Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeCẩm nangBar/bếpLàm Thế Nào Để Đầu Bếp Có Thể Giải Tỏa Áp Lực...

Làm Thế Nào Để Đầu Bếp Có Thể Giải Tỏa Áp Lực Công Việc Của Mình?

Làm việc trong một căn bếp chuyên nghiệp cũng đồng nghĩa với việc các đầu bếp sẽ phải đối mặt với khối lượng lớn áp lực công việc, và bất kỳ đầu bếp dù ở vị trí nào cũng đều thừa nhận điều này. Thời gian làm việc kéo dài, phải đứng và di chuyển liên tục trong suốt nhiều giờ liền, không gian chật hẹp và nóng bức, khả năng bị thương cao,… là những vấn đề mà các đầu bếp phải đối mặt gần như mỗi ngày, trong mỗi ca làm việc của mình, khiến khả năng xử lý căng thẳng của họ đôi khi rơi vào tình trạng quá tải và không kiểm soát được. Do vậy, các đầu bếp thường xuyên phải tìm cách giải tỏa áp lực công việc của mình. Dưới đây là một số cách có thể giúp đầu bếp giảm bớt căng thẳng và nâng cao tinh thần để có thể gắn bó lâu hơn về nghề.

[crp]

Làm Thế Nào Để Đầu Bếp Có Thể Giải Tỏa Áp Lực Công Việc Của Mình
Căng thẳng là vấn đề mà các đầu bếp phải đối mặt gần như mỗi ngày, trong mỗi ca làm việc của mình (Nguồn: Internet)

Tìm ra nguyên nhân khiến bản thân căng thẳng

Vốn dĩ mỗi người đều sẽ có ngưỡng chịu đựng khác nhau, vậy nên, tuy cùng là nghề bếp, nhưng nguyên nhân gây ra căng thẳng lại có thể xuất phát từ nhiều lý do không giống nhau. Chẳng hạn như trong khi bạn có thể bị ảnh hưởng bởi không gian làm việc quá chật chội và nóng bức, thì đầu bếp khác có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi vì sự hối hả của quá trình phục vụ khách hàng, hoặc cũng có một đầu bếp khác lại cảm thấy khó khăn nhất của nghề bếp là không có đủ thời gian dành cho bản thân và gia đình. 

Do đó, bước đầu tiên để kiểm soát áp lực là xác định nguyên nhân thật sự dẫn đến sự căng thẳng của bản thân là gì, để từ đó tìm ra cách giải quyết phù hợp nhất. Nếu như xuất phát từ không gian làm việc, vậy thì hãy dọn dẹp và sắp xếp lại mọi thứ có tổ chức hơn, hay nếu như tiếng thúc giục của bếp trưởng khiến bạn trở nên hồi hộp, tim đập nhanh, vậy thì hãy áp dụng kỹ thuật hít thở sâu để điều chỉnh lại trạng thái cơ thể của mình. Bất kỳ áp lực nào cũng đều có nguyên nhân của nó, và xác định đúng yếu tố gây căng thẳng sẽ giúp bạn có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề, trở về với trạng thái ổn định để tiếp tục làm việc.

Thiết lập chế độ sinh hoạt khoa học

Hẳn bạn đã phải nghe điều này rất nhiều lần rồi, thậm chí còn có cảm giác mọi người “ra rả” bên tai rằng phải có chế độ sinh hoạt khoa học, ăn ngủ điều độ, tập thể dục thường xuyên,… Và bạn thầm nghĩ rằng làm đầu bếp đến thời gian ăn còn không có thì làm sao có thời gian để ăn uống điều độ được, và sau một ngày dài làm việc cũng không còn sức để tập thể dục thường xuyên nữa? Thế nhưng, những lời khuyên này hoàn toàn không hề sáo rỗng chút nào, nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng thói quen sinh hoạt lành mạnh sẽ đem lại hiệu quả cao cho việc giảm áp lực căng thẳng. Ăn uống, ngủ nghỉ đúng cách và tập thể dục đều đặn sẽ rất tốt cho sức khỏe thể chất của bạn, nhưng hơn hết, chúng còn tạo nên những điều tuyệt vời cho sức khỏe tinh thần. Chính những điều này sẽ giúp bạn tăng cường endorphin, điều chỉnh dopamine, mà nói một cách đơn giản là khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn.

Làm Thế Nào Để Đầu Bếp Có Thể Giải Tỏa Áp Lực Công Việc Của Mình
Các đầu bếp thường xuyên phải tìm cách giải tỏa áp lực công việc của mình (Nguồn: Internet)

Đặt giới hạn công việc cho chính mình

Thông thường, nguồn gốc của mọi căng thẳng trong công việc đều bắt đầu từ cảm giác cho rằng công việc không bao giờ có thể kết thúc, mỗi ngày đều phải đến bếp làm việc trong từng ấy thời gian, từng ấy khối lượng việc phải làm và cứ liên tục lặp lại không ngừng như vậy, lâu dần sẽ xuất hiện cảm giác mệt mỏi và chán nản với công việc mình. Do đó, để chấm dứt tình trạng này, hãy thử nghĩ đến việc không phải lúc nào bạn cũng luôn trong tư thế chiến đấu với căn bếp căng thẳng kia, thử tự đặt giới hạn công việc cho bản thân và chỉ nên đặt trong thời gian ngắn hạn, khả năng thực hiện cao, sau đó nỗ lực đạt đến giới hạn ấy, rồi lặp lại tương tự. Cảm giác có tín niệm sẽ tạo cho bạn nhiều động lực làm việc hơn, áp lực công việc lúc này cũng được chuyển thành mục tiêu phấn đấu. Tuy rằng có thể không làm giảm khối lượng công việc thực tế, nhưng ít nhất đã có thể giúp bạn xoa dịu căng thẳng về tinh thần.

Giữ cho khu vực làm việc luôn ngăn nắp, sạch sẽ

Đối với nghề bếp, vệ sinh sạch sẽ khu vực làm việc của mình được xem như một kỹ năng vô cùng quan trọng. Thế nhưng, liệu có ai biết được cũng chính kỹ năng này sẽ giúp các đầu bếp giảm bớt áp lực trong công việc của mình. Hơn nữa, hiển nhiên rằng cảm giác được nhìn vào một căn bếp gọn gàng, sạch sẽ luôn mang lại cảm giác sảng khoái và “thích mắt” hơn là nhìn vào một căn bếp bừa bộn, lại nhơ nhuốc dầu mỡ. Sử dụng các hộp được dán nhãn để cất gọn và dễ dàng phân loại nguyên liệu, vứt bỏ thực phẩm hết hạn, xử lý đúng cách thực phẩm thừa, đổi mới các dụng cụ nấu bếp đã cũ, dùng khăn để lau bát đĩa, đeo tạp dề để giữ cho đồng phục luôn được sạch sẽ,… Tất cả những điều này sẽ giúp bạn có được tinh thần làm việc phấn chấn hơn, và đồng thời, còn mang lại cho bạn dáng vẻ của một đầu bếp chuyên nghiệp.

Làm việc thông minh, đừng làm việc chăm chỉ

Các đầu bếp luôn trong trạng thái vội vàng để có thể chuẩn bị món ăn nhanh chóng phục vụ khách hàng. Sự vội vàng này có thể thúc đẩy khả năng làm việc của mọi người, nhưng đồng thời lại cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên áp lực cho nghề bếp. Nếu như bạn có thể làm việc theo một quy trình hiệu quả hơn, có tổ chức hơn, như vậy bạn sẽ tiết kiệm thời gian và công sức hoàn thành công việc mà không cần phải lãng phí nỗ lực của mình. Ví dụ như dán nhãn các hộp nguyên liệu, gia vị, sắp xếp gọn gàng và cất lại đúng vị trí sau khi sử dụng để lần sau có thể nhanh chóng tìm thấy khi cần dùng đến, chuẩn bị sẵn các loại nguyên liệu thường dùng để không mất thời gian cứ đi lại tới lui giữa kho hàng và nhà bếp,… Những sự chuẩn bị tuy rất nhỏ và đơn giản này, nhưng theo thời gian nhất định sẽ mang lại nhiều thay đổi tích cực trong quá trình làm việc của bạn, khiến mọi hoạt động trở nên có hiệu quả hơn. 

Cởi mở và tìm kiếm niềm vui trong công việc

Một trong những điều mang đến môi trường làm việc tuyệt vời chính là sự kết nối với đồng nghiệp. Tính chất công việc của nghề bếp đầy áp lực, thường xuyên phải rơi vào trạng thái căng thẳng, thể lực không đủ đáp ứng khối lượng trong thời gian dài, vậy nên, điều quan trọng nhất là đầu bếp phải biết khi nào cần nhờ đến sự giúp đỡ của mọi người, học cách giải tỏa căng thẳng cũng như đưa mọi thứ trở về hoạt động nhịp nhàng đúng theo quỹ đạo trong căn bếp chuyên nghiệp. Và để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, mọi người cần hợp tác làm việc cùng nhau với tinh thần vui vẻ và cầu tiến. Hơn thế nữa, đôi khi trong quá trình nghỉ giải lao cũng hãy nhắc nhở bản thân về tình yêu dành cho ẩm thực, cho nghề bếp như thế nào, để qua đó nhớ lại điều gì đã khiến bạn quyết định trở thành một đầu bếp như ngày hôm nay, giữ vững quyết tâm ban đầu của mình là chìa khóa sẽ giúp bạn có nhiều động lực làm việc hơn. 

Tự thưởng cho bản thân sau thời gian làm việc

Đôi khi, cách giải tỏa căng thẳng và chữa lành vết thương tâm lý tốt nhất không phải là bất kỳ biện pháp hay kỹ thuật phức tạp nào, mà chỉ đơn giản là đối xử tốt với bản thân nhiều hơn. Có rất nhiều đầu bếp sau thời gian làm việc phải tìm kiếm thức uống có cồn, thuốc lá hoặc thậm chí là chất kích thích (chất gây nghiện) để giải tỏa áp lực, thế nhưng những thứ này không những không có hiệu quả mà ngược lại càng khiến sự mệt mỏi trở nên càng nặng nề hơn. Thay vào đó, hãy tự thưởng cho bản thân bằng quãng thời gian thư giãn đúng nghĩa, tận hưởng những gì mình thích, và theo đuổi những sở thích cá nhân khác. Tự thưởng là một cách tuyệt vời để nhìn nhận thành quả công việc của mình, đồng thời cũng là để tự động viên và khích lệ bản thân có tinh thần làm việc hơn. 

Tình yêu dành cho ẩm thực và nấu nướng là điều thu hút mọi người đến với ngành này, nhưng rồi, mọi người cũng thường bị choáng ngợp bởi khối lượng công việc và môi trường áp lực cao mà họ phải đối mặt. Đầu bếp và căng thẳng gần như là hai yếu tố luôn song hành cùng nhau, làm đầu bếp chắc chắn sẽ không tránh khỏi căng thẳng, và căng thẳng cũng chắc chắn sẽ luôn tồn tại với nghề bếp. Việc mọi người cần làm chính là tìm cách kiểm soát chúng để có thể điều chỉnh tinh thần và sức khỏe luôn trong điều kiện ổn định nhất. Tuy nhiên, không phải áp lực nào cũng đều mang lại trạng thái tiêu cực, đôi khi áp lực còn là cách giúp bạn thúc đẩy bản thân càng quyết tâm tiến đến mục tiêu hơn. Điều quan trọng là phải giữ vững niềm đam mê và ý chí của mình để có thể điểm dựa vào và vượt qua mọi thử thách trong nghề bếp này. 

Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img