Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeCẩm nangLàm Thế Nào Để Gia Tăng Sự Hài Lòng Ở Nhân Viên

Làm Thế Nào Để Gia Tăng Sự Hài Lòng Ở Nhân Viên

Trong quá trình quản lý nhân sự, có thể nói việc giữ chân nhân viên sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự hài lòng của người lao động. Bình thường, để nhân viên chấp nhận ở lại làm việc làm việc đã khó nhưng ở thời điểm thiếu hụt lao động trầm trọng như hiện nay, các chủ quán cần nỗ lực hơn để có thể giữ chân được nhân sự giỏi. Muốn nhân viên gắn bó với công ty lâu dài, những nhà quản lý nên tập trung để nâng cao sự hài lòng của nhân sự.

[crp]

Đối với người lao động, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn nơi làm việc phù hợp để bắt đầu vị trí mới, nhưng giữa việc ra đi hay ở lại, nhân sự sẽ chỉ dựa trên sự hài lòng của bản thân đối với công việc. Do đó, có thể thấy việc giữ chân nhân viên tưởng chừng như khá thách thức, nhưng thực ra chỉ cần bạn quan tâm đến một số yếu tố nhất định để gia tăng sự hài lòng cho nhân viên. Dưới đây là một số gợi ý để các chủ quán có thể nâng cao sự hài lòng cho đội ngũ nhân sự của mình.

1. Tôn trọng ý kiến nhân viên

Một trong những yếu tố khiến nhân viên cảm thấy hài lòng chính là những ý kiến và chia sẻ của họ luôn được ban lãnh đạo lắng nghe. Có nhiều nhân viên sẽ lựa chọn tuân thủ theo các chỉ đạo và hướng dẫn của cấp quản lý, nhưng cũng có không ít nhân sự luôn sẵn sàng đóng góp các ý kiến cho cấp trên với mong muốn cải thiện hiệu quả cho công ty. Dù đa số những nhân viên có thiện ý giúp thương hiệu phát triển, nhưng có những chủ sở hữu sẽ thường “bỏ ngoài tai” và từ chối lắng nghe những ý kiến xây dựng từ đội ngũ nhân sự. Bởi họ dễ dàng cho rằng nhân viên sẽ không thể hiểu rõ định hướng nên ý kiến của họ không phù hợp với hướng đi của công ty.

Do đó, muốn nâng cao sự hài lòng ở nhân viên, với vai trò là một người lãnh đạo, bạn hãy dành thời gian lắng nghe những ý kiến đóng góp của nhân viên. Dù sẽ có những chia sẻ không thực sự phù hợp với phương hướng phát triển, bạn vẫn nên dành thời gian cho họ. Sau đó, bạn nên ghi nhận những đóng góp này nhưng cũng hãy giải thích rõ cho nhân viên về lý do khiến cho những chia sẻ này có thể sẽ không được thực hiện. Điều này giúp nhân sự cảm thấy họ vẫn được tôn trọng, và họ vẫn sẵn sàng chia sẻ những ý kiến để cải thiện. Biết đâu, sau này, những đóng góp của họ lại trở thành ý tưởng giúp bạn có thể phát triển hoạt động cho quán.

Ngoài ra, sẽ có những nhân viên mong muốn chia sẻ những ý kiến về một số vấn đề liên quan đến công việc cũng như các đồng nghiệp khác. Khi đối mặt với những trường hợp như thế này, bạn cũng nên lắng nghe những chia sẻ của họ, bởi đôi khi họ sẽ cho bạn biết về những tình huống tiêu cực mà bạn vốn không có đủ thời gian để chú ý. Và nếu những ý kiến của họ mang tính xây dựng và giúp cải thiện hoạt động tổ chức, bạn nên cho họ thấy sự ghi nhận về đóng góp của họ. Việc được cấp trên lắng nghe và đáp ứng những góp ý sẽ giúp nhân viên cảm thấy thoải mái, hài lòng. Điều này sẽ là yếu tố giữ chân họ tiếp tục ở lại với thương hiệu của bạn, bởi bất kỳ nhân viên nào cũng muốn được cấp quản lý tôn trọng ý kiến của họ.

2. Quan tâm đến tâm lý, cảm xúc

Tin chắc rằng có không ít chủ quán sẽ cho rằng những vấn đề tâm lý và cảm xúc nên được nhân viên tự xử lý. Nếu người lao động không thể tự xử lý và để những điều này gây ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc, nhiều chủ quán sẽ chẳng ngần ngại mà cảnh cáo nhân viên trước khi chính thức sa thải. Thực ra, với những khó khăn trong tâm lý và cảm xúc, bản thân nhân viên sẽ rất khó tự mình giải quyết được. Nếu những vấn đề tồn tại trong thời gian dài, dù bản thân nhân viên có thể vẫn hoàn thành tốt công việc, họ sẽ chẳng ngần ngại mà rời khỏi vị trí hiện tại.

Làm Thế Nào Để Gia Tăng Sự Hài Lòng Ở Nhân Viên
Hãy chủ động quan tâm và giải quyết những vấn đề tâm lý cho nhân viên để gia tăng sự hài lòng và năng suất làm việc (Nguồn: Internet)

Do đó, để gia tăng sự hài lòng của nhân viên nhằm giữ chân họ với thương hiệu, bạn nên quan tâm hơn đến tâm lý và cảm xúc của người lao động. Có những nhân sự họ gặp không ít khó khăn trong tâm lý, có thể đến từ đồng nghiệp, nhưng cũng có khi đến từ cuộc sống riêng. Điều cần thiết mà bạn nên làm là khuyến khích họ giải bày để có thể tìm kiếm được phương án xử lý thích hợp. Bởi chỉ khi nhân viên cảm thấy vui vẻ và thoải mái, họ mới sẵn sàng cống hiến hết mình cũng như mong muốn gắn bó lâu dài với công việc hiện tại.

Đôi khi, sẽ có những vấn đề về tâm lý và cảm xúc mà nhân viên không muốn nói ra, lúc này, bạn cần có cách giao tiếp phù hợp để họ tự tin chia sẻ. Hoặc nếu bạn không có khả năng, hãy nhờ các chuyên gia tâm lý đến quan sát và tư vấn. Những khoản đầu tư sẽ không hề lãng phí, bởi bạn sẽ xây dựng được lòng trung thành ở nhân viên. Trong khi đó, nếu bạn thờ ơ với tâm lý và cảm xúc nhân viên, họ sẽ chẳng ngần ngại mà nhảy việc, lúc này chi phí bạn chi trả cho việc tuyển dụng nhân viên mới sẽ tốn kém hơn rất nhiều.

3. Xử lý mâu thuẫn kịp thời

Việc tiếp xúc và làm việc giữa người với người ắt hẳn sẽ có những bất đồng quan điểm dẫn đến những mâu thuẫn hoặc xung đột giữa đồng nghiệp. Với nhiều nhà quản lý, họ cho rằng các nhân viên đều là người trưởng thành, lẽ dĩ nhiên họ có thể tự giải quyết với nhau. Đúng là có thể sau một thời gian, sự việc sẽ được xử lý, nhưng hoàn toàn không triệt để. Những xung đột này có thể sẽ là lý do khiến những đồng nghiệp “bằng mặt không bằng lòng” và nếu kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả chung của tổ chức.

Muốn hạn chế tình trạng này, bạn nên có những buổi gặp gỡ với các tổ trưởng bộ phận hoặc thậm chí là với riêng nhân viên, nếu số lượng nhân viên của bạn dao động trong khoảng 10 – 20 người. Việc kịp thời có những cuộc gặp mặt trực tiếp sẽ giúp bạn kịp thời nắm bắt những thông tin cần thiết để nhanh chóng xử lý những mâu thuẫn nội bộ. Nhưng khi cần giải quyết các xung đột, bạn chỉ nên là cầu nối để phân tích tình huống nhưng hãy tạo cơ hội để các nhân viên tự xử lý với nhau dưới sự quan sát của bạn và tổ trưởng trực tiếp. Việc bạn quan tâm và tham gia để giải quyết công khai mâu thuẫn sẽ giúp các nhân viên cảm thấy bạn công bằng hơn. Điều này sẽ trở thành yếu tố để họ lựa chọn gắn bó lâu dài với bạn.

Với các nhân viên, việc nhận được những mức lương cao hay đãi ngộ chỉ là một yếu tố nhỏ trong quyết định lựa chọn gắn bó lâu dài với 1 thương hiệu. Điều quan trọng khiến họ mong muốn tiếp tục làm việc ở một nơi chính là sự hài lòng. Một khi họ cảm thấy thoải mái và hài lòng với công ty, họ sẵn sàng gắn bó lâu dài, bất kể nhận được những đãi ngộ hấp dẫn hơn. Chính vì thế, muốn giữ chân nhân viên, các chủ quán chú ý đến những yếu tố được chia sẻ trong bài để có thể nâng cao sự hài lòng của đội ngũ nhân sự.

Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img