Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeCẩm nangBar/bếpNhững Lỗi Thường Gặp Của Các Barista Mới Khi Vẽ Latte Art

Những Lỗi Thường Gặp Của Các Barista Mới Khi Vẽ Latte Art

Vẽ Latte Art là nghệ thuật tạo hình cho cà phê bằng cách đổ bọt sữa mịn vào cà phê espresso và di chuyển theo quỹ đạo nhất định để tạo ra được hoa văn như mong muốn. Nghệ thuật vẽ Latte ngày càng phát triển trong nhiều thập kỷ qua với các kỹ thuật, hình vẽ ngày càng phức tạp và cao cấp hơn. Thêm vào đó, vẽ Latte Art có thể được xem như một trong những tiêu chuẩn để đánh giá tay nghề của Barista, người vẽ càng đẹp càng dứt khoát chứng tỏ tay nghề càng vững. Tuy nhiên, để làm chủ kỹ thuật này lại không hề đơn giản, đôi khi sẽ mất đến vài tháng liền và không ngừng luyện tập mỗi ngày mới có thể thành thục được. Chính vì vậy mà sẽ không quá lạ nếu các Barista mới chẳng may phạm lỗi sai khi thực hiện kỹ thuật này. 

[crp]

Những Lỗi Thường Gặp Của Các Barista Mới Khi Vẽ Latte Art
Vẽ Latte Art có thể được xem như một trong những tiêu chuẩn để đánh giá tay nghề của Barista (Nguồn: Internet)

Dùng sai loại sữa để vẽ Latte Art

Loại sữa phù hợp nhất để sử dụng vẽ Latte Art nên là sữa thanh trùng. Nguyên do vì sữa thanh trùng là loại sữa bò nguyên chất, loại sữa này có hàm lượng chất béo tương cao sẽ giúp sữa được đánh đáp ứng chất lượng bọt sữa đúng chuẩn nhất khi đạt được độ mịn thích hợp và vững cấu trúc cho phép Barista tự do tạo hình hoa văn theo ý muốn. Ngoài ra, phần sữa được sử dụng cũng nên được làm lạnh trước khi thực hiện để đảm bảo cho ra bọt sữa mịn hoàn hảo nhất. 

Các loại sữa khác như sữa tiệt trùng, sữa đậu nành, sữa hạnh nhân hay bất kỳ loại sữa ít béo hoặc không béo nào cũng đều không phù hợp để sử dụng làm nguyên liệu đánh bọt sữa cho Latte Art. Bởi trong mỗi loại sữa này đều sẽ có những khuyết điểm riêng làm cản trở cho quá trình đánh bọt. Chẳng hạn như với sữa đậu nành hay sữa ít béo sẽ không có đủ hàm lượng chất béo cần thiết cũng như chứa quá nhiều nước, khiến bọt sữa thành phẩm bị lỏng và khó tạo hình. Hay với sữa tiệt trùng rất dễ bị giải phóng protein trong quá trình đánh bọt sẽ khiến sữa không còn tạo bọt được nữa. 

Tuy nhiên, các loại sữa trên vẫn có thể được sử dụng trong quá trình luyện tập, dù không đạt chất lượng để tạo nên được một tách cà phê Latte tiêu chuẩn, nhưng các loại sữa này vẫn cho phép bạn làm quen với thao tác và biết cách điều khiển dòng sữa trước khi chính thức pha chế cho khách. Đồng thời, với những yêu cầu đặc biệt từ khách hàng như mong muốn được sử dụng sữa ít béo hoặc sữa phù hợp với chế độ ăn kiêng, thì Barista có thể thay thế bằng sữa yến mạch để hạn chế chất béo nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng bọt sữa đúng chuẩn.

Những Lỗi Thường Gặp Của Các Barista Mới Khi Vẽ Latte Art
Để làm chủ kỹ thuật vẽ Latte Art cần phải không ngừng luyện tập mỗi ngày mới có thể thành thục được (Nguồn: Internet)

Đánh sữa ở nhiệt độ quá nóng và trong thời gian quá lâu

Nhiệt độ cũng là một yếu tố rất quan trọng trong quá trình đánh bọt sữa, và rất nhiều Barista mới đã mắc sai lầm khi đánh sữa ở nhiệt độ quá cao. Sữa được xem là một loại protein, vậy nên trong điều kiện nhiệt độ cao trên 160°F (tương đương 70°C) sẽ có nguy cơ khiến các protein bị phá vỡ và không còn đánh bọt được nữa. Hoa văn được tạo từ sữa được đánh quá nóng thường sẽ bị vỡ, vón cục và khó tạo hình. Do đó, bạn cần phải chú ý đến nhiệt độ khi thực hiện thao tác đánh sữa, và điều kiện nhiệt độ phù hợp nhất là trong khoảng 140°F đến 150°F (tương đương 60°C đến 65°C).

Đồng thời, ngoài nhiệt độ thì thời gian cũng là yếu tố không thể xem nhẹ. Nếu bạn đánh bọt sữa trong thời gian quá lâu sẽ khiến sữa bị tràn và tạo nên một lớp bọt tách biệt nổi lên trên bề mặt sữa. Hỗn hợp này hoàn toàn không còn đủ tiêu chuẩn để vẽ Latte Art vì sẽ khiến tách Latte bị nổi bọt thiếu thẩm mỹ. Thời gian đánh bọt sữa diễn ra rất nhanh, thường sẽ chỉ kéo dài trong khoảng 1 phút, và thời điểm thích hợp nhất để ngưng đánh bọt là khi bạn nhìn thấy sữa bắt đầu có được kết cấu bóng đẹp và mịn màng.

Đặt cốc và bình sữa không đúng vị trí

Với các Barista mới chưa có kinh nghiệm cầm cốc, mọi người thường sẽ cầm thẳng cốc hoặc đặt cốc trên mặt bàn rồi mới bắt đầu đổ sữa tạo hình cho cà phê, nhằm tránh để lượng chất lỏng bên trong cốc bị nghiêng và có thể tràn ra ngoài khi đổ sữa. Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy, đặt thẳng cốc mới là lý do khiến cản trở quá trình tạo hình Latte Art. Tư thế đặt cốc chuẩn nên là nghiêng một góc 45 độ với phần lòng cốc hướng vào cơ thể bạn. Việc đặt theo góc nghiêng như vậy sẽ tạo cho lượng espresso trong cốc có độ sâu thích hợp để đổ sữa hơn, so với việc dựng thẳng cốc. 

Khi cốc espresso đã vào đúng vị trí thì tiếp đến bạn sẽ phải chú ý đến vị trí đặt bình sữa, và việc này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chuyển động khuỷu tay lẫn khớp cổ tay của bạn. Nếu cổ tay của bạn di chuyển quá nhiều, bình sữa sẽ hướng ra ngoài tâm khiến dòng sữa chảy lệch sang một bên và làm biến dạng hình thù hoa văn, nhưng ngược lại nếu cổ tay di chuyển quá ít hay thậm chí là không di chuyển thì sẽ không thể tạo hình cho tách cà phê được. Do đó, để bình sữa luôn ở đúng vị trí của mình, hãy giữ khuỷu tay và cổ tay một cách chắc chắn để đảm bảo dòng sữa luôn chảy vào tâm cốc, sau đó mới chuyển động thật nhẹ nhàng theo quỹ đạo để tạo hình. 

Ngoài ra, một lưu ý nhỏ rằng bạn cũng nên khuấy lớp crema trước khi thực hiện thao tác đổ sữa. Crema là lớp dầu vàng nâu trên bề mặt của cà phê espresso sau quá trình chiết xuất, chính lớp crema này sẽ mang đến cho cà phê hương vị đậm đà và rõ ràng hơn. Chỉ bằng việc hòa trộn lớp crema với cà phê sẽ tạo ra một bề mặt mịn và đều hơn, cho phép bọt sữa khi đi vào cà phê sẽ được trải đều và mang đến hình ảnh đẹp mắt hơn. Để hòa trộn crema đúng cách rất đơn giản, tất cả những gì bạn cần làm chỉ là xoáy nhẹ lớp crema trong cốc trước khi bắt đầu đổ sữa vào là được.

Khoảng cách và tốc độ đổ sữa cũng là vấn đề lớn

Một vấn đề thường gặp ở những Barista mới chính là khoảng cách đổ sữa quá cao hoặc quá thấp, và cả hai đều dẫn đến nhiều vấn đề khác nhau. Chẳng hạn như nếu khoảng cách đổ sữa quá thấp sẽ tạo nên những vệt màu trắng hoặc màu be không đẹp mắt trên bề mặt cà phê, ngược lại nếu khoảng cách đổ sữa quá cao sẽ khiến sữa bị bắn tung tóe và phá hủy lớp màu caramel đẹp đẽ vốn có của cà phê. Cách làm đúng thao tác đổ sữa, bạn nên bắt đầu từ một độ cao vừa phải, từ từ đổ sữa sao cho dòng sữa chìm sâu vào dưới lòng cà phê espresso, và đừng quên nghiêng cốc trước khi thực hiện nhé.

Đồng thời, trong quá trình tạo hình cho tách cà phê, bạn sẽ phải di chuyển bình sữa qua lại hoặc thậm chí là “lắc bình” để điều khiển dòng sữa thành hình như mong muốn. Tuy nhiên, mọi chuyển động cánh tay đều phải được diễn ra thật nhẹ nhàng, không nên di chuyển quá nhanh hay quá chậm nhằm đảm bảo dòng sữa luôn chảy ổn định và không bị ngắt quãng, nhờ đó mà các đường vẽ sẽ đều nét và cho ra hoa văn rõ ràng hơn. Hãy tưởng tượng như thể bạn đang phác họa những nét nhỏ trên giấy để kiểm soát tốc độ và dòng chảy khi đổ sữa một cách tốt nhất.

Cho dù là Barista mới hay Barista chuyên nghiệp thì đều cũng sẽ có những lúc không tránh khỏi phạm sai lầm. Thế nhưng điều quan trọng là bạn phải biết được điểm sai và thiếu sót của mình để qua đó tìm cách khắc phục và nâng cao tay nghề của mình ngày càng tiến bộ hơn. Chinh phục nghệ thuật tạo hình Latte Art có thể sẽ là một quá trình dài nhiều thử thách, nhưng tất cả nỗ lực của bạn sẽ được đền đáp xứng đáng vào một ngày bạn có thể tự mình tạo ra được những hoa văn đẹp đẽ thể hiện trên tách cà phê.

Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img