là nguyên chất, tức rượu mạnh được đổ trực tiếp ra ly để thưởng thức ngay mà không pha trộn thêm bất kỳ thành phần nguyên liệu nào khác, cũng không thêm đá, và thậm chí là không cần làm lạnh.

Pony: Một shot rượu có khối lượng 1 ounce (tương đương 30ml).

Premium: Chỉ những loại rượu cao cấp và đắt tiền. 

Rim: Kỹ thuật trang trí cho ly cocktail bằng cách làm ướt vành ly (có thể dùng nước cốt chanh) sau đó ấn nhẹ vành ly qua đĩa muối (đối với cocktail Margaritas hoặc Bloody Marys), muối cần tây (đối với Bloody Caesars), đường, kẹo mía nghiền, cùng các loại gia vị khác nếu phù hợp với thành phần trong đồ uống.

(On The) Rocks: Chỉ thức uống phục vụ chung với đá lạnh.

Roll: Quá trình trộn các thành phần bằng cách đổ nhiều lần từ bình này sang bình khác.

Shake: Là kỹ thuật cơ bản nhất trong pha chế cocktail dùng để hòa trộn các thành phần nguyên liệu với nhau bằng cách cho các nguyên liệu vào bình shaker, lắc đều, sau đó đổ ra ly, trang trí và phục vụ cho khách.

Shaker Tin: Dụng cụ dùng để pha chế cocktail.

Shooter: Rượu mạnh được phục vụ với ly shot và uống hết trong một ngụm.

Stir: Hay còn gọi là kỹ thuật khuấy, thường được áp dụng với những cocktail có cùng tỉ lệ thành phần hoặc nguyên liệu chỉ toàn rượu. Nếu kỹ thuật lắc (Shake) làm giảm nồng độ cồn trong rượu thì kỹ thuật khuấy sẽ giúp tạo thêm độ sâu và nhấn mạnh hương vị của rượu.

Tot: Một lượng nhỏ thành phần rượu.

Virgin: Là những loại thức uống không có cồn, được sử dụng để gọi những loại cocktail không chứa rượu như Virgin Bloody Mary, Virgin Pina Colada.

Well Drink: Chỉ cocktail sử dụng các loại rượu thông dụng để pha chế và thường sẽ có giá thành rẻ hơn so với Call Drink.

Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img