Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeCẩm nangVì Sao Các Chủ Quán Nên Sử Dụng Nguyên Liệu Địa Phương...

Vì Sao Các Chủ Quán Nên Sử Dụng Nguyên Liệu Địa Phương Càng Sớm Càng Tốt

Những khoảng thời gian trước, đại đa số chủ quán lẫn khách hàng đều cho rằng sử dụng nguyên liệu nhập khẩu và có xuất xứ từ nước ngoài mới đạt chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên, giai đoạn gần đây, ngành F&B đang ngày một “chuộng” các thực phẩm địa phương hơn. Không chỉ vì có chất lượng tương đương mà còn nằm ở các lợi ích về chi phí và sự quan tâm của khách hàng.

[crp]

Lúc trước, các nguyên liệu địa phương thường có sự chênh lệch nhất định về chất lượng, khiến các chủ quán e dè khi sử dụng. Đồng thời, các quy trình chưa được tiêu chuẩn hóa nên khách hàng có phần không yên tâm về nguồn gốc. Tuy nhiên, khi được áp dụng các phương pháp theo đúng quy định và tiêu chuẩn, khách hàng dần dành nhiều sự ưu ái hơn cho các sản phẩm địa phương. Nếu quán của bạn vẫn chưa sử dụng nhiều nguyên liệu địa phương trong quá trình chế biến, những lợi ích sau sẽ khiến bạn phải thay đổi suy nghĩ.

1. Vì sao nhiều chủ quán ưu tiên nguyên liệu địa phương?

Điều đầu tiên khiến ngày càng có nhiều chủ quán sử dụng nguyên liệu địa phương thay thế cho các thực phẩm được nhập nhập khẩu là bởi họ sẽ tiết kiệm được chi phí vận hành. Lý do khiến cho chi phí được cắt giảm là vì nếu bạn sử dụng sản phẩm địa phương, sẽ giảm bớt được những khoản chi phí ẩn, điều mà một nguyên liệu nhập khẩu phải chịu. Những loại chi phí có thể kể đến như chi phí vận chuyển, chi phí hải quan, thuế… và các khoản phí đã khiến cho các thực phẩm nhập khẩu bị tăng giá. Trong khi đó, với nguyên liệu địa phương, bạn chỉ chịu khoản phí vận chuyển từ cơ sở sản xuất đến cửa hàng của mình. Chắc rằng số tiền vận chuyển này sẽ luôn thấp hơn chi phí nhập khẩu quốc tế.

Ngoài ra, với thực phẩm địa phương, bạn sẽ tiết kiệm chi phí nhờ vào việc mua các nguyên liệu “theo mùa”. Nếu bạn tận dụng được các sản phẩm vào mùa, bạn sẽ tiết kiệm kha khá chi phí bởi vào những giai đoạn này, mức giá nguyên liệu sẽ được giảm xuống đáng kể do nguồn cung dồi dào. Đồng thời, chất lượng của sản phẩm cũng được nâng lên, qua đó, giúp cho món ăn, đồ uống của bạn thêm ngon miệng. Trong khi đó, với các sản phẩm nhập khẩu, dù nguyên liệu có đúng mùa, thì chi phí vẫn sẽ không thay đổi quá nhiều. Chưa kể đến, chất lượng của nguyên liệu cũng sẽ bị đôi chút ảnh hưởng, bởi chúng phải trải qua quá trình di chuyển dài ngày. Hoặc có những nguyên liệu được cấp đông, lẽ dĩ nhiên hàng đông lạnh sẽ khó mà bằng được nguyên liệu tươi.

Một lợi thế nữa của sản phẩm địa phương giúp các chủ quán tiết kiệm được chi phí là đa dạng đối tác cung cấp. Do đó, bạn sẽ có thể chủ động trong việc điều chỉnh chi phí của mình, khi nhận thấy nhà phân phối có dấu hiệu “hét” giá, bạn hoàn toàn có thể ngưng hợp tác và tìm kiếm đến các đối tác có mức giá phù hợp hơn. Còn với sản phẩm nhập khẩu, hầu hết sẽ chỉ có một vài nhà phân phối, thậm chí có khi được độc quyền nhập khẩu, vì thế bạn sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào đối tác. Nếu như có bất đồng về mức giá, bạn vẫn phải chấp nhận tốn thêm chi phí để có thể mua được đúng nguyên liệu. Hoặc đôi khi, nếu chẳng may nguyên liệu khan hiếm vì một vài sự cố, có thể là dịch bệnh, dù giá rất đắt nhưng bạn vẫn không có hàng để phục vụ. Điều này sẽ khiến cho doanh thu và danh tiếng của bạn ảnh hưởng không ít. Lúc này, bạn sẽ phải chịu thêm một khoản chi phí rủi ro cho quán.

2. Thực phẩm địa phương “lấy lòng” thực khách ra sao?

So với trước đây, các nguyên liệu địa phương đang dần được nhiều khách hàng ưu tiên, thậm chí, các thương hiệu quốc tế lớn cũng chuyển sang sử dụng các sản phẩm nội địa để “lấy lòng” khách hàng. Sự thay đổi này, đến từ việc khách hàng đang nhận ra tầm quan trọng trong hành vi tiêu dùng. Bởi nếu họ tin dùng và buộc các hàng quán gia tăng sử dụng các nguyên liệu trong nước, họ đang góp phần cải thiện đời sống cho những người dân khác. Đơn cử như khi có các đợt giải cứu nông sản, các hàng quán có sử dụng những nguyên liệu này luôn được khách hàng ưu ái lựa chọn, thậm chí là tạo nên cơn “sốt” như bánh mì thanh long.

Bên cạnh đó, các khách hàng đang ngày một chuộng thực phẩm nội địa hơn, bởi nhờ vào việc sử dụng nguyên liệu địa phương, các chủ quán có thể cắt giảm bớt các chi phí, giá bán của thành phẩm sẽ được giảm đi đáng kể. Lẽ dĩ nhiên, với khách hàng, không điều gì hấp dẫn bằng việc có được món ăn, đồ uống vẫn đảm bảo hương vị, chất lượng nhưng giá thành được cắt giảm. Ngoài ra, khách hàng cũng nhận thấy rằng, có những nguyên liệu đặc trưng được trồng nội địa mới thực sự đạt chất lượng tốt nhất. Có thể kể đến những thực phẩm nổi tiếng của nước ta như tiêu, vải, cà phê…

Vì sao các chủ quán nên sử dụng nguyên liệu địa phương càng sớm càng tốt
Việc vận chuyển nguyên liệu địa phương với quãng đường ngắn giúp hạn chế khí thải và bao bì ra môi trường (Nguồn: Internet)

Một ưu điểm nữa là với các khách hàng quan tâm đến môi trường, họ ưu tiên đến các hàng quán sử dụng nguyên liệu địa phương, bởi những sản phẩm này được xem là thân thiện với môi trường hơn cả. Vì với các thực phẩm nhập khẩu, việc vận chuyển quãng đường dài giữa các nước sẽ khiến cho lượng khí đốt thải ra môi trường vô cùng nhiều. Trong khi đó, lượng khí thải khi vận chuyển trong nước chắc chắn sẽ nhỏ hơn. Việc nhập khẩu cũng sẽ đòi hỏi nhiều bao bì hơn để bảo quản thực phẩm ở trạng thái tốt nhất. Điều này sẽ khiến cho lượng rác thải ra môi trường bị tăng lên. Nếu nguyên liệu chỉ phải vận chuyển trong nước, số lượng bao bì sử dụng sẽ được giữ ở mức tối thiểu nhất.

3. Cách tiếp thị khi sử dụng nguyên liệu địa phương

Nếu lựa chọn sử dụng thực phẩm nội địa, những nguyên liệu này sẽ trở thành công cụ giúp bạn tiếp thị để lấy lòng khách hàng. Để có thể gia tăng sự yêu thích với thương hiệu của mình, khi ưu tiên chế biến các nguyên liệu địa phương, bạn hãy đăng các bài đăng trên trang web hoặc mạng xã hội của quán, chia sẻ về lý do bạn quyết định sử dụng những thực phẩm này như muốn giảm bớt rác thải hoặc góp phần đảm bảo nguồn thu mua cho nông dân. Bên cạnh đó, nếu bạn có kế hoạch để mua các nguyên liệu thông qua các chương trình hỗ trợ nông dân hoặc giải cứu nông sản, hãy chia sẻ về những dự định này của bạn với khách hàng. Việc bạn cho khách hàng thấy sự quan tâm đến môi trường và cộng đồng thông qua sự thay đổi này, sẽ khiến cho mức độ yêu thích thương hiệu – brand love – của khách hàng tăng lên, và họ sẵn sàng trở thành một khách hàng trung thành của bạn.

Ngoài ra, bạn cũng nên có những chiến lược để phát triển các menu giới hạn theo từng mùa, dựa trên những nguyên liệu đặc trưng. Chẳng hạn như mùa thu, bạn hãy cho ra mắt các món ăn, thức uống làm từ cốm. Hoặc sáng tạo những món tráng miệng, thức uống sử dụng vải, nhãn vào mùa hè. Việc có những menu kiểu “mùa nào thức nấy” sẽ khuyến khích khách hàng ghé đến quán của bạn để thưởng thức những món ăn, đồ uống được phục vụ trong thời gian giới hạn. Đồng thời, nhờ việc sử dụng các nguyên liệu vào mùa, chất lượng sản phẩm sẽ nâng lên đáng kể. Khi đó, khách hàng sẽ sẵn sàng chia sẻ những đánh giá tích cực cho quán, lúc này, họ sẽ trở thành một kênh tiếp thị đáng tin cậy và hiệu quả giúp cho thương hiệu của bạn ngày càng được nhiều người biết đến.

Sử dụng nguyên liệu địa phương đang dần trở thành lựa chọn lý tưởng cho các chủ quán bởi những lợi ích về mặt kinh tế và tiếp thị mà nó mang lại. Nếu bạn chưa có dự định tận dụng nguồn thực phẩm nội địa, lời khuyên dành cho bạn là hãy thay đổi suy nghĩ và nhanh chóng sử dụng những nguyên liệu này. Bởi không chỉ chi phí được giảm bớt đáng kể mà bạn còn tăng được số lượng khách hàng ghé đến và trải nghiệm thành phẩm của quán.

Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img