Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeCẩm nangBar/bếpNhững Điều Nên Biết Trước Khi Trở Thành Một Đầu Bếp Chuyên...

Những Điều Nên Biết Trước Khi Trở Thành Một Đầu Bếp Chuyên Nghiệp

Trở thành đầu bếp chuyên nghiệp là cả một chặng đường dài với đầy những thử thách và khó khăn. Chặng đường này có thể kéo dài vài năm, hoặc thậm chí nhiều hơn cả thế để bạn đi từ một phụ bếp, một chân chạy vặt lúc đầu đến khi được đứng chính trong căn bếp và tự tin với vai trò của một đầu bếp chuyên nghiệp. Trong quá trình đó, sẽ có rất nhiều điều bạn vẫn chưa biết hết, và cũng sẽ có những điều mà bạn ước rằng giá mà mình được biết sớm hơn để có thể tận dụng tối đa toàn bộ thời gian cũng như công sức trong mỗi giai đoạn trên chặng đường trở thành đầu bếp chuyên nghiệp này.

[crp]

Những Điều Nên Biết Trước Khi Trở Thành Một Đầu Bếp Chuyên Nghiệp
Trở thành đầu bếp chuyên nghiệp là cả một chặng đường dài với đầy những thử thách và khó khăn (Nguồn: Internet)

Bạn không nhất thiết phải theo học một trường dạy nghề bếp

Nghe rất vô lý phải không khi trường dạy nghề là bước đi đầu tiên và cũng là cơ bản nhất để đưa bạn trở thành một đầu bếp thực thụ. Thế nhưng, thực tế thì bạn không nhất thiết phải theo học một trường ẩm thực mới có thể xây dựng được nền tảng về nghề bếp cho mình. Dù cho bạn vừa ra trường hay lần đầu tiếp xúc với nghề bếp thì cả hai đều có chung xuất phát điểm từ vị trí phụ bếp đi lên. 

Các kỹ năng bạn học được từ trường dạy nghề chưa chắc đã có được không gian ứng dụng vào thực tiễn vì mọi kiến thức chủ yếu vẫn mang lý thuyết, nhưng ngược lại, những gì bạn học được từ thực tế khi tiếp xúc với nghề thì chắc chắn tất cả đều sẽ có giá trị trong quá trình làm việc của bạn. Bạn sẽ rút ngắn được thời gian đến với nghề, thu hoạch được nhiều kinh nghiệm thực tiễn hơn và cũng được làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp sớm hơn. Tất nhiên rằng điều này không có nghĩa là sẽ lược bỏ hoàn toàn giai đoạn theo học các trường dạy nghề đâu nhé. Tuy đã có kinh nghiệm, nhưng những tấm chứng chỉ bạn nhận được sau mỗi khóa học sẽ là yếu tố giúp bạn nâng cao lợi thế cho hồ sơ xin việc của mình. 

Những Điều Nên Biết Trước Khi Trở Thành Một Đầu Bếp Chuyên Nghiệp
Sẽ mất nhiều thời gian để bạn đi từ một phụ bếp đến khi trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp (Nguồn: Internet)

Mục tiêu sự nghiệp của bạn sẽ thay đổi theo từng giai đoạn

Trong thời gian đầu đến với nghề bếp, bạn có thể sẽ chỉ có một mục tiêu duy nhất cho bản thân là thăng tiến đến vị trí bếp chính và trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp. Tuy nhiên, theo dần thời gian, càng tiếp xúc với nghề và càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm thì bản thân bạn sẽ càng ấp ủ thêm nhiều dự định mới và đặt mục tiêu cao hơn. Đó có thể là trở thành đầu bếp ở một nhà hàng cao cấp vài sao, thăng tiến đến vị trí Bếp trưởng, hoặc cũng có thể là sở hữu một nhà hàng của riêng mình. Mỗi mục tiêu đều bắt nguồn từ ngọn lửa tinh thần nhen nhóm bên trong mỗi bản thân, nhưng dù đó là gì thì điều quan trọng hơn hết là phải đảm bảo về tính thực tế. Bạn cần phải tìm được đúng sự cân bằng cho cuộc sống của mình, biết được những điểm mình còn thiếu sót của mình để khắc phục và hiểu rõ ưu điểm của bản thân để tận dụng làm lợi thế phát triển sự nghiệp.

Mọi người sẽ cho rằng cuộc sống đầu bếp của bạn giống hệt những gì được thể hiện trên TV

Rõ ràng là mọi thứ được đưa lên truyền hình bao giờ cũng đều rất bóng bẩy và hào nhoáng, với nghề bếp cũng không ngoại lệ. Các đầu bếp trên TV đều được khắc họa vô cùng tài giỏi và thành công, họ khoác lên mình một lớp quần áo chỉn chu, nấu những món ăn vừa đẹp mắt vừa ngon miệng rồi thưởng thức chúng. Tất nhiên là chỉ những đầu bếp tài giỏi và thành công thật sự mới có thể xuất hiện trên TV như thế, nhưng đồng thời, cũng chính vì điều này đã khiến nhiều người ngoài ngành lầm tưởng về tính chất công việc của một đầu bếp. Và dù cho bạn có yêu nghề bếp đến như thế nào đi nữa, thì việc thường xuyên bị mọi người hiểu lầm là một công việc được “ăn ngon lương cao” mà quên đi công sức thật sự bạn bỏ ra để theo đuổi nghề, đôi khi có thể sẽ khiến bạn cảm thấy chạnh lòng đấy. 

Thời gian làm việc kéo dài, nhưng tính chất công việc sẽ thay đổi theo từng vị trí

Một điều rõ ràng nhất về nghề bếp chính là thời gian làm việc kéo dài, thậm chí nhiều hơn cả giờ hành chính so với dân văn phòng. Bạn hoàn toàn có thể sẽ phải bắt đầu ca làm việc vào lúc 7 giờ sáng và kết thúc vào 10 giờ tối cùng thời điểm nhà hàng hết giờ hoạt động. Thế nhưng với từng vị trí công việc, bạn sẽ đảm nhận các trách nhiệm công việc khác nhau. 

Chẳng hạn như khi mới vào làm, với vai trò phụ bếp thì bạn chỉ phải thái rau, làm sạch thực phẩm, tính toán và phân chia khẩu phần,… Như vậy cho dù làm việc trong thời gian dài thì cơ thể bạn vẫn có đủ khả năng chịu đựng và không quá áp lực. Cho đến khi bạn trở thành bếp chính, chịu trách nhiệm nấu ăn thì bạn sẽ phải tiếp xúc với bếp nóng, chảo dầu, di chuyển liên tục, và chịu áp lực thời gian để nhanh chóng phục vụ cho khách hàng mà vẫn phải đảm bảo được hương vị món ăn luôn đồng nhất. Và nếu như bạn có thể phát triển sự nghiệp với một nhà hàng của riêng mình thì sẽ còn phải đảm nhận cả trách nhiệm quản lý nhân viên lẫn các vấn đề về tài chính khác.

Ngày nghỉ thật sự không nhiều, nhất là trong thời gian đầu

Công việc của một đầu bếp ngoài làm việc liên tục trong thời gian kéo dài thì bạn còn có thể phải đánh đổi cả những ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ phép và kỳ nghỉ lễ của mình. Đặc biệt là vào những ngày cuối tuần và ngày lễ bạn sẽ phải làm việc nhiều hơn cả những thường ngày vì đây là thời điểm vàng để nhà hàng thúc đẩy doanh thu của mình. Do đó, hãy trân trọng từng giây từng phút nếu có thời gian rảnh rỗi. Bạn có thể cho phép bản thân được nghỉ ngơi sau khoảng thời gian nỗ lực làm việc, đi chơi cùng gia đình, bạn bè hoặc tham gia các hoạt động sở thích của mình. Tận dụng tốt ngày nghỉ sẽ là cách tuyệt vời giúp bạn nạp lại năng lượng cho cả thể chất và tinh thần của mình. Đừng để những ngày nghỉ trôi qua vô nghĩa, chưa kịp làm gì đã phải nhanh chóng quay lại với guồng quay công việc nhé.

Trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp không đơn thuần chỉ là nấu ăn

Mà bên cạnh đó, bạn cũng đang đảm nhận vai trò như một người nghệ sĩ biểu diễn và thể hiện tác phẩm của mình qua những món ăn. Hãy xem những món ăn ấy tựa như một bản nhạc, thành phần nguyên liệu là nốt nhạc, và hương thơm, mùi vị cũng như phần trang trí của món ăn chính là giai điệu. Việc bạn cần làm là để khách hàng có thể cảm nhận trọn vẹn tác phẩm đó bằng tất cả giác quan của mình, bao gồm vị giác, khứu giác, thị giác và cả xúc giác. Một món ăn hoàn hảo ngoài hương vị thì còn cần phải được trang trí đẹp mắt, và ngược lại, một món ăn cho dù nhìn hấp dẫn đến mấy nhưng không đạt chất lượng về mặt mùi vị thì vẫn chỉ là một món ăn thất bại mà thôi. Có thể trở thành đầu bếp chuyên nghiệp chính là lúc bạn có thể sáng tác nên bất kỳ bản nhạc nào mà mình thích và mang đến cho khách hàng sự hài lòng tuyệt đối khi thưởng thức giai điệu của chúng. 

Trở thành một đầu bếp là sự lựa chọn rất tuyệt vời nếu như bạn có niềm đam mê dành cho ẩm thực cũng như nghề bếp. Và có thể trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp thì sẽ càng tuyệt vời hơn nữa, điều đó chứng tỏ bạn đã luôn kiên trì với lựa chọn của mình để rồi nhận được thành quả xứng đáng. Tuy rằng nghề bếp sẽ có nhiều khó khăn và trở ngại, thế nhưng công việc nào cũng đều sẽ có những áp lực riêng như vậy. Điều quan trọng là bạn phải xác định được mục tiêu phấn đấu của mình và nỗ lực thực hiện đến cùng thì tất cả những thách thực hiện tại chỉ là điều kiện cần để bạn đạt được thành công như mong muốn.

Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img