Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeCẩm nangBar/bếpTại Sao Đầu Bếp Cần Mặc Đồng Phục Khi Làm Việc?

Tại Sao Đầu Bếp Cần Mặc Đồng Phục Khi Làm Việc?

Hình ảnh toàn thể nhân viên mặc đồng phục là một điều rất đỗi quen thuộc, đặc biệt trong các ngành dịch vụ, bán lẻ hay chăm sóc sức khỏe. Ở một số ngành nghề khác, chẳng hạn ngành giáo dục, nhân viên văn phòng, tuy không có đồng phục nhưng vẫn sẽ có những nguyên tắc nhất định về trang phục để đảm bảo ăn mặc và tác phong phù hợp với nơi làm việc. Và đối với nghề bếp, đồng phục không chỉ là một bộ quần áo, mà còn là biểu tượng, thể hiện cho niềm kiêu hãnh, vai trò, tay nghề, và tất nhiên là cả những món ăn ngon. Theo thời gian, đồng phục của đầu bếp ngày càng được thay đổi để trở nên có tính thẩm mỹ và phù hợp với thời đại hơn, song vẫn đảm bảo luôn được giữ nguyên những ý nghĩa này.

[crp]

Lịch sử hình thành của đồng phục đầu bếp

Kiểu đồng phục đầu bếp tiêu chuẩn mà chúng ta được thấy ngày nay được phác thảo bởi vị đầu bếp nổi tiếng thế giới người Pháp – Marie-Antoine Carême vào năm 1822. Trong bản phác thảo được đặt tên là “Le Maitre d’Hotel Francais” của ông, có hai người đàn ông đứng, cả hai đều đội mũ trắng, mặc chiếc áo khoác dáng dài hai hàng cúc và buộc tạp dề ngang eo. Ông cho rằng mỗi người đầu bếp đều xứng đáng có được những bộ đồng phục của riêng mình. Đồng thời, ông cũng giải thích lý do vì sao lại chọn màu trắng cho đồng phục đầu bếp mà không phải màu sắc nào khác, là vì màu trắng biểu thị cho sự sạch sẽ trong nhà bếp, các vết bẩn rất dễ bị che giấu nếu đồng phục có màu tối, nhưng với màu trắng, các đầu bếp sẽ phải cố gắng gìn giữ thật sạch đồng phục của mình.

Tuy nhiên, tại thời điểm xuất hiện bản phác thảo, đồng phục tiêu chuẩn của đầu bếp vẫn chưa thật sự thịnh hành, mà phải mãi đến năm 1878 khi Angelica Uniform Group (Công ty may mặc hàng đầu của Mỹ vào thế kỷ 19) bắt đầu sản xuất hàng loạt và được Auguste Escoffier – người được mệnh danh là “vị vua của các đầu bếp, đầu bếp của các vị vua) tiêu chuẩn hóa thì bộ đồng phục đầu bếp mới bắt đầu được sử dụng rộng rãi hơn. Và mặc đồng phục cũng chính là một trong những quy chuẩn cơ bản thuộc hệ thống phân cấp trong bộ phận bếp do Auguste Escoffier phát triển.

Tại Sao Đầu Bếp Cần Mặc Đồng Phục Khi Làm Việc?
Đồng phục là biểu tượng cho niềm kiêu hãnh, vai trò, tay nghề và cả những món ăn của người đầu bếp (Nguồn: Internet)

Các chi tiết trong đồng phục đầu bếp

Mặc dù thiết kế và kiểu dáng của đồng phục đầu bếp đã được thay đổi ít nhiều để phù hợp với thời đại hơn, nhưng nhìn chung vẫn giữ nguyên các chi tiết gần giống với bản phác thảo của Carême, bao gồm một chiếc mũ trắng, áo khoác dáng dài hai hàng cúc, quần dài và buộc chiếc tạp dề quanh eo. Mỗi bộ đồng phục đều mang tính biểu tượng, thể hiện những ý nghĩa đặc biệt nhưng vẫn đảm bảo tính linh hoạt và thuận tiện cho đầu bếp. 

Áo khoác ngoài

Có thể dễ dàng nhận thấy, điểm đặc biệt trong thiết kế của chiếc áo đầu bếp chính là hai hàng cúc song song. Đây thực chất là hai lớp áo, một lớp bên trong và một lớp bên ngoài. Với thiết kế như này nhằm mục đích để đầu bếp khi bị dính bẩn trong quá trình nấu ăn có thể nhanh chóng lộn ngược lớp áo bên trong ra ngoài một cách thuận tiện và tiếp tục hoạt động mà không cần phải thay áo mới. Đồng thời, cũng chính hai lớp áo này sẽ tăng gấp đôi khả năng bảo vệ các đầu bếp trước năng lượng nhiệt tỏa ra từ bếp hay bất kỳ tia bỏng nào bắn ra ngoài. Chất liệu áo có thể được làm từ các loại vải như bông nặng (heavy cotton), vải polyester, hoặc vải cotton pha (cotton mix) nhằm đảm dù hai lớp nhưng vẫn thoáng khí, dễ chịu và không cản trở đến hoạt động của đầu bếp.

Cuối cùng, để áo luôn được giữ chặt thì người ta thường sử dụng nút bấm hoặc miếng dán velcro. Cả hai đều có khả năng hỗ trợ các đầu bếp cởi áo một cách nhanh chóng trong những trường hợp khẩn cấp. Đồng thời, nút bấm hay velcro, đặc biệt là với nút bấm sẽ hạn chế khả năng rủi ro bị rơi vào thức ăn hơn những kiểu nút cài khác.

Quần dài

Cũng giống như áo khoác ngoài, những chiếc quần đầu bếp được làm từ chất liệu dày dặn nhằm ngăn chặn nguy hiểm do sự cố tràn hay bắn thức ăn nóng, tuy nhiên, sẽ được thiết kế một cách rộng rãi để giúp đầu bếp có thể dễ dàng di chuyển và không bị gò bó trong quá trình làm việc. Ngoài ra, theo truyền thống, quần đầu bếp vốn dĩ có thiết kế là những ô ca rô nhỏ màu đen trắng xen kẽ, mục đích là để che giấu các vết bẩn, nhưng đến ngày nay thì gần như tất cả mọi đầu bếp đều có xu hướng chọn quần tây trơn.

Tạp dề

Dù rằng trong bản phác thảo của Carême có hình ảnh hai đầu bếp buộc tạp dề ngang eo, nhưng thực tế tạp dề lại không phải một phần của bộ đồng phục. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, tạp dề vẫn là một chi tiết không thể thiếu trong bộ đồng phục đầu bếp, sẽ được mặc bên ngoài áo và thắt dưới phần eo. Với các đầu bếp mỗi ngày đều phải nấu ăn và thường xuyên tiếp xúc với bếp lửa, thì tạp dề sẽ giúp bảo vệ đầu bếp, đồng thời, giữ cho đồng phục luôn được sạch sẽ. Có câu chuyện về một lớp dạy nghề ở London vào năm 1892, các học viên thường bảo nhau rằng, nếu như tạp dề bị dính bẩn thì mọi người có thể gấp tạp dề (ở phần thắt eo) để giấu vết bẩn vào trong. Tuy nhiên, người hướng dẫn sau đó đã dặn các đầu bếp học việc không được làm như vậy vì sẽ khiến tạp dề bị ngắn quá mức và trông không còn đẹp nữa, làm mất tính thẩm mỹ của bộ đồng phục đầu bếp.

Mũ đầu bếp

Mũ đầu bếp truyền thống thường được gọi là “Toque Blanche” hoặc “Toque” là những chiếc mũ màu trắng, cao và có nếp. Vào thế kỷ 18, mọi người thường đánh giá tay nghề, địa vị, và đẳng cấp của một người đầu bếp dựa vào chiều cao của chiếc mũ. Theo đó, vị trí bếp trưởng điều hành sẽ đội chiếc mũ cao nhất, sau đó mới đến các vị trí khác và chiều cao của mũ cũng sẽ được giảm dần theo thứ tự cấp bậc. Chính vì điều này mà vì người cho ra bản phác thảo đồng phục đầu bếp đầu tiên – ông Marie-Antoine Carême từng đội một chiếc mũ lên đến 17 inch (khoảng 46 cm). Đồng thời, số lượng nếp gấp trên mũ cũng đóng vai trò như một yếu tố để đánh giá kinh nghiệm và vị trí của người đầu bếp.

Tuy nhiên, vì để thuận tiện nhất cho quá trình làm việc, ngày nay các đầu bếp đã không còn phải đội những chiếc mũ cao như vậy nữa. Họ có thể thay thế kiểu mũ đầu bếp truyền thống bằng mũ lưỡi trai, mũ beanie, quấn khăn, hay chỉ đơn giản là cột gọn tóc lên. Các đầu bếp đã trở nên linh hoạt hơn rất nhiều, họ sử dụng bất kỳ vật dụng nào hoặc phương pháp gì miễn là có thể ngăn cho tóc rơi vào thức ăn cũng như không cản trở hiệu quả hoạt động. Kiểu dáng và quy chuẩn cho chiếc mũ đầu bếp đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua, các ý nghĩa như thể hiện cấp bậc hay tay nghề cũng không còn nữa mà thay vào đó là  duy chỉ có một điều luôn được giữ nguyên chính là bếp trưởng điều hành vẫn sẽ đội chiếc mũ cao nhất.

Giày

Vì tính chất công việc của đầu bếp sẽ phải đứng và di chuyển liên tục trong suốt nhiều giờ liền, do đó chìa khóa quan trọng nhất là giày phải vừa chân, thoải mái và có độ đàn hồi tốt. Điều này sẽ giúp các đầu bếp có thể dễ dàng di chuyển và giảm bớt áp lực lên chân khi phải đứng trên sàn cứng nhiều giờ liền. Không nên chọn mang dép vì môi trường làm bếp thường xuyên tiếp xúc với đồ nóng, việc đi giày có thể che kín toàn bộ sẽ giúp đầu bếp bảo vệ an toàn cho đôi chân của mình hơn. Ngoài ra, dù không có quy định bắt buộc, nhưng nhiều đầu bếp đã lựa chọn đi giày không có dây buộc để hạn chế xảy ra va vấp nếu lỡ quên chưa thắt dây. 

Tại Sao Đầu Bếp Cần Mặc Đồng Phục Khi Làm Việc?
Các chi tiết trong trang phục của đầu bếp đều có ý nghĩa và công dụng của mình (Nguồn: Internet)

Ý nghĩa của bộ đồng phục đầu bếp

Biểu thị cho sự sạch sẽ của đầu bếp

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, Quốc hội ban hành Luật an toàn thực phẩm, thì các tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có các nghĩa vụ phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình sản xuất. 

Đội mũ và mặc tạp dề chỉ là bước đầu tiên bạn cần làm để đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, còn phải có cả bộ đồng phục đầu bếp để chắc chắn rằng sẽ không có bất kỳ chất gây ô nhiễm nào dính trên quần áo bình thường như bụi bẩn hoặc lông vật nuôi có cơ hội được tiếp xúc với thực phẩm trong nhà bếp. Ngoài ra, không đeo đồ trang sức đi làm cũng là một cách có thể giúp các đầu bếp ngăn chặn khả năng lây lan vi khuẩn. Ví dụ như các loại vi trùng có thể mắc vào các kẽ hở của đồ trang sức và rơi vào thức ăn. Chú ý vào những điều nhỏ nhặt sẽ giúp bạn mang lại nhiều hiệu quả to lớn, không chỉ giúp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn cung cấp cho khách hàng trải nghiệm tốt đẹp hơn, qua đó củng cố và phát triển hoạt động kinh doanh của nhà hàng. 

Thể hiện tính chuyên nghiệp của đầu bếp nhà hàng

Ngoài vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chính bộ đồng phục cũng sẽ giúp người đầu bếp khoác lên mình dáng vẻ chuyên nghiệp hơn. Ngày nay có rất nhiều nhà hàng phục vụ bếp mở, tức khách hàng có thể quan sát quá trình nấu ăn cũng như toàn bộ các hoạt động khác đang diễn ra bên trọng nhà bếp. Do đó, đồng phục sẽ giúp đồng nhất hình ảnh đầu bếp trong mắt khách hàng, đồng thời, cũng có thể khiến khách hàng an tâm về chất lượng món ăn mình thưởng thức nếu nhìn thấy trang phục đầu bếp sạch sẽ và gọn gàng. 

Nếu bạn muốn được khách hàng nhìn nhận như một người chuyên nghiệp, vậy hãy ăn mặc và cư xử như một người chuyên nghiệp. Tuy rằng chúng ta vẫn luôn quan niệm rằng “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, nhưng thực khách của nhà hàng lại không có điều kiện để làm quen và tìm hiểu bạn lâu dài được. Họ chỉ có vài phút hoặc thậm chí chỉ vài giây để xác định xem bạn có phải là người họ tin tưởng để có thể thưởng thức món ăn do bạn nấu hay không. Lúc này, chính đồng phục sẽ là yếu tố quan trọng thể hiện tính chuyên nghiệp của một đầu bếp, cho thấy bạn hoàn toàn nghiêm túc và trân trọng công việc của mình khi đầu tư để có được một vẻ ngoài chỉn chu trong môi trường làm việc.

Xây dựng thương hiệu cho nhà hàng

Theo bản phác thảo thiết kế ban đầu, áo đồng phục đầu bếp sẽ có màu trắng, tuy nhiên, đến ngày nay đã xuất hiện thêm nhiều biến thể mới như sử dụng tông màu đỏ, màu đen, hoặc màu xanh đen,… Ngoài ra, nhiều nhà hàng còn thiết kế thêm logo, slogan, hoặc bất kỳ hình ảnh nào trong bộ nhận diện thương hiệu của nhà hàng. Việc thay đổi này nhằm tạo nét đặc trưng riêng biệt, mang yếu tố văn hóa khu vực hoặc thể hiện phong cách của nhà hàng, quán ăn và khách sạn, giúp khách hàng có thể phân biệt họ với những đối thủ khác trên thị trường, song vẫn không có sự thay đổi về ý nghĩa. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng để tăng lợi thế cạnh tranh và hầu như ngày nay, tất cả nhà hàng đều áp dụng phương thức này vào bộ đồng phục đầu bếp.

Thúc đẩy tinh thần làm việc cho đội ngũ nhân viên

Một nhà bếp hoạt động tốt là thành quả của nỗ lực của cả tập thể. Bên cạnh những người đầu bếp chính, thì hoạt động trong nhà bếp còn có sự góp sức của nhiều cá nhân khác. Từ chạy vặt, phụ bếp và cả nhân viên rửa bát, ai cũng phải biết rõ vai trò của mình và làm tốt trách nhiệm công việc được giao để bếp có thể vận hành trơn tru. Đồng phục đầu bếp sẽ mang đến cho mọi người cảm nhận được mình là một phần của tập thể và cố gắng làm việc tốt hơn vì lợi ích chung. Ngoài ra, ở đồng phục đầu bếp cũng giúp mọi người nhận diện được cấp bậc của nhau, nhờ đó sẽ tự động thiết lập trật tự, để mọi thành viên trong nhà bếp đều có thể phối hợp làm việc với nhau thuận tiện hơn, tránh trường hợp hỗn loạn, đặc biệt là vào thời điểm đông khách có nhiều đơn hàng.

Đồng phục đầu bếp không phải là một bộ quần áo chỉ cần mặc khi làm việc, mà đây là tấm bảo hộ đầu bếp khỏi những nguy hiểm có thể xảy ra đang chực chờ trong nhà bếp, và hơn hết, đây còn là niềm kiêu hãnh và tình yêu dành cho ẩm thực của mỗi đầu bếp. Đồng thời, với khía cạnh kinh doanh thì đồng phục đầu bếp còn là yếu tố thể hiện sự chuyên nghiệp và xây dựng bộ nhận diện riêng cho mỗi nhà hàng, khách sạn và quán ăn.

Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img