Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeCẩm nangCác Bước Xử Lý Khi Nguyên Liệu Hết Hàng Hoặc Bị Tăng...

Các Bước Xử Lý Khi Nguyên Liệu Hết Hàng Hoặc Bị Tăng Giá

Khi kinh doanh ăn uống, việc các chủ quán phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu dẫn đến tình trạng “cháy” hàng hoặc tăng giá diễn ra khá thường xuyên. Tuy nhiên, không phải chủ quán nào cũng có cách xử lý hiệu quả và khéo léo để giữ chân khách hàng trong những tình huống này.

[crp]

Những ngày gần đây, việc các chủ quán đang gặp nhiều khó khăn vì một nguyên liệu chuyên dùng cho pha chế đồ uống rơi vào tình trạng hết hàng, thậm chí, công ty phân phối sản phẩm này cũng không còn hàng tồn kho. Điều này đã khiến cho nhiều chủ sở hữu mới bắt đầu kinh doanh thực sự lao đao vì không biết phải giải quyết thế nào. Do đó, để hỗ trợ các chủ quán, bài viết sẽ gợi ý hướng xử lý phù hợp và dễ ứng dụng.

Bước 1: Theo dõi tình hình thị trường và hàng tồn tại quán

Việc đầu tiên các chủ quán cần làm khi biết được sản phẩm đang sử dụng rơi vào tình trạng hết hàng hoặc bị nâng giá là xem xét tình hình thị trường và kiểm tra hàng tồn hiện có tại quán. Việc theo dõi thị trường sẽ giúp bạn xác định được tình trạng hết hàng hoặc tăng giá kéo dài trong thời gian ra sao. Điều này giúp các chủ quán có các bước chuẩn bị sau thực sự đạt hiệu quả. Bởi nếu tình trạng diễn ra trong ngắn hạn, các chủ quán sẽ có hướng xử lý khác, nhưng nếu tình huống kéo dài vô thời hạn, các nhà quản lý sẽ buộc phải có cách giải quyết khác.

Đồng thời, việc nắm rõ số lượng hàng tồn của quán sẽ giúp các chủ quán lên kế hoạch ứng phó hiệu quả. Chẳng hạn, nếu quán vẫn còn nhiều sản phẩm trong kho và có thể sử dụng trong khoảng thời gian vài tuần hay vài tháng, các chủ quán sẽ có nhiều thời gian để tìm kiếm nhà cung cấp khác nhằm đảm bảo số lượng nguyên liệu trong tương lai với một mức giá hợp lý. Tuy nhiên, nếu quán của bạn có vốn ít hoặc chưa kịp có sự chuẩn bị khiến cho hàng hóa tồn kho không còn nhiều, khi này, các chủ quán buộc phải có những hướng xử lý nhanh chóng để duy trì được nguồn nguyên liệu. Điển hình, các chủ quán sẽ buộc phải tìm mua thực phẩm tại các nhà phân phối còn hàng, thường là các nhà cung cấp “dạng lẻ” với mức giá cao hơn để kịp thời có đủ nguyên liệu phục vụ khách hàng. 

Bước 2A: Cách xử lý khi nguyên liệu hết hàng

Với tình trạng nguyên liệu bị khan hiếm, các chủ quán sẽ có cách xử lý phù hợp theo từng cấp độ thời gian:

Bước 2.1: Trong ngắn hạn

Sự “cháy” hàng trong một vài tình huống sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn có thể kể đến như nguồn cung sản phẩm trong nước chưa đủ do nhu cầu tăng cao, thực phẩm tạo ra sản phẩm đang trong giai đoạn “trái” mùa hoặc việc khâu nhập khẩu có vấn đề khiến cho sản phẩm chưa thể lưu thông. Những sự cố này sẽ chỉ diễn ra trong vòng vài tuần hoặc tối đa là 1 đến 2 tháng. Chính vì thế, các chủ quán sẽ có nhiều cách khác nhau để có thể xử lý.

Chẳng hạn như nếu bạn nhận thấy số vốn của mình đủ để chi trả cho mức chi phí chênh lệch khi phải mua các nguyên liệu này dưới dạng sản phẩm “bán lẻ” cho đến khi tình trạng này được khắc phục, các chủ quán hoàn toàn có thể mua hàng tại nhiều nhà cung cấp khác nhau nhằm đảm bảo có đủ nguồn hàng phục vụ thay vì mua “sỉ” tại một nhà phân phối duy nhất. 

Nhưng trong trường hợp không đủ chi phí, bạn có thể tìm kiếm các sản phẩm thay thế có chất lượng tương tự để sử dụng tạm thời trong giai đoạn này. Lẽ dĩ nhiên, nguyên liệu thay thế sẽ không đảm bảo được 100% chất lượng, tuy nhiên, nếu có thể đáp ứng 80 – 90%, các chủ quán hãy lựa chọn sử dụng sản phẩm thương hiệu khác để thay thế cho tới khi tình trạng hàng hóa ổn định trở lại. Hoặc nếu trong trường hợp cần tăng giá tạm thời, các chủ quán hãy công khai đưa ra gợi ý về giá để khách hàng chọn lựa. Chẳng hạn như “với tình trạng nguyên liệu đang khan hiếm, dù nỗ lực duy trì mức giá bán nhưng quán buộc phải phụ thu thêm nếu khách hàng có nhu cầu sử dụng sản phẩm [tên thương hiệu]”. Việc cho khách chủ động đưa ra quyết định sẽ tạo cảm giác thoải mái hơn.

Bước 2.2: Trong dài hạn

Nếu tình trạng hết hàng diễn ra trong dài hạn từ 3 tháng trở lên, không có thời gian có hàng cụ thể hoặc thậm chí là sản phẩm bị ngưng sản xuất vĩnh viễn, các chủ quán buộc phải có hướng xử lý khác. Cách đầu tiên mà các chủ quán có thể thực hiện là nên tìm các sản phẩm tương tự của cùng một thương hiệu. Bởi điều này sẽ giúp duy trì chất lượng cho sản phẩm ở mức tốt nhất, vì khi đến cùng một công ty sản xuất, đa phần các nguyên liệu sẽ có cùng công thức. Do đó, hạn chế tối đa được sự chênh lệch trong chất lượng thành phần.

Các Bước Xử Lý Khi Nguyên Liệu Hết Hàng Hoặc Bị Tăng Giá
Nếu nguyên liệu hết hàng trong dài hạn, các chủ quán hãy tạo nên công thức mới để đảm bảo duy trì chất lượng và hương vị cho sản phẩm (Nguồn: Internet)

Nhưng nếu chẳng may thương hiệu sản xuất không có các dòng sản phẩm khác, lúc này, các chủ quán có thể nghĩ đến việc sử dụng nguyên liệu tương tự đến từ những công ty khác. Tuy nhiên, khi đó, để có thể duy trì được chất lượng và hương vị cho sản phẩm của quán, các chủ quán sẽ buộc phải tìm cách điều chỉnh công thức nấu nướng hoặc pha chế cho phù hợp. Bởi nguyên liệu do các nhà sản xuất khác nhau sẽ có thành phần riêng biệt, do đó cần có sự thay đổi công thức. Vì nếu giữ nguyên định lượng, rất có thể món ăn, đồ uống sẽ trở nên mặn, ngọt hoặc nhạt hơn khiến cho quán của bạn mất điểm trong mắt khách hàng.

Bước 3: Áp dụng các khuyến mãi phù hợp

Khi buộc phải chuyển sang nguyên liệu mới, các chủ quán cần thay đổi công thức cho sản phẩm, điều này có thể sẽ gây ra đôi chút sự khác biệt đối với hương vị cho thành phẩm. Điều này sẽ là tối kỵ với các khách hàng, bởi chẳng ai hài lòng nếu như món ăn, đồ uống mà họ vốn yêu thích không còn giữ được hương vị như ban đầu. Nếu không có cách xử lý phù hợp các chủ quán sẽ dễ đối mặt với việc bị các khách hàng quen “quay lưng”. Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng này, các chủ quán cần có cách ứng phó khéo léo.

Khi phải thay đổi công thức để phù hợp với nguyên liệu mới, lúc này các chủ quán nên hướng đến cách tiếp thị theo hướng cập nhật công thức mới để mang đến chất lượng sản phẩm tốt nhất cho khách hàng. Song song với việc nhấn mạnh đến sự thay đổi công thức nhằm tạo nên sản phẩm có chất lượng tốt hơn cho khách hàng, các chủ quán sẽ cần áp dụng thêm một số cách khuyến mãi nhất định. Trong đó, có thể kể đến như free upsize cho sản phẩm công thức mới, mua 3 tặng 1 hoặc có thể là giảm giá trực tiếp cho sản phẩm. Những điều này sẽ dần giúp khách hàng quen với khẩu vị mới, nhờ đó, họ sẽ không cảm thấy quá khó chịu khi bị thay đổi.

Bước 2B: Nếu giá nguyên liệu tăng

Trong kinh doanh, việc nguyên liệu bị tăng giá là điều không thể tránh khỏi, bởi giá cả chịu rất nhiều yếu tố ảnh hưởng khác nhau từ lạm phát, thiếu hụt thành phần sản phẩm, vận chuyển cho đến những tình hình bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh. Và để ứng phó với tình huống này, dưới đây là một số gợi ý cho các chủ quán:

Bước 2.1: Tăng giá tạm thời

Với những trường hợp giá cả bị tăng lên do một số chi phí bị nâng cao trong ngắn hạn như thiên tai hay dịch bệnh, các chủ quán có thể cân nhắc đến việc điều chỉnh mức giá bán tạm thời. Chẳng hạn, trong giai đoạn dịch bệnh, khi các quy định về việc vận chuyển bị siết chặt với số lượng xe và nhân viên giới hạn, các nguyên liệu đã bị tăng giá khá cao. Khi này, với tình hình bắt buộc, các khách hàng sẽ chấp nhận mức giá được điều chỉnh. Tuy nhiên, để không làm khách hàng mất thiện cảm, ngay khi tình hình trở nên ổn định, các chủ quán nên quay lại với mức giá bán trước đây.

Các Bước Xử Lý Khi Nguyên Liệu Hết Hàng Hoặc Bị Tăng Giá
Khi mức giá nguyên liệu bị tăng vượt mức bạn có thể “gồng gánh”, hãy chấp nhận nâng giá bán trong thời gian ngắn và trở lại mức giá cũ khi thị trường bình ổn để ghi điểm với khách (Nguồn: Internet)

Bởi có không ít trường hợp, nhiều chủ quán tận dụng việc nguyên liệu bị tăng giá trong ngắn hạn để điều chỉnh mức giá nhằm nâng cao giá bán. Sau đó, dù tình trạng đã trở nên ổn định, các chủ quán vẫn giữ nguyên mức giá này. Điều này sẽ khiến cho các khách hàng đánh mất đi thiện cảm và rất có thể sau khi nhận thấy bạn không có dự định điều chỉnh giá, họ sẽ chẳng bao giờ quay lại quán của bạn thêm lần nào nữa. Bên cạnh đó, khi buộc phải điều chỉnh tăng giá, các chủ quán cũng nên tính toán mức giá tăng phù hợp, tránh để khách hàng phải gánh toàn bộ chi phí bị tăng giá. Việc san sẻ chi phí tăng lên này sẽ khiến khách hàng cảm thấy được sự quan tâm của thương hiệu dành cho họ, điều này sẽ để lại ấn tượng và khiến cho cửa hàng ghi dấu ấn sâu đậm với khách. Từ đó, khiến khách hàng chủ động quay lại với quán của bạn nhiều hơn.

Bước 2.2: Điều chỉnh giá mới

Tuy nhiên, nếu trong trường hợp mức chi phí liên tục tăng mà không có dấu hiệu “hạ nhiệt”, lúc này, các chủ quán buộc phải tính toán đến việc điều chỉnh giá bán để đưa ra mức giá mới sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Đối với việc điều chỉnh giá, sẽ khó khăn trong việc thuyết phục khách hàng ở giai đoạn mới đổi mức giá bán. Bởi chẳng ai muốn phải tốn thêm tiền, nhất là khi mức lương của nhiều khách hàng trong những tình huống này không hề được tăng theo. Tuy nhiên, các chủ quán có thể lấy lòng khách hàng của mình bằng việc đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Vì có không ít trường hợp, các chủ quán không muốn điều chỉnh giá bán để tránh bị mang tiếng “bán đắt”, do đó, họ lựa chọn giảm bớt số lượng nguyên liệu, điều này vô tình khiến cho khách hàng “mất hứng”. Khi này, họ sẽ chẳng muốn quay lại quán. Trong khi đó, nếu bạn tăng giá nhưng đồng thời cũng tăng chất lượng, điển hình như đổi sang tôm to hơn hay thêm một chút vải tươi cho khách. Điều này có thể khiến cho lợi nhuận bị ảnh hưởng đôi chút, nhưng về lâu dài, chính việc này sẽ khiến khách hàng có nhiều ấn tượng tích cực, khi đó, họ sẵn sàng quay lại nhiều lần. Chưa kể, với thiện cảm này, khách hàng cũng sẽ chủ động về thương hiệu của bạn đến các khách hàng mới.

Bước 3: Thông báo sự thay đổi đến khách hàng

Sau khi tính toán và buộc phải điều chỉnh mức giá bán dù là trong tạm thời hay dài hạn, một điều các chủ quán phải làm là thông báo rõ ràng đến khách hàng về sự thay đổi này. Bởi nếu bạn chỉ lặng lẽ nâng giá bán, với những khách hàng mới, họ sẽ không nhận thấy sự khác biệt, nhưng các khách hàng quen sẽ ngay lập tức trừ điểm. Vì các vị khách cảm thấy thương hiệu của bạn không minh bạch. Đây là lý do cho việc các thương hiệu lớn đều có những thông báo thay đổi mức giá bán trên menu cho các khách hàng.

Trong khi đó, nếu bạn đưa ra thông báo công khai về việc phải điều chỉnh giá đi kèm với lý do cụ thể, thì việc nâng giá bán của quán sẽ không gây ra bất kỳ sự tiêu cực trong cảm nhận của khách hàng. Đồng thời, việc được biết trước về khả năng chi trả nhiều hơn cũng giúp khách hàng có tâm lý sẵn sàng, do đó, họ sẽ ít cảm thấy khó chịu. Trái lại, nếu họ không nhận được thông tin về sự tăng giá bán, khi chi trả hóa đơn với mức giá cao hơn dự kiến, chắc chắn họ sẽ cảm thấy không mấy thoải mái. Điều này có thể là rào cản ngăn khách hàng quay trở lại quán của bạn trong tương lai.

Việc khan hiếm nguyên liệu chế biến hoặc thực phẩm bị tăng giá là điều không thể tránh khỏi trong quá trình kinh doanh. Tuy nhiên, để tạo thiện cảm với khách hàng cũng như gia tăng mức độ hài lòng, các chủ quán cần những cách xử lý phù hợp. Bài viết đưa ra các phương án ứng phó để các chủ quán có thể tham khảo, từ đó, có sự điều chỉnh để áp dụng cho thương hiệu của mình.

Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img