Thị trường bánh trung thu hằng năm đã không còn xa lạ gì với hình ảnh treo biển “mua 1 tặng 3”, “mua 1 tặng 4”, hay “mua 1 hộp thành 3 hộp” trước mỗi cửa hàng. Thậm chí, những tấm biển này còn xuất hiện từ rất sớm ngay cả khi chưa vào rằm. Các chiến lược khuyến mãi “sốc” này đã thành công thu hút rất đông khách hàng ghé vào mua, nhưng rồi lại “ngã ngửa” vì sự thật không được như quảng cáo. Vậy, chính xác chiêu trò mua 1 tặng 4 hoạt động như thế nào và hiệu quả ra sao mà năm nào được đem áp dụng?
Nội dung chính
1. Lật tẩy chiêu trò mua 1 tặng 4 trên thị trường bánh trung thu hằng năm
Hình ảnh các kiosk, hàng bán bánh trung thu được dựng lên khắp các cung đường đã quá quen thuộc với người tiêu dùng cứ vào mỗi dịp rằm tháng tám hằng năm. Đáng nói hơn, đi cùng với đó chính là hàng loạt thông báo khuyến mãi được treo lên bằng những từ ngữ rất “kêu” như mua 1 tặng 4, mua 1 tặng 3, mua 1 hộp thành 2 hộp, đại hạ giá 50%, giảm giá sốc, khuyến mãi khủng,… Và hiển nhiên, những chiêu trò tiếp thị này đã thành công thu hút không ít người đi đường ghé vào hỏi mua bánh trung thu.
Dẫu vậy, khách hàng cũng nhanh chóng “ngã ngửa” bởi sự thật không như các cửa hàng mời chào. Theo đó, các cửa hàng treo bảng “mua 1 tặng 4” hay “mua 1 tặng 3” thường sẽ đôn giá lên cao hơn rất nhiều so với giá gốc để bán khuyến mãi. Ví dụ, một bánh trung thu có giá gốc là 40.000 đồng, cửa hàng sẽ nâng giá bán lên thành 160.000 đồng/bánh và áp dụng chiêu bán hàng mua 1 tặng 4. Như vậy, khách hàng sẽ mua bánh với giá khuyến mãi nhưng thực chất vẫn trả đúng giá 160.000 đồng cho 4 bánh.
Bên cạnh đó, một số cửa hàng còn lập lờ khi không nêu rõ chiêu khuyến mãi được áp dụng cho thương hiệu nào. Rất nhiều khách hàng khi ghé vào mua rồi lại ngậm ngùi “quay xe” vì cửa hàng chỉ áp dụng khuyến mãi cho vài thương hiệu nhất định, đôi khi tặng kèm bánh mang thương hiệu khác hoặc tặng kèm bánh trẻ em. Thậm chí, một số nơi còn treo bảng khuyến mãi “Đ.K 10-15K/cái”, nhưng đây đều là những loại bánh không có nhãn mác, xuất xứ, ngày sản xuất, hay thành phần nguyên liệu, và chỉ được đựng trong một chiếc hộp nhựa mỏng, sơ sài.
Mặc dù bị xem là lừa dối khách hàng, thế nhưng chiêu trò này vẫn luôn được áp dụng đều đặn hằng năm với nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu để thu hút khách hàng và kích cầu. Thực tế, các chiêu trò tiếp thị khuyến mãi này đều do các người bán tự bày ra và thay đổi giá bán niêm yết, phía thương hiệu không hề đề xuất những chương trình như vậy. Các công ty sản xuất bánh trung thu lâu năm như Kinh Đô, Đồng Khánh, Bibica,… khẳng định không có chủ trương giảm giá bánh hay khuyến mãi đi kèm, các sản phẩm bánh luôn giữ giá bán ổn định trong suốt mùa vụ.
Xem thêm: Marketing Mùa Trung Thu: Khi Các Thương Hiệu Cà Phê “Đua Nhau” Làm Bánh |
2. Thị trường bánh trung thu đại hạ giá nhưng vẫn… ế
Những tấm bảng khuyến mãi “khủng” đã thành công thu hút đông đảo khách hàng, thế nhưng cũng vì tất cả đều chỉ là chiêu trò tiếp thị, nên phần lớn khách hàng đều ghé vào xem rồi lại rời đi ngay khi biết được sự thật. Do vậy mà dù năm nào thị trường bánh trung thu cũng đều giảm giá rất sâu, rất mạnh nhưng người bán vẫn rơi vào tình trạng ế hàng, bánh còn tồn đọng khá nhiều. Khách hàng dần trở nên cẩn trọng hơn trước các “mồi nhử” mua 1 tặng 4, đại hạ giá hay khuyến mãi sốc.
Đồng thời, việc các quầy hàng đặt san sát nhau cũng là một trong những lý do khiến mức độ cạnh tranh tăng cao, chia nhỏ thêm lượng khách hàng vốn đã nhỏ sẵn. Dễ dàng thấy được trung bình mỗi cung đường sẽ có ít nhất 5-6 quầy bán bánh trung thu được dựng lên cạnh nhau, nhiều chủ quầy chia sẻ dù ngồi từ sáng sớm đến tận tối mịt cũng chưa bán được 10 hộp bánh. Đây là một con số vô cùng “khiêm tốn” nếu so với những năm trước đó có thể bán lên đến hàng chục hộp bánh mỗi ngày vì khách hàng có xu hướng mua theo số lượng lớn để đem biếu người thân, đem tặng bạn bè.
Như một vòng lặp không hồi kết, khách hàng không còn tin vào các chiêu trò khuyến mãi, còn quầy hàng bán chậm thì lại càng đẩy mạnh những chiêu trò “ảo giá” này. Chính vì thế mà dù “bình cũ rượu mốc” thì người ta vẫn thường thấy các tấm bảng mua 1 tặng 4, mua 1 tặng 3,… nhan nhản trên khắp các quầy bánh trung thu cứ vào mỗi dịp rằm tháng tám hằng năm.

Không chỉ vậy, khách hàng ngày nay có nhiều lựa chọn bánh trung thu hơn bao giờ hết. Bên cạnh những lựa chọn bánh truyền thống, thị trường bánh trung thu trong những năm qua đã trở thành sân chơi của các bộ sưu tập bánh trung thu hiện đại đến từ nhiều thương hiệu khác nhau, trong đó bao gồm cả những thương hiệu cà phê cũng không năm ngoài cuộc đua này. The Coffee House, Highlands Coffee, Starbucks, Cheese Coffee, Phúc Long, Katinat Saigon Kafé, Cộng Cà Phê,… đều là những cái tên nổi bật trên thị trường bánh trung thu trong những năm gần đây. Bộ sưu tập bánh trung thu của những thương hiệu này vừa được đầu tư về thẩm mỹ với nhiều thiết kế bắt mắt cả về ngoại hình bánh lẫn bao bì hộp đựng, vừa đổi mới trải nghiệm hương vị với sự sáng tạo trong việc sử dụng và kết hợp nguyên liệu lạ, hấp dẫn và ngon hơn.
Cuối cùng, ngoài những điểm bán lẻ và kênh phân phối truyền thống, sự phát triển của công nghệ hiện đại còn cho phép các thương hiệu có thể mở rộng kênh bán hàng của mình tại các nền tảng trực tuyến như website chính thức, mạng xã hội, hay các sàn giao dịch điện tử (Shopee, Lazada, Tiki,…), cho phép khách hàng dễ dàng lựa chọn và đặt bánh. Điều này khiến các kiosk, quầy hàng bánh trung thu truyền thống càng trở nên chật vật hơn trên chính sân nhà của mình.

Xem thêm: “Đập Hộp” Bánh Trung Thu 2023 Của Thương Hiệu Cà Phê Nổi Tiếng Tại Việt Nam |
3. Có nên “săn sale” bánh trung thu giá rẻ
Có hai lý do chính khiến các quầy bánh giảm giá sập sàn: Một là bánh sắp hết hạn sử dụng nên cần phải bán gấp trước ngày hết hạn không sử dụng được nữa. Hai là tốc độ bán chậm nên cần hạ giá để đẩy bánh đi nhanh nhằm kịp thời thu hồi vốn và trả mặt bằng sớm đỡ phần nào chi phí. Thực tế, không phải bánh giảm giá nào cũng không tốt, nhưng nếu muốn “săn sale” bánh trung thu, người tiêu dùng sẽ cần lưu ý đến một số yếu tố để tránh tình trạng “của rẻ là của ôi”, làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của mình.
Hầu hết tại các quầy hàng đại hạ giá, bánh đều được bày bán trong tủ kính dưới nắng với điều kiện nhiệt độ ngoài trời trong nhiều ngày liên tục, dễ khiến bánh nhanh bị hỏng và không còn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn sử dụng. Do vậy, khi mua bánh trung thu khuyến mãi, người tiêu dùng cần quan sát các chi tiết sau đây để chọn được bánh ngon nhất:
– Ngày sản xuất, hạn sử dụng: Đảm bảo bánh vẫn còn hạn sử dụng là một trong những yếu tố đầu tiên cần cân nhắc trước khi quyết định mua bánh. Rất nhiều quầy bán dùng chiêu mua 1 tặng 4 để đẩy nhanh các bánh chỉ còn vài ngày nữa là hết hạn sử dụng. Bên cạnh đó, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học thực phẩm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, phụ gia bảo quản thực phẩm có tác dụng tốt nhất chỉ trong 1 tháng, nếu bánh có hạn sử dụng trên 1 tháng tức là có vấn đề.
– Hình dáng của bánh: Tiếp đến, khách hàng cần quan sát ngoại hình bánh vẫn còn giữ nguyên khuôn, không bị biến dạng như méo, nứt hay lên men nấm mốc, và bao bì không bị bạc màu hay rách nát. Đối với bánh nướng truyền thống, về cảm quan bánh phải có được màu vàng đều, vỏ bánh mỏng, và nhân không bị vụn khi cắt ra. Đối với bánh dẻo, bề mặt bánh có phần mịn hơn, trơn và không có màu sắc khác thường. Nếu bánh cắt ra bị chảy nước thì phần lớn đều là bánh cũ, để lâu ngày và có nguy cơ đã bị mốc.
– Thành phần, nguồn gốc của bánh: Trên bất kỳ bao bì bánh trung thu nào cũng đều có đầy đủ thông tin về thành phần nguyên liệu. Nếu là bánh nhái, bánh kém chất lượng thì bao bì có thể thiếu thành phần nguyên liệu, hoặc được thể hiện một cách qua loa, không rõ ràng. Đồng thời, người tiêu dùng cũng nên xem kỹ xuất xứ để đảm bảo nguồn gốc của bánh. Một số thương hiệu ăn theo trên thị trường hiện nay thường xuất hiện với cái tên có phần giống với thương hiệu gốc, được ghi rất mờ, nhỏ và ngụy trang bằng nhiều họa tiết trang trí trên bao bì, khiến khách hàng dễ nhầm lẫn nếu không để ý kỹ.
– Hỏi kỹ người bán về chương trình khuyến mãi trước khi mua: Như đã nói, các chiêu trò tiếp thị mua 1 tặng 4, hay đại hạ giá, người bán có thể chỉ áp dụng cho vài thương hiệu nhất định, tặng kèm bánh mang thương hiệu khác hoặc tặng kèm bánh trẻ em, bánh loại nhỏ. Vì vậy, người tiêu dùng cần hỏi rõ người bán khi mua bánh trung thu để không bị lắt léo qua mặt trước các chiêu trò tinh vi.

Mua 1 tặng 4 hay mua 1 tặng 3 đều phụ thuộc vào mục đích và nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, khách hàng sẽ cần cẩn trọng hơn trước vô vàn thương hiệu, cửa hàng và quầy bán bánh trung thu chen chúc nhau trên thị trường hiện nay. Lựa chọn bánh uy tín và đảm bảo chất lượng sẽ giúp mọi người có được mùa trung thu trọn vẹn nhất.
Xem thêm: Bắt Trend Trung Thu: Đâu Là Chiến Lược Marketing Ấn Tượng Nhất Của Thương Hiệu F&B? |