Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeChuyện nghềBí Quyết Giúp Các Đầu Bếp Nâng Cao Tay Nghề Nấu Ăn...

Bí Quyết Giúp Các Đầu Bếp Nâng Cao Tay Nghề Nấu Ăn Của Mình Hiệu Quả

Trở thành đầu bếp là lựa chọn nghề nghiệp tuyệt vời dành cho những ai có niềm đam mê và tình yêu dành cho ẩm thực cũng như với nghề bếp. Tương tự như bao công việc thuộc lĩnh vực khác, để mở ra cơ hội thăng tiến và phát triển với nghề đòi hỏi các đầu bếp phải không ngừng nâng cao kiến thức và tay nghề nấu nướng của mình. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để có thể cải thiện tay nghề hiệu quả, tận dụng tốt không gian để luyện tập mà không làm lãng phí công sức. Đặc biệt là với những đầu bếp mới vào nghề khi chưa có phương hướng cụ thể thường sẽ luyện tập tùy ý dẫn đến mất thời gian mà kết quả lại không được như mong muốn. 

[crp]

Bí Quyết Giúp Các Đầu Bếp Nâng Cao Tay Nghề Nấu Ăn Của Mình Hiệu Quả
Đầu bếp là lựa chọn nghề nghiệp tuyệt vời cho những ai có tình yêu với ẩm thực cũng như nghề bếp (Nguồn: Internet)

Bắt đầu với một thái độ tích cực và đặt mục tiêu rõ ràng

Xây dựng cho mình một thái độ lạc quan và tích cực học hỏi để cải thiện năng lực của mình là trạng thái quan trọng nhất để đạt được thành công trong bất kỳ quá trình nỗ lực nào. Hãy tự hỏi chính mình xem thử liệu bản thân có thật sự muốn cải thiện kỹ năng nấu nướng của mình không? Nếu câu trả lời là có, vậy thì lại tự hỏi tiếp đến những lý do nào khiến bạn muốn cải thiện kỹ năng của mình. Chính những lý do này sẽ trở thành mục tiêu phấn đấu của bạn. Viết ra, hình dung trong đầu hay bằng bất kỳ phương pháp nào hiệu quả với bạn nhất. Điều này sẽ giúp bạn có động lực và tập trung hơn vào những việc mình cần làm.

Cố gắng thành thục các món ăn cơ bản trước khi chuyển sang cấp độ phức tạp hơn

Hầu hết chúng ta đều có thể phạm sai lầm ở bước này. Bạn vừa tìm được một món ăn ngon và muốn thử nấu nên đã tìm kiếm công thức từ Internet hoặc mua một cuốn sách nấu ăn. Để rồi sau đó khi đọc qua công thức mới phát hiện các công đoạn khá phức tạp và bạn chẳng có phương hướng nào về cách thực hiện cả, hoặc cũng có thể bạn đã rất cố gắng làm theo công thức nhưng kết quả lại không được như mong đợi. Nếu bạn đã từng gặp phải trường hợp này, đừng vội đổ lỗi cho công thức trên mạng hay sách nấu ăn vừa mua được, hãy thử cân nhắc lại xem bạn có làm sai ở quy trình nào không, đã thực hiện đúng kỹ thuật hay chưa.

Tất cả chúng ta đều phải tập bước đi thật vững rồi mới có thể chạy và nhảy mà, vậy nên cũng tương tự như vậy, hãy luyện tập từng bước thật chậm, từ những món ăn cơ bản nhất rồi mới từ từ nâng cao dần lên. Hãy nhớ rằng phải luôn nắm vững kỹ thuật luộc trứng trước khi bắt đầu làm đến các món sốt trứng hay Scotch Egg (thịt bọc trứng lòng đào). Chỉ khi bạn cảm thấy mình đã sẵn sàng và có đủ tự tin vào tay nghề thì lúc đó mới là thời điểm thích hợp để tiến đến các thử thách khác phức tạp hơn. Đừng xem nhẹ những công thức hay kỹ thuật nấu ăn cơ bản, bởi chính chúng sẽ là chìa khóa tạo cho bạn có nền tảng để nâng cao và phát triển kỹ năng của mình. 

Bí Quyết Giúp Các Đầu Bếp Nâng Cao Tay Nghề Nấu Ăn Của Mình Hiệu Quả
Để thăng tiến với nghề đòi hỏi đầu bếp phải không ngừng nâng cao kiến thức và tay nghề của mình (Nguồn: Internet)

Đừng ngại bừa bộn nhưng hãy đảm bảo luôn ngăn nắp

Với những đầu bếp mới vào nghề, hoặc chỉ đơn giản là những người mới tập tành nấu ăn đều sẽ rất cẩn trọng sử dụng bảo hộ nhà bếp như khẩu trang, tạp dề và cả bao tay nữa. Điều này cũng tốt thôi, và thậm chí là còn được khuyến khích vì để đảm bảo tính an toàn vệ sinh trong nấu ăn. Thế nhưng đôi khi bạn cũng nên thử chạm vào nguyên liệu bằng tay trần của mình (tất nhiên là phải rửa sạch tay trước và trừ những trường hợp buộc phải đeo bao tay). Đừng quá ngại sợ bẩn hay sợ nhớp nháp khi phải chạm tay vào nguyên liệu để ướp hoặc trình bày món ra đĩa bởi nấu ăn sẽ rất cần bạn cảm nhận thực phẩm của mình theo đúng nghĩa đen. 

Ngoài ra, phải làm việc với hàng tá nguyên liệu cùng rất nhiều vật dụng nấu nướng có thể sẽ khó tránh khỏi việc bạn làm rối tung căn bếp của mình lên, vậy nhưng đừng e ngại về vấn đề đó, bất kỳ ai cũng đều như thế cả, miễn là phải đảm bảo sau đó bạn chắc chắn sẽ dọn dẹp lại mọi thứ thật ngăn nắp. Hoặc tốt hơn hết, bạn có thể luyện tập thói quen nấu đến đâu dọn đến đó để căn bếp luôn gọn gàng và sạch sẽ nhất có thể. Hãy nhớ rằng, sẽ không có đầu bếp chuyên nghiệp nào lại để căn bếp của mình trong tình trạng lộn xộn hết. 

Thời gian rất quan trọng

Bạn đã bao giờ thử xem một trận tennis chưa? Thử gợi nhớ về cách vận động viên đánh bóng, họ sẽ luôn quan sát đường bóng thật cẩn thận rồi canh thời điểm thích hợp để vung vợt đánh quả bóng đáp trả lại. Dù mọi thứ chỉ diễn ra trong tích tắc nhưng đó chính là thời gian đấy. Thời điểm thích hợp là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định sự thành công của một món ăn, và với bất kỳ loại thực phẩm nào cũng đều sẽ có thời điểm “vàng” của mình. Tại thời điểm “vàng” thực phẩm sẽ đạt được độ ngon nhất đúng theo yêu cầu của món ăn, chín vừa, chín tới hay tái đều phải dựa vào thời gian nấu.

Lấy ví dụ bạn muốn làm món beefsteak, đối với món này lại có rất nhiều cấp độ chín với mỗi cấp độ đòi hỏi thời gian chế biến khác nhau. Cụ thể, như với độ chín blue rare (thịt chín 10%) sẽ chỉ cần áp chảo khoảng 30 giây cho mỗi mặt thịt, độ chín rare (thịt chín 25%) lại cần đến 2 phút, độ chín medium rare (thịt chín 50%) cần 3 phút, độ chín medium (thịt chín 75%) cần 4 phút, độ chín medium well (thịt chín 90%) cần 5 phút, và độ chín hoàn toàn (thịt chín 100%) sẽ cần 6 phút áp chảo cho mỗi mặt thịt. Tùy vào nhu cầu khách hàng muốn thưởng thức như thế nào mà đầu bếp sẽ canh chỉnh thời gian để đạt được độ chín thích hợp nhất. 

Bước ra khỏi vùng an toàn của mình

Bạn đã nghe câu nói này rất nhiều lần rồi phải không? Hẳn là bạn sẽ thấy rất quen thuộc và thậm chí là có phần sáo rỗng, thế nhưng nghĩ kỹ một chút, liên tưởng đến những điều mình có thể làm thì biết đâu bạn sẽ tìm được động lực cũng từ câu nói này. Đôi khi cuộc sống quá vuông vức và lúc nào cũng làm theo các công thức sẵn có từ sách vở, từ Internet thì sẽ thật nhàm chán. Nếu bạn đã có nền tảng cơ bản và tự tin vào tay nghề của mình thì tại sao không thử bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Hãy thử sáng tạo với các món ăn hiện có, cải tiến công thức bằng cách thêm thành phần, thay đổi liều lượng hoặc phát triển công thức nấu ăn mới. Sáng tạo và thử nghiệm không chỉ giúp bạn tìm ra được món ăn mới mà còn góp phần nâng cao tay nghề của mình hơn rất nhiều.

Nếu bạn đọc đến dòng này thì có thể thấy bạn đã quyết tâm trở thành một đầu bếp giỏi như thế nào. Tuy nhiên, tất cả những bí quyết đều sẽ trở thành vô nghĩa nếu không được thực hành thường xuyên. Vì vậy, hãy không ngừng luyện tập và không ngừng tò mò về thế giới ẩm thực để ngày càng mở rộng vốn hiểu biết cũng như nâng cao tay nghề của mình.

Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img